Bitcoin lép vế trước ví điện tử

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mức độ quan tâm của người Việt về ví điện tử vượt trội so với tiền ảo, dù bitcoin từng có thời làm mưa làm gió trên mạng.
Bitcoin lép vế trước ví điện tử
Mức độ phổ biến của các loại ví điện tử khiến lĩnh vực này được bàn luận nhiều trên mạng xã hội. (Ảnh: Hải Đăng)

Reputa vừa công bố dữ liệu về mức độ quan tâm của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam trong năm 2022 đối với lĩnh vực fintech. Công ty này dùng các công cụ lắng nghe mạng xã hội để chốt lại những chủ đề được người dùng quan tâm.

Ít nhất trong nửa đầu năm 2022, tiền ảo là chủ đề được bàn tán nhiều trên truyền thông, “người người nhà nhà” nói về tiền ảo. Tuy nhiên, số liệu của Reputa gây bất ngờ khi trong lĩnh vực thanh toán điện tử, chỉ có 2,9% người dùng trên mạng bàn luận về chủ đề này.

Trong khi đó, có đến 73,37% quan tâm đến ví điện tử, vượt trội so với chủ đề hoá đơn điện tử (23,74%) xếp tiếp theo sau đó.

Thanh toán điện tử nói chung và ví điện tử nói riêng được bàn luận nhiều vì đây là những vấn đề thiết thực hàng ngày của nhiều người dùng. Các chủ đề này được bàn tán công khai hơn so với tiền ảo vốn chưa nhận được ủng hộ chính thống từ cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, mức độ quan tâm về thanh toán số cũng đến từ lượng người sử dụng ngày một tăng. Khảo sát công bố giữa năm ngoái của Visa cho thấy có sự tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt. Trong đó, gần 76% người tiêu dùng sử dụng ví điện tử, 82% người dùng thẻ. 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ hạn chế, thậm chí ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. 

Ngoài ra, hoạt động mạnh mẽ của các công ty fintech trên mạng xã hội góp phần lớn trong việc xây dựng hình ảnh và thói quen không dùng tiền mặt.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, cho rằng trên mạng xã hội, thương hiệu cũng như một con người, có tiếng nói, có cộng đồng, có hình ảnh riêng. Bằng việc tương tác, trò chuyện, thương hiệu và người dùng dần trở thành những người bạn. Niềm tin của người dùng cũng dần được hình thành theo quá trình truyền thông của thương hiệu. 

Nếu tận dụng được mạng xã hội, ông Diệp khẳng định thương hiệu sẽ đến gần với người tiêu dùng hơn, từ đó việc truyền thông về các tính năng, dịch vụ mới cũng tự nhiên hơn.

Báo cáo chỉ ra những yếu tố quyết định việc người dùng gắn kết với một nền tảng thanh toán. Theo đó, gần như tất cả mọi người (97,76%) đề cao yếu tố hài lòng khi trải nghiệm thanh toán. 8 trên 10 người mong muốn được tư vấn và hỗ trợ nhanh trong quá trình sử dụng. Và có khoảng 1/3 mong muốn có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Báo cáo cũng xếp hạng mức độ phổ biến của các nền tảng thanh toán điện tử trên mạng xã hội. Trong đó, MoMo dẫn đầu nhóm ví điện tử với 149,46 điểm, cách khá xa hai ví xếp tiếp theo là ShopeePay (37,50) và VNPay (25,56).

Trong top các công fintech, FE Credit dẫn đầu (43,65 điểm), kế đến là Fiin (9,43) và Finhay (5,67). 

Ở mảng ngân hàng số, MB Bank, TP Bank, Techcombank lần lượt chiếm các vị trí đầu tiên về mức độ phổ biến.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật