Viễn cảnh bấp bênh của thị trường chứng khoán

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
VN- Index liên tục biến động mạnh, ’tăng nhanh, giảm sốc’ khiến nhà đầu tư hoang mang lo lắng khi thị trường ngày càng khó đoán định. Chuyên gia dự báo, rủi ro giảm điểm còn kéo dài.
Viễn cảnh bấp bênh của thị trường chứng khoán
Chuyên gia dự báo, rủi ro giảm điểm của VN-Index còn kéo dài.

Đóng cửa phiên 23/2, VN-Index tiếp tục giảm 0,62 điểm (0,06%), còn 1.053,66 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ, giá trị khớp lệnh HoSE lại về dưới 10.000 tỷ đồng. Đồng thời, khối ngoại gia tăng bán ròng 676 tỷ đồng.

Tăng nhanh, giảm sốc

Trước đó, VN-Index vừa trải qua một phiên giao dịch không mấy tích cực, khi lao dốc hơn 20 điểm về sát đáy tháng 2, phủ nhận hoàn toàn nỗ lực tăng điểm của chỉ số vào phiên thứ 2 đầu tuần (20/2). Không ít cổ phiếu bất động sản vừa tăng kịch trần phiên 20/2 đã quay đầu giảm sâu, tương tự với nhóm ngân hàng hay chứng khoán đều khó tránh khỏi tình trạng chung.

Đà giảm mạnh của VN-Index trong phiên này đã kéo định giá P/E xuống mức thấp nhất trong tuần qua. VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 11,88 lần. Dù định giá ghi nhận thấp hơn đáng kể mức trung bình 10 năm song không còn quá hấp dẫn so với thời điểm cuối năm 2022.

Như vậy, sau 2 phiên khởi sắc, thị trường lại một lần nữa rơi vào vòng xoáy bán tháo. Cú rơi mạnh này khiến phiên 20/2 kéo vốn hóa của các doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, thậm chí kể từ khi niêm yết.

Không chỉ vậy, diễn biến khó lường “tăng nhanh giảm sốc” của thị trường trong phiên này còn khiến không ít nhà đầu tư hoang mang, lo lắng. Bởi nhiều người trong số họ quay cuồng trong thua lỗ, nhất là nhóm trading ngắn hạn (lướt sóng T+).

Theo ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Chứng khoán MB (MBS), nhịp hồi trong phiên đầu tuần chỉ là nhịp hồi kỹ thuật trong một xu thế giảm. Đây là pha giảm cuối cùng của thị trường nên sẽ có độ thoải rất cao, nên trên đà giảm sẽ có sóng hồi răng cưa đan xen, tạo cho nhà đầu tư cảm giác uptrend đã trở lại. Tuy nhiên, những nhịp như vậy chỉ là nhịp hồi kỹ thuật.

Bàn về nguyên nhân của đà giảm mạnh, theo giới phân tích, áp lực chốt lời có xu hướng tăng dần trong khoảng 4 tháng từ khi thị trường tạo đáy. Nhiều nhóm ngành dẫn dắt nhịp hồi 1 tháng trở lại đây bao gồm: xây dựng, hạ tầng, vật liệu xây dựng, dầu khí,.. đã ghi nhận mức tăng đáng kể 15-20%, thậm chí gấp đôi kể từ đáy. Điều này khiến áp lực chốt lời tăng dần và việc xuất hiện các phiên giảm điểm lớn chỉ là vấn đề thời gian.

Trong khi đó, dù các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và Chính phủ đã thực hiện nhiều cuộc trao đổi nhằm tháo gỡ nút thắt thanh khoản, tuy nhiên hiện tại vẫn là khá sớm để đánh giá những tác động cụ thể tới các doanh nghiệp này. Đây là nhóm có tỷ trọng vốn hóa lớn, chiếm khoảng 45% toàn thị trường. Do đó khi tín hiệu khả quan từ các nhóm này chưa xuất hiện, sự giảm điểm lớn là khó tránh khỏi.

Hơn nữa, nhà đầu tư cũng đang lo ngại về “khủng hoảng” thanh khoản của một số doanh nghiệp bất động sản lớn kéo theo những hệ lụy khó lường. Khi kỳ vọng trở thành nỗi thất vọng, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Chưa kể, sự hỗ trợ từ dòng tiền khối ngoại - từng là động lực lớn hỗ trợ đà hồi phục của thị trường đang yếu dần khi quy mô bán ròng đang có xu hướng tăng lên trong các phiên gần đây. Điều này tạo thành nút kích hoạt đà bán của các nhà đầu tư trong nước.

rủi ro giảm điểm còn kéo dài?

Đưa ra dự báo về diễn biến thị trường, ông Dương Văn Chung cho rằng, rất khó đoán định thị trường trong ngắn hạn vì còn nhiều yếu tố khó lường. Nhưng với bối cảnh nền kinh tế hiện tại, kết quả kinh doanh củ‌ּa qu‌ּý I/2023 có thể còn ảm đạm hơn quý IV/2022 vừa qua. Do đó, nhịp giảm trung hạn kéo dài từ cuối tháng 1 đến nay sẽ có thể duy trì trong khoảng 1 – 3 tháng tiếp theo, sau khi mùa đại hội cổ đông kết thúc.

Dưới góc nhìn đầu cơ, chuyên gia dự báo có khả năng VN-Index lùi về đến khoảng 900-935 điểm, nhưng vẫn sẽ có những nhịp tăng giảm đan xen.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco nhận định, áp lực bán trong thời gian tới vẫn có thể xuất hiện và xu hướng giảm điểm vẫn còn hiện hữu khi áp lực chốt lời đang gia tăng, đặc biệt tại nhóm vốn hóa lớn.

Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên tận dụng nhịp hồi phục của thị trường để hạ tỷ trọng với các nhóm ngành đã tăng mạnh trong nhịp tăng điểm vừa qua như xây dựng, vật liệu, dầu khí.

Đối với các nhà đầu tư nắm giữ trung-dài hạn, có thể tiếp tục nắm giữ danh mục, trừ nhóm bất động sản trước áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, và nhóm ngân hàng trước khả năng các khoản nợ xấu có thể nhiều hơn trong thời gian tới làm giảm lợi nhuận.

Đặc biệt, nhà đầu tư cũng chưa nên vội vàng "bắt đáy" ngay thời điểm này mà nên tiếp tục quan sát diễn biến thị trường do rủi ro giảm điểm tương đối lớn.

Dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Maybank Kim Eng, Phan Dũng Khánh cho rằng, chứng khoán giảm điểm mạnh nhưng chưa mất vùng hỗ trợ, đồng thời thanh khoản đã cải thiện so với vài tuần trước, kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi. Cụ thể, 3 phiên giao dịch đầu tuần đều đạt từ 12.700 - 15.000 tỷ đồng mỗi phiên, trong khi giao dịch trung bình những tuần trước đạt chưa tới 10.000 tỷ đồng/phiên.

“Tuy nhiên, dù là nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn cũng nên hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) trong bối cảnh rủi ro vẫn ở mức cao như hiện nay”, vị chuyên gia này lưu ý.

Trong khi đó, chuyên gia đến từ MBS khẳng định mốc 873 điểm vào tháng 11/2022 đã là đáy dài hạn của thị trường. VN-Index sẽ khó xuyên thủng mốc điểm này trừ khi có những trường hợp bất khả kháng xảy ra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật