Kim ngạch xuất khẩu khu vực trong nước cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
Thống kê vừa được Bộ Công Thương công bố, trong 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 19,9% và 16,7%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.
Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%, qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%).
Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 13,9%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung và cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI.
Bộ Công Thương cho biết, trong 8 tháng có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 58,7%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước…
Cũng trong 8 tháng đầu năm 2019, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 83,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt và may mặc...
Bộ Công Thương cho biết, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy các ưu đãi từ các FTA cơ bản đã được ta tận dụng có hiệu quả.
Dẫn chứng vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu sang Nhật Bản 8 tháng đầu năm đạt 13,39 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 12,56 tỷ USD, tăng 5,3%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 17,3 tỷ USD, tăng 3,7%; xuất khẩu sang Nga đạt 1,92 tỷ USD tăng 14,2%; xuất khẩu sang Niudilan đạt 358,8 triệu USD tăng 12,8% so với cùng kỳ...
Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa 8 tháng đầu năm đạt 2,59 tỷ USD, tăng 31,3%; xuất khẩu sang Mexico đạt 1,85 tỷ USD, tăng 20,9%). Đáng chú ý, Canađa đang là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất của Việt Nam với mức tăng lên tới hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD
Liên quan đến thị trường nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, lũy kế 8 tháng năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Trong 8 tháng có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng đạt giá trị trên 20 tỷ USD, chiếm 34,6%), trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; ô tô đạt 4,9 tỷ USD, tăng 60,3%.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước (nhóm hàng cần nhập khẩu) chiếm 87,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước với kim ngạch đạt 146,4 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát cũng tăng 18% so với 8 tháng năm 2018. Trong đó, tăng trưởng chủ yếu đến từ các mặt hàng như: Ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi tăng 239,7%, linh kiện phụ tùng ô tô tăng 18,1%, rau quả tăng 11,6%, xe máy, linh kiện phụ tùng xe máy tăng 30,5%... Trong nhóm hàng này chỉ có phế liệu sắt thép giảm 13,4% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,2 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc; thị trường ASEAN; Nhật Bản; thị trường EU…