Những ông chồng mắc chứng cuồng si vợ

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Cái sự yêu vợ chẳng biết thế nào mới là đủ. Cũng bởi lo lắng đó mà các đức ông chồng biến tình yêu của mình thành một thứ gánh nặng và siết chặt vợ mình trong tình cảm đó..“
Những ông chồng mắc chứng cuồng si vợ
Ảnh minh họa

Còn những người vợ, đồng thời là"thần tượng" của chồng thì luôn cảm thấy ngột thở, bí bách và đến khi không chịu nổi, các nàng tìm cách thoát ra...

"Lấy vợ về để.. khoe"

Tuấn( Hải Phòng) là một chàng trai tốt nhưng mải mê với học hành mà quên mất chuyện yêu đương. Mặc cho gia đình cuống quýt giục con trai lớn lấy vợ, anh vẫn đủng đỉnh bởi Tuấn quan niệm tình yêu chẳng thể gượng ép, hễ đến lúc cần thiết thì nó khắc đến. Cứ đợi vậy nên đến ngoài tứ tuần, Tuấn mới lần đầu được nếm vị ngọt tình yêu và tình yêu đó dẫn đến một hôn nhân hạnh phúc. Hạnh, vợ anh, là con gái xứ Huế, mới 24 tuổi. Cái nhẹ nhàng, mềm mại, e lệ nơi cô đã khiến Tuấn có cảm tình từ ngay lần gặp đầu tiên. Tuấn yêu Hạnh nhiều nên với anh hễ cái gì là của vợ, cái gì vợ làm cũng đều là tuyệt nhất, đẹp nhất. Anh coi vợ là cảnh giới tuyệt đối của cái đẹp và đó là niềm tự hào của Tuấn

Ở nhà, mọi việc đều do người giúp việc đảm nhận. Hạnh không phải động vào bất cứ việc gì bởi Tuấn sợ cái bàn tay nhỏ xinh kia nếu làm lụng nhiều sẽ xuất hiện những vết chai cứng. Rồi lúc nấu nướng hay dọn dẹp lỡ may không cẩn thận, vợ anh có thể bị thương bất cứ lúc nào. Nâng niu nàng, bảo vệ nàng, đó là điều mà Tuấn nhất quyết phải làm cho vợ. Cái sự chiều vợ của anh khiến bố mẹ bực mình ra mặt. Mẹ Tuấn vẫn lo rằng con mình lớn tuổi mới lấy vợ thế nào cũng coi vợ là"thánh”, còn lại mọi sự đều không quan trọng và quả thực giờ nó đang diễn ra đúng như bà nghĩ.

Hạnh thực sự là người con gái đảm đang, là cô con dâu biết điều. Cô muốn mình làm tròn nhiệm vụ của phận con, phận cháu nhưng không thể vì anh chồng lúc nào cũng kè kè ở bên giữ vợ. Nhà có đám hỏi hay giỗ chạp, chị em mỗi người xúm vào làm thì Hạnh chỉ biết ngượng ngùng ngồi không bởi Tuấn không cho phép. Đến khi ngồi vào bàn ăn, chồng vẫn chưa tha cho cô. Anh phải chọn chỗ thoáng nhất, rộng rãi để vợ ngồi không bị khó chịu. Rồi luôn tay luôn chân chọn món này, gắp mọn nọ cho vợ mặc người lớn trong nhà có ý kiến. Rồi ai cũng lắc đầu, chép miệng thông cảm: “Thôi thì thì nó lấy vợ muộn, chiều vợ âu cũng là sự dễ hiểu”.

Lê la hàng quán, mở đầu câu chuyện nói đông, nói tây bao giờ anh cũng vòng về nói chuyện vợ mình. Anh hào hứng khoe vợ khéo, vợ đảm dù ở nhà, anh không cho vợ động đến bất cứ việc gì. Bạn bè cũng phát ngán vì những câu chuyện dài lê thê, bất tận của Tuấn về Hạnh. “Vợ cậu có biết thêu thùa không? Không à? Vợ tớ là giỏi lắm đấy”… Cứ như vậy, Tuấn dựng lên một “ tượng đài” về công, dung, ngôn, hạnh của vợ.

Mới đầu thì ai cũng hứng thú, sau thì chỉ ừ à cho qua chuyện. Chẳng dừng lại ở đó, đến nhà bạn chơi, Tuấn phải bới móc bằng được điểm xấu nào đó của vợ bạn để làm nền tôn vợ mình lên. Nhiều lần, anh đã làm Hạnh ngượng chín người khi trong bữa ăn, anh cứ liên tục chê thứ này mặn, thứ kia nhạt, “chỉ đáng xách dép cho tài nấu ăn cuả vợ tớ”. Hạnh khó chịu nhưng nói chồng thế nào, anh cũng không chịu tiếp thu.

Cái sự yêu và muốn khoe vợ với khắp thiên hạ của Tuấn càng lên cao khi anh nói vợ nghỉ làm, chỉ ở nhà chăm sóc sắc đẹp, giữ gìn sức khỏe. Và quan trọng nhất là luôn ở trong trạng thái áo quần là lượt để hễ anh gọi là chị có mặt ngay. Ấy là Tuấn mang vợ đi khoe, để mọi người được"tận mục sở thị” cô vợ mà Tuấn ngày ngày vẫn hăng say ca tụng. Tiền Tuấn đổ ra cho vợ làm đẹp càng ngày càng tăng. Hạnh dĩ nhiên ngày càng xinh ra nhưng cái vẻ tươi tắn của cô gái Huế năm nào thì cứ mai một dần.

Lấy vợ muộn nên Tuấn rất chiều vợ (Ảnh minh họa)

Bạn bè Hạnh ai cũng xuýt xoa chị lấy được ông chồng quá tốt nhưng ít ai hiểu được nỗi lòng của Hạnh. Chị đã mất công học tập hàng bao nhiêu năm trời, giờ kiến thức bỏ không bởi chỉ được ngồi nhà. Hạnh cũng đã có tuổi nên muốn sinh con nhưng Tuấn sợ vợ đẻ xong sẽ phát phì, anh cứ chùng chình mãi nói còn phải phấn đấu cho sự nghiệp. Mà giờ Tuấn đã là giám đốc công ty, còn phấn đấu đến bao giờ nữa? Không hiểu nỗi lòng của vợ, Tuấn chết chìm trong những lời khen của mọi người về cô vợ thần thánh của mình. Mà trong những lời khen ấy, biết lời nào là thật, lời nào là nói để lấy lòng ông giám đốc?

Chẳng chịu nổi chồng, Hạnh xin li hôn. Tuấn thì chẳng hiểu nguyên nhân, cho rằng Hạnh vô tình bởi anh yêu thương cô nhiều đến thế cớ sao muốn rời bỏ anh? Bố mẹ anh thì đang rục rịch tìm vợ mới cho chàng quý tử. Nhưng nếu vẫn đối với vợ một tình yêu” bao la” như thế, liệu anh có giữ được hạnh phúc, có thể giữ được vợ ở bên mình mãi mãi?

Yêu vợ, giữ vợ cho riêng mình

Nếu như Tuấn mang vợ đi khắp nơi để khoe đẹp, khoe xinh thì Nam (Nam Định) lại giữ rịt vợ ở nhà cho riêng mình bởi anh sợ lơ là sẽ mất vợ. Những năm đầu của cuộc sống hôn nhân, gia đình Nam rất hạnh phúc. Sau khi con cái đề huề, Lan -  vợ anh có thời gian chăm chút cho bản thân hơn, sự nghiệp của cô cũng thăng tiến nhanh. Vợ ngày càng đẹp ra, các mối quan hệ ngày càng nhiều, Lan đi về thất thường, lại thường xuyên phải tiếp khách đến muộn mới về được. Trong mỗi bữa rượu, bạn bè mỗi người góp một câu trêu Nam rằng thế nào cũng có ngày mất vợ. Ban đầu chỉ là lời nói đùa nhưng đùa nhiều thì lại  khiến Nam suy nghĩ.

Yêu vợ, sợ vợ không giữ được mình trước những cám dỗ, Nam bắt đầu công cuộc kiếm soát vợ của mình. Trước khi đi làm, Lan bao giờ cũng phải viết lịch trình những công việc cô sẽ làm hôm đó cho Nam biết và chắc chắn là phải chính xác bởi anh sẽ đến kiểm tra bất ngờ. Có lần, trong lịch ghi giữa trưa tiếp đối tác ở một nhà hàng sang trọng, Nam thân chinh đến không thấy vợ đâu. Cho rằng vợ nói dối để làm việc mờ ám, Nam nổi giận gọi Lan về nhà gấp để tra hỏi. Lí do rất đơn giản chỉ là lịch hẹn bị đổi nên Lan ở lại công ty.

Công việc nhà nhẹ nhàng nên Lan ngày càng trẻ đẹp ra (Ảnh minh họa)

Sau lần đó, hễ lịch trình có gì “biến động”, Lan nhất định phải nhắn tin thông báo cho chồng biết. Tưởng thế là đã tạm yên mọi chuyện nhưng tần suất xuất hiện của Nam ở những nơi vợ anh tới giao dịch ngày càng nhiều. Hễ cô nói chuyện, vui cười với người đàn ông nào dù chỉ là xã giao nhưng khiến Nam thấy khó chịu, anh sẽ nhắn tin yêu cầu vợ tránh ra một chút. Dù bực mình với sự kiểm soát của chồng nhưng vì muốn giữ hòa khí trong gia đình, Lan cố chịu nhịn và tự nhủ chỉ cần mình chú ý một chút, cho chồng thấy cô yêu anh nhất thì mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy. Nhưng Lan đã nhầm.

Không dừng lại ở việc đi theo vợ ở mọi nơi, Nam kiểm tra cả điện thoại của vợ. Hòm mail cũng nhờ một người bạn làm công nghệ hak để lấy mật khẩu. Bào chữa cho việc làm này của mình, Nam nói: “Cũng chỉ là do tôi lo cho vợ. Đàn ông giờ không tin được. Tôi lo vợ sẽ bị rơi vào những cám dỗ xấu xa. Tôi yêu vợ nên mới làm vậy”. Trong những bữa rượu cùng bạn bè của Nam, các chiến hữu luôn lấy chuyện Lan ra làm chủ đề chính rằng hôm nọ vừa gặp cô ở chỗ này, chỗ kia; đi cùng người đàn ông lạ ra chiều thân mật… rồi tỏ vẻ hỏi chân thành Nam rằng:"Cậu có tin là cậu bị mọc sừng rồi không?”.

Bị khích tướng nhiều, cái sĩ diện của thằng đàn ông nổi lên, lại thêm phần sợ mất vợ thật, Nam quyết định giữ vợ ở nhà, không cho giao du với bên ngoài. Vợ trở thành một thứ để trang trí trong nhà cho mình Nam ngắm. Tất cả mọi việc còn lại một tay Nam làm. Chợ búa, cơm nước Nam cũng xông pha làm hết. Chỉ cần là việc phải ló mặt ra ngoài, gặp gỡ nhiều người thì nhất định anh nhận làm hết. Ngay cả việc xách rác ra đầu ngõ Nam cũng tranh với vợ. Ban công nhà anh gần với nhà hàng xóm, vợ anh thi thoảng đứng hóng gió, gặp Khôi-hàng xóm cũng nói dăm ba câu chuyện. Thấy vậy, hôm sau Nam cho người về xây tường bịt luôn khoảng không gian đó trước sự ngỡ ngàng của vợ.

Bạn bè đến chơi nhất định phải đến vào lúc Nam có ở nhà vì nội dung câu chuyện của họ phải được Nam “kiểm định”. Tâm lý sợ mất vợ khiến Nam ngày càng kiểm soát vợ chặt chẽ. Thậm chí khi đi làm, sợ vợ ra ngoài, anh nài nỉ mẹ sang ở cùng mình để chung tay kiếm soát vợ. Sống trong kìm kẹp, Lan gần như phát điên và lẽ dĩ nhiên, cô chẳng còn giữ được vẻ đẹp khi xưa nữa. Gia đình cũng chẳng còn ấm êm. Mới đây, Nam đã quyết định nghỉ việc ở nhà bầu bạn cùng vợ cho nàng đỡ buồn, lại tiện  cho việc trông chừng nàng.

Với Nam, anh giữ vợ cho riêng mình (Ảnh minh họa)

Một cửa hàng điện tử được mở ra để tạo ra nguồn kinh tế trong gia đình. Mới đầu, Nam cho vợ cùng giúp đỡ mình trong việc kinh doanh. Lan vốn khéo léo, lại được tiếp xúc với nhiều người sau chuỗi ngày bị “giam cầm” khiến cô rất vui vẻ. Thấy vợ cười nói với những người đàn ông khác, nỗi lo của anh Nam lại bùng lên và tất nhiên, Lan lại trở về với cuộc sống trước đó.

Nam cứ một mình bận rộn với cửa hàng. Đôi khi vãn khách chạy vào nhà trong nói chuyện với vợ vài câu rồi lại ra. Lúc nào cũng kè kè vợ bên cạnh, dĩ nhiên là Nam yên tâm. Chỉ có Lan là khổ. Và việc duy nhất còn an ủi phần nào tâm trạng của cô là dậy con học hành. Nhưng nghe đâu, nó cũng sắp bị Nam tước mất vì Nam sẽ mời gia sư về cho con để vợ anh được hoàn toàn nghỉ ngơi.

Vì yêu nên anh chỉ nghe vợ

Không cấm đoán và bắt vợ làm này kia, Kiên (Hà Nội) yêu vợ theo kiểu thứ gì cũng nhường nàng, thứ gì cũng để vợ quyết từ công to việc lớn đến những chuyện tủn mủn nơi xó bếp. Kiên không nghĩ đó làm mất đi lòng tự trọng đàn ông của mình mà đơn giản, đó là cách anh thể hiện tình yêu với vợ mình. Khi còn yêu nhau, được Kiên chiều chuộng, thứ gì cũng nghe theo mình, Hoa ngỡ đó là hạnh phúc nhưng về ở với nhau, mới thấy thứ tai họa này sao mà khó chịu đến thế.

Có chuyện gì dù cấp bách đến đâu, nhất định Kiên phải được nghe ý kiến của vợ"chỉ đạo” thì mới dám làm. Đối với anh, ý vợ là ý trời. Mọi thứ trong nhà, vợ thích là mua, không cần biết đắt rẻ ra sao, có ích hay chật nhà. Nhà anh sơn toàn một màu vàng bởi Hoa rất thích màu vàng này. Nội thất cũng được bài trí  theo ý vợ từ bàn ghế, rèm cửa, ga gối…

Cái sự chiều vợ như thế không có gì là xấu nhưng Kiên làm quá lên thì nó lại khác. Câu cửa miệng của anh luôn là : “Em muốn gì? Em thích gì? Theo em nên làm thế nào?". Chuyện bé xíu Kiên cũng phải gọi điện bảo vợ. Có lần đi mua sữa tắm cho vợ, loại vợ dùng không còn, anh cũng gọi điện hỏi xem có đổi loại khác có được không. Mà là loại khác thì nhất định vợ phải nói rõ tên để anh mua chứ anh không “dám” mua theo ý thích của mình.

Đối với anh, làm hài lòng vợ là điều tuyệt vời nhất (Ảnh minh họa)

Đó là chuyện nhỏ. Đến chuyện lớn, chuyện gấp Kiên cũng cần có chỉ đạo của vợ. Có lần, con ốm, sốt cao, vợ đi công tác xa gọi mãi không được. Ai ai cũng bảo nhất định phải đưa đi viện nhưng Kiên không nghe. Anh cứ phải hỏi vợ đã. Khẩu hiệu của anh là “ý mẹ, ý bố, không bằng ý vợ”. Cứ thế, đáng ra chồng phải trở thành chỗ dựa vững chắc cho vợ thì Kiên lại dựa dẫm vào vợ mình, anh không dám quết định việc gì, tự ý làm một việc gì. Đến cái việc cỏn con như sau giờ làm, bạn bè rủ đi nhậu, anh cũng gọi điện về để xin phép vợ.

Vất vả nhất cho Hoa là khi làm nhà. Chuyện lớn như vậy, ở mọi gia đình khác đều được chồng lo chu tất còn ở nhà cô, cô phải đứng ra lo hết từ chuyện thiết kế, lo công thợ…Nhiều lúc mệt mỏi muốn nghỉ đôi chút cũng không được vì cứ vừa chợp mắt, chồng lại thập thò ngoài cửa “Em ơi anh bảo…”.

Sự tin tưởng của Kiên vào vợ là tuyệt đối. Anh luôn cho rằng những gì vợ đã quyết thì nhất định là đúng. Mà dù có sai anh cũng sẽ lại tự  huyễn hoặc mình thế là đúng, vợ làm như vậy nhất định có cái lí của vợ. Tiền nong trong nhà cũng một tay do Hoa quản. Kiên cứ lấy lương lại đem về cho vợ dù Hoa nói không cần như vậy. Thực ra, có để Kiên giữ tiền cũng giống như Hoa giữ vì anh mua gì cũng anh cũng hỏi điện về hỏi cô. Có lần trên đường đi làm về, muốn mua cho con món đồ chơi, Kiên cũng phải cấp tốc xin ý kiến Hoa. Vợ không đồng ý thì muốn mấy cũng không mua.

Người ngoài nhìn vào ngỡ Hoa sung sướng vì quản được chồng như vậy nhưng thực tình cuộc sống của chị rất mệt mỏi. Một ông chồng một hỏi hai xin có khác nào đứa trẻ con to xác nhưng vẫn chưa lớn. Nhưng biết làm sao được bởi Kiên cứ luôn mồm nói: “vì anh yêu vợ nên anh không muốn làm gì trái ý nàng cả”. Và vì thế, Kiên vô tình đã biến mình thành một ông chồng vô tích sự và không có chứng kiến.

Từ bao giờ, anh đã đánh mất đi những sở thích của mình, từ bao giờ anh đã tự bó buộc cuộc sống của mình và từ bao giờ anh đã không nhận ra sự mệt mỏi của vợ mình bởi tình yêu của anh đang đè nặng nên vai cô. Đến nỗi, chỉ cần nhìn thấy số của anh gọi đến, vợ anh đã thấy hốt hoảng và chán chường.

Gia đình anh chẳng bao giờ có chuyện cãi cọ bởi Kiên lúc nào cũng nhường vợ, chẳng bao giờ nói nặng lời với Hoa một câu. Anh cũng không bao giờ ghen tuông hoặc là giả là có nhưng cũng không thể hiện. Cuộc sống vợ chồng nhạt nhẽo trôi đi nhưng Kiên vẫn ngỡ là hạnh phúc, vì anh đã hết lòng yêu vợ, anh nào có làm gì có lỗi. Lỗi chỉ là do tình yêu đã biểu hiện sai đường của nó.

Sự tin tưởng của Kiên vào vợ là tuyệt đối. Anh luôn cho rằng những gì vợ đã quyết thì nhất định là đúng (Ảnh minh họa)

Khi vợ là thần tượng

Vợ Khánh là một người nổi tiếng. Tình yêu của anh đối với vợ trước hết là lòng ngưỡng mộ. Cả thời sinh viên, Minh Vy là thần tượng số một trong lòng Khánh. Cô nữ sinh xinh đẹp có giọng hát trong mướt, khuôn mặt nhỏ xinh, tiếng nói ngọt ấm đã hút hồn Khánh. Chẳng riêng gì anh mà biết bao nam sinh đã coi Minh My là người trong mộng của mình. Thế nên có nằm mơ anh cũng không nghĩ rằng ngày nào đó anh được lấy nàng làm vợ. Đối với Khánh, đó là diễm phúc khá lớn.

Khi bắt đầu xây dựng cuộc sống vợ chồng, anh đã tự hứa rằng sẽ chiều chuộng cô, nâng niu cô, tuyệt đối không  bao giờ làm cho cô đau lòng. Nhưng thần tượng khi ở xa mới thấy sáng lóa, hễ ở gần, thấy nhiều  điểm xấu gây thất vọng. Trong lòng Khánh, Minh My là người hoàn hảo. Anh đã vẽ lên bao nhiêu điều tốt về người vợ này. Tất nhiên đó chỉ là do anh tưởng tượng. Con người ai mà chẳng có khiếm khuyết. Càng kỳ vọng thì không được như ý mình, sự thất  vọng càng lớn.

Nhưng thói quen, cách xử sự của vợ không như những gì mà Khánh đã  từng mường tượng. Những gì cô đã từng nói trái ngược hoàn toàn với những gì anh thấy. Điều khó chấp nhận nhất là khi thần tượng của lòng anh lúc ngủ lại ngáy. Cái sự ấy đối với anh vừa vô duyên lại vừa xấu xí. Rồi khi ăn uống, cô không nhỏ nhẹ như anh nghĩ mà rất thoải mái, không hề giữ ý. Tận mắt thấy vợ dùng tay nhón thức ăn trước khi vào bữa, Khánh tưởng như không thể tin nổi: Cô gái nhẹ nhàng của anh đâu rồi? Cô gái lúc nào cũng e lệ, hiền dịu nép sau anh đâu rồi?

Không cam tâm cho thần tượng sụp đổ trong tim mình, Khánh bắt vợ phải trở thành người như cô đã công bố trước công chúng. Thói quen thế nào, sở thích ra sao phải sao y những điều Minh Vy đã nói mà thực hiện. Cô vốn không thích nấu ăn, nuôi mèo nhưng trước vì hình tượng ngoan hiền cuả mình đã phát biểu như vậy. Giờ Khánh mua mèo cho vợ, mọi nấu nướng trong nhà cũng ủy quyền cho vợ thực hiện. Lịch diễn của cô bị hủy hết thay vào đó là thời khóa biểu học nấu ăn, học nữ công gia chánh, học cách đối nhân xử thế…

Cách ăn mặc cũng không được tự tiện. Khánh tuyệt đối không để vợ mặc h‌ּở han‌ּg, hai dây, quần đùi… vì trong lòng anh từ xưa đến giờ nàng là thánh nữ trong trắng, e lệ. Tóc cô phải để tự nhiên với màu đen nguyên bản. Không thể có chuyện cắt nhuộm lôm nhôm. Chuyện này Minh Vy cũng có thể cố mà bỏ qua được. Chỉ khổ nhất cho cô là phải học thuộc đủ thứ văn thơ vì lỡ có lần phát ngôn trên báo rằng cô rất yêu văn học, thuộc lòng nhiều tác phẩm. Cả ngày mệt nhoài với lịch học” làm vợ”, tối về cô lại căng mắt học thuộc với sự giám sát của chồng. Khánh thì lấy làm hài lòng lắm bởi cô vợ hoàn hảo đang dần hình thành trong người thần tượng Minh Vy của anh.

Vy phát hiện những yêu cầu của chồng, cũng có phản kháng nhưng Khánh không quan tâm. Nói với một người thái độ lúc nào cũng dửng dưng, không phản ứng thì cũng là vô ích. Ở bên chồng, ngỡ là người thân thiết nhất, ngỡ là sẽ được sống đúng với bản chất của mình thì giờ Vy thậm chí phải giả dối nhiều hơn. Cô phải giả vờ cười, phải e lệ, phải nhẹ nhàng, nói gì cũng phải giữ ý vì nếu lỡ phát ngôn sai một câu thôi thì sẽ bị chồng giáo huấn cả ngày.

Không cam tâm cho thần tượng sụp đổ trong tim mình, Khánh bắt vợ phải trở thành người như cô đã công bố trước công chúng (Ảnh minh họa)

Minh Vy từng nói cô thích ở nơi yên tĩnh, không muốn xô bồ, bon chen nhưng thực ra, cô là người rất ham vui, thích nơi náo nhiệt. Khánh không chấp nhận điều này. Anh chỉ tin những gì cô đã nói trên báo. Và bởi vậy, tổ ấm của họ được anh dựng tại một nơi cách xa trung tâm, để vợ được sống trong đúng môi trường mà cô yêu thích.

Rồi để trị tật xấu khi ngủ vợ, anh đã đọc rất  nhiều sách, tìm hiểu nhiều bài thuốc nhưng không có tác dụng. Cuối cùng, Khánh quyết định, bao giờ anh cũng phải là người đi ngủ trước. Khi anh đã say giấc, Minh Vy mới được đặt lưng. Làm như thế, anh sẽ không phải nghe cái tiếng khó chịu từ giấc ngủ của vợ nữa. Cái sự thất vọng cũng sẽ nhờ đó mà giảm đi.

Giờ trong lòng Khánh, Minh Vy vẫn là thần tượng. Anh vẫn ngày ngày miệt mài giúp vợ đi theo đúng con đường mà anh đã mường tượng ra. Khánh không bao giờ cho phép vợ làm hỏng hình tượng của cô. Còn Minh Vy thì chết chìm với những kế hoạch, những lễ nghĩa, những kì vọng của chồng.

Yêu vợ chẳng bao giờ là sai. Chỉ có cách yêu là lầm lạc. Và vì thế, những đức ông chồng vô tình biến tình yêu của mình thành nỗi sợ hãi  cho vợ. Hãy yêu nàng bằng tấm lòng chân thành. Yêu và nghĩ cho nàng rằng phải thế nào thì nàng mới hạnh phúc chứ không phải là thế nào thì mình được hạnh phúc. Hi sinh cảm xúc của mình vì người mình yêu thương là một điều nên làm. Và khi ấy, hạnh phúc tức khắc sẽ neo đậu và ở lại mãi mãi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật