Vá màng trinh - Chữ trinh liệu có đáng giá “ngàn vàng”?

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quan niệm về “cái ngàn vàng”của phụ nữ ngày nay được coi là đã khá thoáng và cởi mở. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề được coi là khá tế nhị này.

Bỏ tiền “mua” sự tinh khôi

Nhiều nam giới vẫn còn mang tâm lý trong “lần đầu tiên” của vợ mình hẳn sẽ không khỏi băn khoăn khi biết rằng hiện nay, dịch vụ “vá cái ngàn vàng” nhan nhản tại các thành phố lớn. Và liệu có ông chồng nào đa nghi đến nỗi băn khoăn tự đặt cho mình câu hỏi khó, mà có lẽ khi nói ra, sẽ làm tổn thương đến cả vợ lẫn chồng?

Theo ngôn ngữ của ngành y, thực chất vá màng trinh chỉ là một thủ thuật đơn giản – khâu một vết rách phía bên trong cửa mình của người phụ nữ. Thật bất công khi so sánh rằng nếu như xưa kia, các bà các mẹ ta ra sức giữ gìn “nó” thì ngày nay, lớp trẻ tha hồ phung phí để rồi chỉ mất chưa đầy một tiếng đồng hồ để biến “cũ” thành “mới”. Và do vậy , dường như những ngôn từ mỹ miều được gắn cho “cái ngàn vàng” của người phụ nữ là sự trinh trắng, tinh khôi… trở nên vô nghĩa.

Đặc biệt hơn là cái giá để trả cho mỗi lần “làm mới” này cũng chỉ nằm trong khoảng từ vài triệu đến dưới 10 triệu đồng. Một tháng sau khi làm thủ thuật, màng trinh lại lành lặn như chưa bao giờ bị “rách” và lại có thể cho ra dấu hiệu sinh huyết  khi quan hệ tình dục, như màng trinh bình thường của người con gái trong lần đầu quan hệ. Qua các phương tiện thông tin truyền thông, chúng ta chỉ mới biết đến một số đối tượng sử dụng loại dịch vụ đặc biệt này. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là những cô gái hành nghề “bán thân nuôi miệng” dùng chiêu thức này để “lừa” khách làng chơi. Kế đến là đối tượng trẻ em bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ. Các bậc cha mẹ cũng nhận được những lời khuyên nên cho trẻ được thực hiện tiểu phẫu này để thực sự làm  “lành” vết thương theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng cho trẻ. Nhưng cũng không thể cho rằng ngoài hai đối tượng trên lại không có những phụ nữ trẻ trót lỡ dại một lần cũng muốn nhờ bàn tay thần kỳ của bác sĩ để “làm lại cuộc đời”!

Chữ trinh liệu có đáng giá “ngàn vàng”?

Ngọc Trinh, sinh viên năm thứ 3 của một trường Đại học tại TP. HCM tâm sự, mình đã từng một lần “cho” nhưng sau đó mối tình không thành. Trinh không ân hận vì mình đã cho đi nhưng đến khi có người yêu mới, Trinh lại là người phải đối diện với sự thật: phải ứng xử thế nào với người yêu và gia đình người yêu – người chồng tương lai? Và Trinh cũng từng có suy nghĩ “thử” dịch vụ “vá màng trinh” một lần vì cô suy nghĩ “chẳng ai biết đâu mà sợ. Nhưng ngộ nhỡ…?”.

Tâm sự của Trinh cũng là nỗi lo lắng sâu thẳm của nhiều cô gái trẻ. Họ là thế hệ bạn trẻ lớn lên trong xã hội hiện đại, tiếp thu nhiều cái mới từ nhiều nền văn hóa. Suy nghĩ về tình yêu, tình dục không còn bó buộc theo những quan niệm cũ của thế hệ cha mẹ, ông bà. Do đó khi yêu, họ không quá khắt khe giữa việc “cho” hay “giữ”. Họ “cho” khi cảm thấy đến lúc, không ân hận, không hối tiếc. Nhưng cũng như Trinh, sau những phút giây sống hết mình trong tình yêu, họ vẫn phải đối diện với thực tế mình đang sống trong xã hội người Việt – nơi những quan niệm luân lý, đạo đức cũ vẫn chưa hoàn toàn mất đi. Với nhiều gia đình, nhân cách của cô con dâu vẫn bị đánh giá qua việc “còn” hay “mất” “cái ngàn vàng” của cô gái.

Chúng ta không đánh đồng vấn đề trinh tiết và màng trinh để tán thành cách thực hiện thủ thuật “vá màng trinh” là cách để một cô gái khép lại quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng trong xã hội Việt Nam, trong các gia đình, trong suy nghĩ của nam giới, đâu đó vẫn có sự đa nghi ích kỷ, tạo nên áp lực đè nặng lên người phụ nữ, trói buộc họ trong những cái nhìn thuộc về những quy chuẩn xã hội xưa cũ. Theo dõi diễn đàn bàn về “cái ngàn vàng” trên một tạp chí dành cho phụ nữ, người viết bắt gặp không ít những tâm sự ân hận, hối tiếc của các bạn nữ trẻ khi đã vô tư sống, cho và nhận. Nhiều bạn đã tỉnh táo chỉ ra việc quan niệm “thoáng” là một chuyện, còn chuyện có sống được trước búa rìu dư luận hay không mới là vấn đề mà các bạn nữ nên cân nhắc trước khi “cho”. Bởi hơn ai hết, bạn chứ không phải ai khác sẽ là người phải tiếp tục sống và ứng xử với rất nhiều những mối quan hệ trong gia đình, xã hội.

Cũng xin nhắn nhủ với các đức ông chồng tương lai đa nghi, hãy công tâm với người phụ nữ thân yêu của mình. Đừng để bản thân phải ám ảnh bởi những suy nghĩ thái quá, đừng đánh giá tư cách, đạo đức của vợ mình chỉ bằng cái màng mỏng manh ấy. Hãy biết trân trọng hạnh phúc của chính mình.

Theo Thời Trang Trẻ
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật