Người băng và bức màn huyền bí

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ít nhất 7 người đã chết, không vì tai nạn cũng bởi những căn bệnh nan y hiếm gặp, kể từ khi “người băng Otzi“ bị đánh thức sau giấc ngủ kéo dài 53 thế kỷ. Sự thiệt thân của họ phải chăng là do “lời nguyền Otzi“?
Người băng và bức màn huyền bí
Tư thế của Otzi khi được vợ chồng Helmut và Erika Simon phát hiện

Trong lúc dư luận bán tín bán nghi, hàng năm Otzi vẫn đem lại cho Bảo tàng khảo cổ học Nam Tyron ở Bozen - Bolzano (Italia) nguồn thu nhập khá lớn từ tiền bán vé - khoảng 2,6 triệu USD.

Ngày 19/9/1991 sau này đã trở thành một ngày đáng nhớ của Helmut và Erika Simon. Hôm đó, Helmut rảo bộ trước vợ một đoạn trên sườn núi Otztal Apls, gần Hauslabjock, nằm ở biên giới giữa Áo và Italia. Bất chợt vị khách du lịch người Đức này nhìn thấy một cái gì đó ở phía trước.

Hai vợ chồng lại gần. Họ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện đó là xác một người trong tư thế úp mặt xuống chỗ băng đang tan chảy. Những phần lộ ra phía trên vẫn còn nguyên vẹn.

Mặc dù Erika rất sợ chụp ảnh người chết và tìm cách ngăn cản, nhưng Helmut vẫn cố bấm máy lưu lại hình ảnh đầu tiên về xác người mà ban đầu hai vợ chồng cho rằng là một nhà leo núi xấu số. Helmut và Erika cũng nhìn thấy một hoặc hai đồ vật bên xác chết, nhưng dường như chúng không gây ấn tượng nào đối với họ.

E rằng việc báo cáo phát hiện này sẽ làm gián đoạn chuyến du lịch, hai vợ chồng du khách người Đức quyết định tới đồn cảnh sát. Khoảng 1 giờ sau, họ xuống núi và vào tiệm bán hàng mua đồ uống. Nhưng ở đây, họ đã nói cho người trông coi cửa hàng- Markus Pirpamer - về phát hiện của mình. Trước khi rời cửa hàng về khách sạn, Helmut đã chỉ cho Markus đường dẫn tới xác chết.

Khi tới nơi, các nhà chức trách Áo cũng cho rằng đó là  xác của một nhà leo núi xấu số. Bởi nơi đây chuyện những người leo núi ngã, bị tuyết vùi không phải là hiếm. Trước đó khoảng 3 tuần, ở khu vực này, họ phát hiện xác một người đàn ông và một người đàn bà phát lộ sau khi băng tan. Qua giám định và xem xét hồ sơ thì đó là hai người mất tích khi đi bộ ở đây vào năm 1934.

Một số nhân viên cảnh sát cố gắng nạy xác nạn nhân ra khỏi khối băng. Họ kéo và đã làm rách phần áo còn lại trên người xác chết. Trong lúc đập băng, một nhân viên cảnh sát đã khảo trọn một nhát búa vào hông xác chết và để lại đó một chiếc lỗ. Cuối cùng, họ cũng rút được xác chết khỏi phần băng trên, đặt nó vào trong quan tài và sự bất cẩn đã khiến cánh tay trái của nạn nhân xấu số bị gãy.

Đưa Otzi ra khỏi nơi phát hiện ở núi Otztal Apls

Không ai trách họ bởi họ đâu phải là các nhà khảo cổ học. Xác chết được đưa tới Innsbruck (Áo), nơi niên đại thực sự của nó được khám phá. Tất cả đã bàng hoàng khi báo chí loan tin về việc phát hiện xác được tự nhiên bảo quản rất tốt tại núi Otztal Apls. Xác ướp này có niên đại khoảng 3.300 năm trước Công nguyên và tính đến khi phát hiện, nó đã tồn tại gần 53 thế kỷ trong băng tuyết, cổ xưa không kém xác ướp gin‌ger Ai Cập và đã giúp các nhà khoa học có những nhìn nhận mới về người châu Âu ở thời kỳ đồ đồng.

Để nhớ tới nơi nó được phát hiện, người ta đặt tên cho xác ướp là "Otzi". Những khảo sát sau đó cho thấy Otzi nằm sâu vài mét trong lãnh thổ Italia.  Do đó, thành phố Viên quyết định chuyển giao Otzi cho Roma. Hiện nay, Otzi được trưng bày tại Bảo tàng khảo cổ học Nam Tyron ở Bozen - Bolzano. Hàng năm, Otzi đem lại cho bảo tàng này nguồn thu nhập khá lớn từ tiền bán vé - khoảng 2,6 triệu USD.

Tuy nhiên, cái làm Otzi nổi tiếng hơn cả lại là số phận nghiệt ngã của một số người liên quan . Cái chết của họ khiến người ta liên tưởng tới một lời nguyền chết chóc tương tự như điều được gắn với xác ướp của Hoàng đế Ai Cập Tutankhamun (1343 TCN-1325 TCN).

Khi tai họa giáng xuống

Phát hiện ra Otzi, công đầu thuộc về Helmut. Nhưng cũng chính Helmut được cho là nạn nhân đầu tiên của sự trả thù của Otzi. Trước khi Helmut lìa đời trong một tai nạn hi hữu, những lời đồn về "lời nguyền Otzi" đã rộ lên.

Có người bảo rằng Otzi là một pháp sư, được bảo vệ bởi một lời nguyền tương tự lời nguyền liên quan tới Hoàng đế Ai Cập Tutankhamun (1343 trước CN - 1325 trước CN). Chuyện đến tai, nhưng Helmut: phớt lờ, không tin, vẫn tự hào giới thiệu với mọi người rằng "chính thần linh đã chỉ dẫn để tôi tìm thấy người băng Otzi".

Ngày kia, không mang theo bất cứ một chút hành lý nào, Helmut đến nơi phát hiện Otzi và không bao giờ quay trở lại nữa. Ba tuần sau, vào ngày 23/10/2004, người ta tìm thấy xác của Helmut ở một khe núi. Tạp chí khoa học của Đức khi đó đã đưa tin: "Thật là một sự trớ trêu! Cái chết của Helmut rất giống với cái chết của Otzi hơn 5.000 năm trước, kể cả về tư thế".

Helmut không phải là nạn nhân duy nhất, mà chỉ đứng ở hàng thứ tư. Người đầu tiên chứng nghiệm cho "lời nguyền Otzi" là RainerHenn. Một năm sau khi tham gia khám nghiệm và dùng tay cho xác Otzi vào trong túi đựng xác, vị Tiến sĩ bệnh học 64 tuổi, thuộc Đại học Innsbruck (Áo) này đã chết trong một tai nạn giao thông. Trên đường đi thuyết giảng về kết quả nghiên cứu Otzi, xe của ông đã lao vào một chiếc xe khác.

Nạn nhân thứ hai là người dẫn đường Kurt Fritz. Anh ta là một trong những người được lợi nhiều nhất sau sự phát hiện bất ngờ của vợ chồng Helmut và Erika. Đứng ra tổ chức, đưa hàng đòan khách tới thăm quan nơi Otzi được phát hiện, Kurt đã thu bội tiền. Kurt là một nhà leo núi dầy dạn kinh nghiệm. Khu vực núi Otztal Alps, anh ta thuộc lòng. Vậy mà vào năm 1993, trong một lần dẫn khách thăm quan, Kurt đã bị tuyết lở vùi chết. Điều kỳ lạ là không ai trong đoàn khách đi cùng anh ta chịu chung số phận.

Sau cái chết của Kurt, "lời nguyền Otzi" càng có điều kiện lan toả, làm nhiều người hoang mang. Nỗi sợ hãi tiếp tục bao trùm khi mà lưỡi hái tử thần nhằm vào Rainer Hoelzl, một nhà quay phim có công đưa những tư liệu về Otzi lên màn ảnh.

Năm xưa khi phát hiện Otzi, Rainer đã ghi lại toàn bộ quá trình khai quật và di chuyển người băng, rồi cung cấp những thước phim quý báu này cho Đài truyền hình Áo. Không lâu sau khi hoàn thành tác phẩm tư liệu để đời về Otzi, Rainer đã chết vì ung thư não. Theo lời kể của vợ Rainer, ông ta đã phải chịu những cơn đau đến chết đi sống lại trước khi trút được hơi thở cuối cùng.

Chuỗi tai họa chưa dừng lại. Sau Helmut đến lượt di‌eter Warnecke, người có công dẫn đội tìm kiếm tìm ra chỗ Helmut bị chôn vùi, đột ngột lên cơn đau tim chỉ đúng một giờ sau khi xác Helmut được mai táng ở nghĩa trang. Trước đó, di‌eter hoàn toàn khỏe mạnh.

Cái chết thứ sáu thuộc về nhà khoa học Konard Spindler, 66 tuổi, đứng đầu một nhóm nghiên cứu, thực hiện các khám nghiệm trên Otzi ở Innburck năm 1991. Theo một số tờ báo địa phương, Konard chết do biến chứng của bệnh đa xơ cứng vào ngày 18/4/2005. Còn nhớ, sau cái chết của Helmut, khi được hỏi là có tin vào "lời nguyền Otzi không" Konrad đã trả lời dứt khoát rằng: "Không. Bạn hoàn toàn có thể nói tôi sẽ là nạn nhân tiếp theo".

Sáu cái chết của những người liên quan tới người băng Otzi đã gieo rắc kinh hoàng lên dư luận. Nhưng sự trừng phạt chưa dừng lại. Tom Loy, 63 tuổi, một nhà khảo cổ học, người đã phân tích những mẫu máu trên vũ khí và quần áo của người băng, là nạn nhân thứ 7. Theo gia đình Tom, ông ta mắc phải một căn bệnh về máu. Máu của ông cứ dần dần đông lại thành từng cục trong người. bệnh của Tom được phát hiện từ khi ông bắt đầu tiến hàng nghiên cứu về Otzi.

Sau khi Otzi được phát hiện đã có 7 người liên quan tới người băng chết. Nhưng điều đó hoàn toàn không có ý nghĩa gì về mặt khoa học. Bởi số người tiếp xúc với Otzi đã lên tới trên 150. Ngoài 7 nạn nhân xấu số trên, những người còn lại đều sống khỏe mạnh, bình thường và thậm chí là trường thọ. Trên thực tế, ít nhất tới nay có tới 25 người tham gia khai quật Otzi thọ trên 71 tuổi.

Mặc dầu vậy, "lời nguyền Otzi" dù có hay không, dù ai tin hay không vẫn có tác dụng, chí ít là với Bảo tàng khảo cổ học Nam Tyron. Kể từ khi Otzi được mang về đây trưng bày, số du khách đến thăm quan tăng vọt. Hàng năm doanh thu từ tiền bán vé vào chiêm ngưỡng Otzi lên tới trên 2,6 triệu USD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật