Chỗ dựa (2)

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thái độ đĩnh đạc, dáng người khôi ngô và nhất là cách ăn nói gẫy gọn, sắc sảo của Khoát khiến trung tá Vệ thấy có cảm tình. Hơn hai mươi năm làm công tác điều tra, ông đã chứng kiến rất nhiều con người có những nghĩa cử cao đẹp, có tấm lòng hào hiệp, thấy bạn, thậm chí chỉ thấy người đi đường gặp nạn là xả thân cứu giúp, giúp một cách có trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh với tội phạm đến cùng.
Chỗ dựa (2)
ảnh minh họa

Chính những con người như vậy đã giúp cho cơ quan điều tra rất nhiều trong những vụ án tưởng chừng bế tắc… Thời gian cứ thế trôi qua, món nợ về cái chết của Thành, cơ quan CSĐT vẫn chưa trả được. Vụ án chìm dần và càng ngày càng trở nên bất lợi cho những điều tra viên. Thời gian bất lợi cho người này nhưng lại có lợi cho người khác… Thời gian khiến nỗi đau của bố mẹ, anh em người xấu số, cả nỗi đau của người vợ trẻ của anh ta nữa, vơi dần. Nhung đã hồi tỉnh dần dần. Mất đi người chồng là trụ cột của gia đình, mọi nỗi lo cơm áo, chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi con… Một mình cô phải gánh vác. 

Sự goá bụa của cô khiến không ít kẻ trong vùng mừng thầm, tưởng là cơ hội đã đến. Chỉ một năm sau khi chồng chết, số “vệ tinh” vây quanh cô còn đông hơn cả những ngày cô chưa lấy chồng.  Nếu như ngày chưa lấy chồng, Nhung đẹp rực rỡ, thì giờ đây cô “gái một con” này lại có một vẻ đẹp sâu lắng, đằm thắm mặn mà…Từ chối tất cả những kẻ theo đuổi, Nhung lăn lộn trong công việc đồng áng, kiếm sống nuôi con…

Những ngày đầu, ông bà Thạo rất lo rằng sớm muộn đứa con dâu cũng đi bước nữa… Trẻ thế, đẹp thế, làm sao nó đứng vững được trước nhu cầu của tuổi xuân và sự cám dỗ của người đời. Tuy đó là chuyện bình thường, phù hợp cả với pháp luật lẫn đạo đức, nhưng nhiều đêm thao thức, cứ hình dung đến cảnh một ngày nào đó đứa con dâu goá bụa lên xe hoa về nhà người khác, và đem theo đứa cháu nội duy nhất, thì lòng dạ ông bà lại tê tái, ông lại lần hồi dậy thắp hương trước bàn thờ con…

Nhưng rồi cách xử sự của Nhung khiến ông bà càng ngày càng trọng, càng yêu quý đứa con dâu đẹp cả người lẫn nết. Từ ngày Thành mất, Khoát càng ngày càng năng lui tới, giúp đỡ ông bà Thạo bất cứ việc gì. Sự đứng đắn, chân thành của Khoát khiến ông bà hoàn toàn yên tâm. Không bao giờ Khoát gặp riêng Nhung. Sang nhà gặp lúc chỉ có mẹ con Nhung ở nhà, không bao giờ anh ngồi lại mà kiếm cớ đi ngay. Nói năng với Nhung, giọng điệu của Khoát lúc nào cũng ôn tồn nhưng rất mực thước. Một lần Khoát sang chơi, có cả ông bà và mẹ con Nhung, thấy Khoát than thở rằng trang trại của mình phát triển, rất thiếu người làm, Nhung bảo:

- Em đang rỗi việc, nếu anh cần người thì để em sang làm giúp mấy hôm. Từ đây sang xã anh, chỉ dăm cây số, sáng sang, trưa em về cho cháu ăn rồi chiều lại sang, tối về…

Khoát từ chối ngay:

- Anh với Thành là anh em bạn. Giờ em sang bên đó làm, anh sợ thiên hạ người ta tiếng này tiếng nọ. Nhưng anh nghĩ, em cũng không nên chỉ bám mãi lấy mấy sào ruộng. Cần có một việc làm để có thêm tiền chi tiêu…

- Anh bảo em thì làm gì được?

 - Mấy lần sang đây, anh để ý thấy giữa ngã tư làng còn một khu đất trống chừng ba chục mét vuông. Em thử nhờ ông bà đứng đơn xin với xã cho thuê xem. Nếu được thì làm gian nhà cấp bốn, mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ, cũng kiếm được ngày mấy chục ngàn tiền lãi… Ban ngày em bán hàng, đêm mời ông ra ngủ ở đấy trông nom. Vốn liếng không mấy, anh sẽ giúp cho…

 - Không, em chả dám nhận tiền của anh đâu.

- Anh cho vay, chứ anh không cho không em. Lúc đầu ít vốn, thì bán ít hàng, sau lãi đến đâu bổ sung thêm vào vốn đến đó. Lúc đầu làm trang trại, anh cũng vậy thôi…

Nói phải, củ cải cũng nghe. Chỉ sau một tháng, cửa hàng tạp hoá của Nhung đã được khai trương. Với vẻ đẹp mặn mà, với cách ăn nói dịu dàng, quán của cô chẳng mấy lúc đã rất đông khách. Nhờ cửa hàng đó, kinh tế gia đình Nhung sung túc hẳn lên. Cũng như trước, tuy nhiều lần ra cửa hàng gặp Nhung để tư vấn cho cô nên thêm mặt hàng này, bớt mặt hàng kia, nhưng không bao giờ Khoát đi một mình, bao giờ anh cũng vào nhà, kéo ông Thạo hay bà Thạo đi cùng…

Không biết tự bao giờ, ông bà đã cảm thấy Khoát như một người con trai trong nhà, bất cứ việc lớn nhỏ nào ông bà cũng bàn với anh. Còn Nhung, từ ngày chồng chưa gặp nạn, cô đã thấy Khoát là một người con trai có chí, có tài. Giờ đây càng ngày, cô càng thấy nể, thấy phục và thấy trọng anh, thấy anh là một chỗ dựa vững chãi trong cuộc mưu sinh đơn độc. Chỉ không hiểu sao gần ba mươi rồi mà anh vẫn chưa chịu lấy vợ, chỉ mê mải làm ăn… Người con gái nào sau này được làm vợ anh, hẳn phải hạnh phúc lắm. Đứa con trai của Nhung thì quấn bác Khoát còn hơn cả quấn bố nó ngày trước…(còn nữa).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật