Tin liên quan
Các nhà khoa học đã điều chế loại vaccine này từ adenovirus (virus gây bệnh khá phổ biến trên người và động vật) của khỉ, được cấy protein mang virus Ebola. Vẫn theo đại diện của hãng Okairos, dù hiệu quả của vaccine còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan nhưng loại vaccine mới được phát triển này nhiều khả năng sẽ có vai trò tích cực trong việc ngăn chặn dịch bệnh Ebola đang lây lan mạnh tại các nước Tây Phi.
Trong thời gian tới, khi các kết quả thử nghiệm được công nhận chính thức, Okairos sẽ triển khai sản xuất loại vaccine này. Khi đó, hãng dược phẩm Italia này có thể cùng đối tác là công ty Science Park IRBM tại Pomezia sản xuất hàng chục nghìn liều vaccine trong năm 2015 và con số này sẽ tăng lên hàng trăm nghìn liều trong năm 2016. Hiện nhiều loại vaccine chống Ebola đã được thử nghiệm tại nhiều nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Nga, Canada và cho kết quả khả quan ban đầu, trong đó từ ngày 13.10 vừa qua, Canada đã tiến hành thử nghiệm vaccine chống virus Ebola trên người.
IS tuyên bố mở rộng “lãnh thổ” sang nhiều nước Arab
Ngày 13.11, thủ lĩnh tối cao của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố lực lượng này đã mở rộng “vương quốc Hồi giáo” của mình sang Saudi Arabia, Yemen, Ai Cập, Libya và Algeria.
Trong một đoạn băng ghi âm dài 17 phút đăng trên các trang mạng thánh chiến, al-Baghdadi cho hay: “IS chấp nhận lời thề trung thành của các lực lượng tại các quốc gia trên”, đồng thời hoan nghênh về hành động của các nhóm thánh chiến Hồi giáo này. Ngoài ra, al-Baghdadi cũng tuyên bố “sẽ tiếp tục cuộc chiến cho tới khi chiếm được thành Rome” và kêu gọi những người ủng hộ “không tin vào các thông tin sai sự thật về việc hàng chục phiến quân IS bị thiệt mạng được công bố hằng ngày”.
Đoạn ghi âm dài 17 phút nói trên được công bố ít ngày sau khi Bộ Nội vụ Iraq xác nhận al-Baghdadi đã bị thương trong một cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu. Đây cũng là thông điệp đầu tiên của thủ lĩnh IS kể từ khi lực lượng này tuyên bố thành lập cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” tại Iraq và Syria hồi tháng 7 vừa qua.
Trong một tuyên bố khác cùng ngày, IS nói rằng sẽ cho lưu hành các loại tiền xu riêng bằng vàng, bạc và đồng tại các vùng lãnh thổ do lực lượng này kiểm soát tại Iraq và Syria. Mục đích của việc lưu hành loại tiền mới là nhằm thay thế “hệ thống tiền tệ chuyên chế” mà người Hồi giáo bị áp đặt và nhằm đối chọi với việc sử dụng rộng rãi đồng đôla của Mỹ.
Hiện nguồn bổ sung tài chính của IS chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của các vùng lãnh thổ mà lực lượng chiếm đóng, vơ vét tài sản của dân chúng và tiền chuộc từ các hoạt động bắt cóc.
Biết nhiều ngôn ngữ giúp não bộ nhanh nhạy hơn
Những người nói thành thạo nhiều hơn một ngôn ngữ thường xử lý thông tin dễ dàng hơn so với những người chỉ biết một ngôn ngữ. Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san “Brain and Language” (Ngôn ngữ và Não bộ) ngày 12.11.
Để đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Northwestern đã thực hiện nghiên cứu với một nhóm 35 tình nguyện viên, trong đó có 17 người có thể sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha và 18 người chỉ nói tiếng Anh. Các tình nguyện viên được yêu cầu thực hiện những bài tập nhận dạng từ ngữ. Bằng cách theo dõi hoạt động của não bộ trong khi họ làm việc này thông qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng, nhóm nghiên cứu nhận thấy não bộ của những người nói một thứ tiếng phải làm việc nhiều hơn, cần lưu lượng máu và lượng oxy cao hơn so với nhóm song ngữ. Từ đó nghiên cứu chỉ ra não bộ song ngữ luôn trong trạng thái sẵn sàng với kho từ vựng giàu có, vì vậy khả năng xử lý và chọn lọc ngôn ngữ cũng như huy động các hoạt động thần kinh cũng hiệu quả hơn. Nhóm nghiên cứu giải thích rằng đó là vì não bộ song ngữ được luyện tập thường xuyên, liên tục lựa chọn ngôn ngữ nào thì sử dụng và ngôn ngữ nào thì bỏ qua, từ đó nâng cao khả năng nhận thức.
Trong nhóm nhà khoa học này cũng đã phát hiện những trẻ thành thạo hai ngôn ngữ ít bị xao nhãng bởi những tiếng ồn trong lớp học.
Biến đổi khí hậu làm tăng 50% số các cơn dông sét
Dông sét là hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm có thể gây chết người, và biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng 50% các cơn dông sét từ nay tới cuối thế kỷ 21. Đây là cảnh báo đáng lo ngại của các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí “Science” (Khoa học) số ra ngày 13.11.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học thuộc Đại học California đã phân tích số liệu sau khi đo lượng mưa và quan sát các đám mây của Cơ quan Khí tượng quốc gia Mỹ (NSW) cũng như xây dựng 11 mô hình khí hậu khác nhau để ước tính nhiệt độ của trái đất cho tới năm 2100. Ngoài ra, các chuyên gia cũng dựa trên chỉ số năng lượng tiềm năng đối lưu sẵn có (CAPE), được đo đạc bằng máy thám không vô tuyến và các thiết bị khinh khí cầu đưa vào bầu khí quyển trên khắp nước Mỹ hai lần/ ngày. Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy trái đất càng nóng lên càng xảy ra nhiều cơn dông sét. Cụ thể, nguy cơ xảy ra các vụ sét đánh tăng 12% khi nhiệt độ tăng 1 độ C. Như vậy, đến năm 2100 - khi nhiệt độ tăng khoảng 4 độ C, nguy cơ này lên tới 50%.
Theo các chuyên gia, tia sét được phóng ra với vận tốc 36.000km/h và sức nóng lên tới 30.000 độ C có thể gây cháy rừng và làm chết người. Việc gia tăng các cơn dông sét đặt con người cũng như các loài muông thú, chim chóc trước nguy cơ cao bị sét đánh trúng gây thương vong. Sét đánh cũng khiến các vùng đất bị tàn phá nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết 77% các cơn dông sét có thể được dự báo thông qua chỉ số CAPE và lượng mưa đo được.
Sét là hiện tượng phóng tia lửa điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất hoặc giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 25 triệu vụ sét đánh trên toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, riêng tại Mỹ đã có 25 người thiệt mạng do bị sét đánh trúng, trong đó bang Florida là địa phương có nhiều người chết do sét đánh nhất 6 người.