Tin liên quan
Phát biểu trong buổi họp báo sau khi hồi phục, nữ y tá Teresa Romero cho biết vẫn chưa rõ nguyên nhân bản thân bị nhiễm virus. Cô khẳng định không cảm thấy xấu hổ hay phẫn nộ vì mắc Ebola.
“Nếu ca lây nhiễm của tôi có ích lợi nào đó trong nghiên cứu căn bệnh hoặc tìm ra một loại văcxin hay thuốc chữa cho mọi người, tôi sẵn sàng giúp đỡ”, Romero chia sẻ bên cạnh chồng và các nhân viên bệnh viện Calos III nơi cô điều trị.
Theo Reuters, nữ y tá 44 tuổi người Tây Ban Nha, Terasa Romero được ghi nhận là trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên bên ngoài châu Phi. Cô mắc bệnh tại thủ đô Madrid, sau khi chăm sóc cho hai nhà truyền giáo nhiễm Ebola tại vùng dịch và được đưa về nước hồi cuối tháng 9. Hai bệnh nhân Ebola này đã tử vong sau đó.
Nguyên nhân nhiễm virus của Teresa vẫn đang được điều tra. Các bác sĩ tại Madrid tính tới khả năng cô có thể vô tình chạm tay đeo găng vào mặt sau khi chăm sóc bệnh nhân.
Trong thời gian điều trị, Teresa nhận huyết thanh từ một người nhiễm Ebola sống sót, đồng thời sử dụng loại thuốc thí nghiệm có tên Favipiravir do công ty dược phẩm Nhật sản xuất. Hiện vẫn chưa rõ biện pháp nào đóng vai trò chủ đạo trong sự hồi phục của cô.
Trước đó, ca lây nhiễm đầu tiên bên ngoài châu Phi của nữ y tánày đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng và những chỉ trích về phía chính phủ Tây Ban Nha, khi các nhân viên y tế cho biết họ không được đào tạo và cung cấp các trang thiết bị phù hợp để đối phó với bệnh dịch nguy hiểm.
Tới ngày 31/10, Tổ chức Y tế thế giới cho biết đã có hơn 13.500 ca nhiễm, trong đó gần 5.000 người tử vong. dịch đang có dấu hiệu lan chậm lại tại Liberia nhưng gia tăng đáng ngại ở Sierra Leone.