Tin liên quan
Đang công du ở Ghana, ông Tony Banbury cho rằng nhiều nước đã đóng góp đáng kể nhưng sự trợ giúp quốc tế lúc này cho Ebola vẫn hết sức cấp thiết. Sự đóng góp của Anh đã giúp mở được một trung tâm Ebola mới tại Sierra Leone. Các nước Mỹ, Trung Quốc và Cuba đã gửi số lượng đáng kể binh sĩ hoặc nhân viên y tế đến vùng tâm dịch. "Vẫn còn nhiều người, làng, thị trấn và những khu vực không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Trong khi đó Ebola vẫn tiếp tục lan nhanh, đi trước và bỏ xa chúng ta", ông Banbury nhấn mạnh.
Chia sẻ với BBC, ông Banbury cho rằng cái giá phải trả cho thất bại trong cuộc chiến chống Ebola là không thể chấp nhận được. Ông kêu gọi các nước tiếp tục hỗ trợ chống dịch, hy vọng sẽ đạt được mục tiêu 70% giường dành cho ca mới mắc và 70% chôn cất an toàn cho tới tháng 12.
"Vấn đề thiếu giường nằm cho bệnh nhân Ebola là rất lớn", ông Banbury thừa nhận. Liberia và Sierra Leone đã bị ảnh hưởng tồi tệ nhất bởi đại dịch, một phần vì hệ thống y tế bị phá hủy trong cuộc nội chiến. Người đứng đầu cuộc chiến chống Ebola hy vọng bằng cách giảm số người nhiễm mới, Liên Hiệp Quốc sẽ có thể đáp ứng được tình hình.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ có 22% trong số 4.707 trang thiết bị tại các trung tâm điều trị Ebola được đưa vào hoạt động vì thiếu chuyên gia y tế nước ngoài. Số người chết được xác nhận bởi WHO hiện tại là 4.818. Số liệu này giảm so với lần báo cáo trước đây vào thứ Sáu tuần trước. Ông Banbury cho rằng rất khó để nói rằng sự lây lan của căn bệnh này đã chậm lại vì đại dịch Ebola vẫn là một "bức tranh rất hỗn loạn".
Tại Monrovia, thủ đô của Liberia, Ebola có dấu hiệu suy giảm nhưng lại "gia tăng đáng kể" ở những nơi khác. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Ebola như Liberia, Sierra Leone và Guinea vẫn đang từng ngày nỗ lực gồng minh đối phó, ngăn chặn nạn dịch tiếp tục lây lan.
Theo WHO, 546 nhân viên y tế đã bị nhiễm Ebola kể từ khi dịch bắt đầu bùng nổ, trong đó 310 đã tử vong.