Từ 11/9/2001 đến 8/8/2008 và sự trở lại của nước lớn

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo một cách nào đó, cuộc chiến chớp nhoáng với Grudia là một dạng “11/9 của Nga“, trao cơ hội cho các cường quốc này hành xử để “trở lại“ và khuếch trương ảnh hưởng.
Từ 11/9/2001 đến 8/8/2008 và sự trở lại của nước lớn
Ảnh minh họa
Ngày 11/9/2008, lần đầu tiên sau 7 năm, các sự kiện ngày 11/9 không còn là tâm điểm của báo chí cũng như dư luận Mỹ và quốc tế. Với người Mỹ, tâm điểm chú ý giờ đây là cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Trong khi đó, dư luận quốc tế bị hút vào câu chuyện xung đột giữa Nga và Grudia, sự kiện bùng nổ ngày 8/8/2008 và trên nhiều phương diện được xem như là một dạng “11/9 của Nga”.

Đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu, phân tích về những nguyên nhân, hệ quả của các sự kiện khủ‌ng b‌ố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Các phân tích đến từ nhiều phía, của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực cũng đã chỉ ra những tác động của các chuỗi sự kiện diễn ra tiếp sau cuộc tấn công của Al Qaeda nhằm vào các biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ siêu cường lên quan hệ quốc tế đương đại. Nhiều phân tích còn ví von rằng sự kiện 11/9/2001, cũng như sự kiện 9/11/1989 khi bức tường Berlin sụp đổ, đã đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ quốc tế, trong mối quan hệ giữa các cường quốc, trong so sánh lực lượng toàn cầu… và trong cả trật tự thế giới đang hình hài sau chiến tranh lạnh.

Từ nước Mỹ với cơ hội nhỏ trong thảm hoạ 11/9

Sự kiện khủ‌ng b‌ố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 và sự kiện Grudia tấn công Nam Ossetia dường như có những điểm tương đồng khi xét đến các thách thức cũng như cơ hội mà cả Mỹ và Nga, hai cường quốc hay nói đúng hơn là một siêu cường và một cường quốc đang phục hưng,  phải ứng xử sau đó.

Với nước Mỹ, sự kiện 11/9/2001 vừa là một thảm kịch, một nỗi đau thậm chí là sự sỉ nhục khi những kẻ khủ‌ng b‌ố dùng chính phương tiện biểu tượng cho sức mạnh Mỹ (máy bay Boeing) tấn công vào các biểu tượng khác của nước Mỹ (Tháp đôi - biểu tượng cho sức mạnh kinh tế, Lầu năm góc - biểu tượng cho sức mạnh quân sự, Nhà trắng - biểu tượng cho sức mạnh chính trị). Đồng thời, vụ tấn công làm bàng hoàng nước Mỹ và thế giới cũng là một cơ hội, dịp may hiếm có đối với Mỹ, với chính quyền của G. W. Bush, người mới trở thành Tổng thống của siêu cường Mỹ trong một cuộc bầu cử đầy tranh cãi gần 1 năm trước đó.

Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, G. H. Bush, tức Bush cha khi đó là Tổng thống của Mỹ đã hân hoan tuyên bố về một “trật tự thế giới mới” do Mỹ lãnh đạo. Nhưng thực tế, những năm cuối của thế kỷ 20 đã không diễn ra như người Mỹ mong đợi, dù chiến thắng huy hoàng ở Vùng Vịnh, buộc S. Hussein rút quân khỏi Koweit. Sự kiện Somalia là một dấu ấn khó phai đánh dấu sự thụt lùi của Mỹ trong ước vọng trở thành “cực duy nhất” trong “trật tự thế giới mới”.

Ngoài cuộc can thiệp vào Nam Tư năm 1999 với sự hỗ trợ của NATO, siêu cường Mỹ quay trở lại với xu hướng “biệt lập” về ngoại giao. Và dù là siêu cường, Mỹ cũng không thể làm gì để có được trật tự mà họ mong muốn.

Bị “tước mất” kẻ thù (do Liên Xô tự sụp đổ), siêu cường trở nên bối rối trong một trật tự chưa định hình.

Ngày 11/9 không ai mong đợi đã đến, mang lại cho nước Mỹ một kẻ thù mới: Al Qaeda, Bin Laden hay nói rộng ra là chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố thù địch không chỉ với Mỹ mà cả với phương Tây, “thế giới tự do”. Kẻ thù mới (cho dù không hẳn là mới vì khủ‌ng b‌ố đã nhằm vào Mỹ từ những năm 1990) đã được xác định và hơn thế nữa nó là kẻ thù chung của Mỹ, phương Tây và cả của Nga (đối thủ cũ), Trung Quốc (đối thủ mới như cách nói của ông G. W. Bush khi tranh cử!).

Nước Mỹ bị tấn công, phương Tây bị tấn công và cả thế giới bị tấn công! Mỹ, với tư cách là siêu cường vượt trội đã nắm lấy nhiệm vụ lãnh đạo “cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố”.

Hình ảnh Toà tháp đôi - biểu tượng của sức mạnh kinh tế Mỹ trong sự kiện 11/9/2001.

Để làm điều đó, Washington đã rút khỏi hiệp ước ABM, đẩy mạnh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, áp dụng “học thuyết đánh đòn phủ đầu”, xốc lại đội hình các đồng mình cũ và mới… Nói cách khác, Mỹ giã từ xu hướng “biệt lập” nhảy vào thế giới hỗn độn sau 11/9 bằng các cuộc chiến tranh ở Afganistan (2002), ở Iraq (2003), đẩy mạnh mở rộng NATO về phía Đông, thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ ở châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á và ở Trung Á, địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất trên “bàn cờ lớn” như cách nhìn của nhà chiến lược Z. Brzezinsky.

Về phương cách hành động, Mỹ tự cho mình quyền áp dụng “học thuyết đánh đòn phủ đầu” - học thuyết không mới được áp dụng trong hoàn cảnh mới. Mỹ sẵn sàng hành động “đơn phương khi có thể” và chỉ chận nhận “đa phương khi cần thiết” hay nói cách khác là “đa phương có lựa chọn”.

Nước Mỹ sau 11/9 giống như một “đế chế” tự cho mình quyền tự do hành động ở “bất cứ nơi nào lợi ích của Mỹ bị đe dọa”, phớt lờ các thiết chế quốc tế đa phương khi mà lợi ích của Mỹ không được đảm bảo.

Nói cách khác, sự kiện 11/9 đã mang lại cho Mỹ không chỉ một “kẻ thù” (chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố) mà còn cả cơ hội để áp dụng lối ứng xử của một siêu cường mà Mỹ đã không thể có được trong suốt những năm sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc.

Thảm hoạ ngày 11/9, theo một cách nào đó đã là một cơ hội nhỏ và siêu cường Mỹ đã rất biết cách nắm bắt cơ hội nhỏ để đạt được các mục tiêu lớn.

Đến Nga sau cuộc chiến chớp nhoáng với Grudia

Trở lại với thời sự quốc tế trong tháng qua, ngày 11/9/2008 sẽ đánh dấu mốc 1 tháng sau cuộc xung đột chớp nhoáng giữa Nga và Grudia khởi sự bằng việc quân đội Grudia tấn công vào vùng đất ly khai Nam Ossetia. Chiến sự bắt đầu từ ngày 8/8/2008 (đêm ngày 7/8/2008), ngày khai mạc Thế vận hội Olympics Bắc Kinh và kết thúc 5 ngày sau đó.

Thoáng nhìn thì cuộc chiến tranh chỉ là xung đột giữa chính quyền Tbilissi và các lực lượng ly khai ở Nam Ossetia (và Abkhazia). Nhưng sự kiện đã không dừng lại ở đó mà đã kéo theo sự can thiệp của Nga, cường quốc kế thừa siêu cường Liên Xô và đang phục hưng, đứng về phía các lực lượng ly khai.

Ngay khi xung đột đang diễn ra, nhiều phân tích cũng như các tuyên bố chính thức đều cho thấy rằng Nga không có tham vọng về lãnh thổ đối với các vùng đất mà Grudia đang cố níu giữ. Nga cũng không phải lo ngại về mối đe doạ đến từ Grudia vì sự bất đối xứng quá rõ ràng giữa sức mạnh vượt trội của Nga và nước cộng hoà nhỏ bé thuộc Liên Xô cũ ở vùng Caucasus.

 

Nhưng hành động của Grudia đã vấp phải sự phản ứng nhanh, mạnh, kiên quyết và kiên định của Moscow cứ như là một kịch bản đã được viết sẵn. Quân đội Nga đã nhanh chóng được đưa tới Nam Ossetia và Abkhazia để bảo vệ các kiều dân Nga, các lực lượng gìn giữ hoà bình Nga đang đồn trú tại đây. Quân đội Nga cũng đã giáng trả và đẩy lùi quân đội Grudia và thậm chí còn vượt qua cả ranh giới giữa các vùng đất ly khai với Grudia nhằm “áp đặt hoà bình” đối với Tbilissi.

Nga cũng đáp trả lại “nguyện vọng độc lập” của người dân ở Nam Ossetia và Abkhazia (mà đại đa số mang hộ chiếu Nga) bằng việc công nhận độc lập đối với hai vùng lãnh thổ này. Cũng giống như các hành động của Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq năm 2003, của Mỹ và một số nước phương Tây đối với Kosovo hồi đầu năm nay, Nga đã đơn phương hành động bất chấp sự phản đối của Grudia, của Mỹ và phương Tây.

Nhìn lại câu chuyện này người ta cũng dễ dàng nhận thấy cuộc chiến giữa Grudia và Nam Ossetia (sau đó là Nga) cách đây một tháng, như cách nói của một số người, giống như một vụ 11/9 đối với Nga, cường quốc đang phục hưng.

Sự trở lại của cường quốc

Một trong những hệ quả không mong đợi của lối hành xử Mỹ sau sự kiện 11/9 là việc nước Nga, đối thủ cũ của Mỹ, phục hưng trở lại với tư cách cường quốc. Việc Mỹ đơn phương can thiệp vào Afganistan, Iraq, căng thẳng với Iran đã góp phần đẩy giá dầu lửa từ mức trung bình 24,5 USD/thùng năm 2001 lên mức 54 USD/thùng năm 2005 và sau đó vượt ngưỡng kỷ lục 140 USD/thùng. "Sự vụng về" của người Mỹ đã giúp cho ông V. Putin, sau hai nhiệm kỳ, đưa nước Nga từ vị thế “con bệnh” trở thành cường quốc năng lượng. Năm 2006, Nga hoàn thành việc trả nợ cho câu lạc bộ Paris. Năm 2007, dự trự ngoại tệ của Nga vượt mức 400 tỷ USD và trong 8 tháng đầu năm 2008, có nguồn tin cho biết dự trữ của Nga đã lên mức xấp xỉ 800 tỷ USD.

Nước Nga từ trong bãi lầy chính trị, lụn bại về kinh tế, suy nhược và bất lực về quân sự, rối loạn về xã hội nay trở lại hùng cường. Cùng với thực lực kinh tế ngày càng lớn mạnh, sức mạnh quân sự của Nga cũng phục hồi. Dầu lửa, khí đốt trở thành vũ khí mới của Nga trong các cuộc cọ xát với các đối tác (và là đối thủ) ở phía Tây.

Tiếng nói của các nhà lãnh đạo Nga cũng trở nên cứng cỏi hơn trước các sức ép liên tục của Mỹ và phương Tây (mở rộng NATO, EU về phía Đông, ủng hộ cách mạng màu ở không gian hậu Xô Viết, xây dựng lá chắn tên lửa là những hành động mà Moscow xem như là vòng vây mới nhằm vào Nga).

Tiếng nói của các nhà lãnh đạo Nga cũng trở nên cứng cỏi

Trong vòng vây đó, người Nga vẫn loay hoay vụng về tìm đường thoát và như chỉ chờ một sự kiện như những gì diễn ra ở Grudia cách đây một tháng để có thể bùng nổ sau nhiều năm "nín nhịn" trong ấm ức.

Tính toán sai lầm của Tổng thống Grudia M. Saakashvili trong việc mở cuộc tấn công nhằm vào Nam Ossetia với kỳ vọng sự ủng hộ nhiệt tình của Mỹ và phương Tây cũng như sự phản ứng bối rối của Nga đã là một cơ hội quá tốt cho Nga phá tan cái vòng kiềm toả mà Mỹ và phương Tây đang siết lại quanh nước Nga.

Bằng việc phản ứng nhanh chóng và quyết liệt nhằm vào Grudia, Nga đã cho thấy với sức mạnh hiện nay, Nga không còn cam chịu chơi cuộc chơi mà họ không làm chủ được luật chơi.

Nếu người Mỹ có thể đơn phương hành động nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ ở bất cứ đâu thì Nga, với tư cách là cường quốc cũng có thể hành động như vậy.

Nếu như Mỹ và phương Tây có thể công nhận Kosovo độc lập mà không tính đến những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế thì Nga cũng có thể làm điều tương tự với Nam Ossetia và Abkhazia.

Nếu Mỹ và phương Tây tự cho mình quyền được rao giảng về đạo đức, tự do hay dân chủ theo cách của họ thì Nga cũng có quyền làm điều tương tự.

Nói cách khác, sự kiện này đã là cơ hội để nước Nga khẳng định sử “quay trở lại” ở vị thế cường quốc mà bắt đầu từ cửa ngõ Caucasus nơi từ nhiều năm nay đã diễn ra sự tranh chấp giữa Nga và Mỹ.

Một chi tiết khác đáng lưu ý là sự kiện đánh dấu mốc cho sự “quay trở lại” của Nga diễn ra đúng vào ngày khai mạc Thế vận hội Olympics Bắc Kinh. Nếu bỏ qua những gì diễn ra ở Caucasus và cả sự khẩn trương của Thủ tướng Nga V. Putin trở về Vladikakaz để nắm bắt cơ hội, nhìn vào những màn trình diễn hoành tráng trên sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh trong đêm khai mạc, người ta cũng đã liên tưởng đến "cái cơ hội" mà một cường quốc đang trỗi dậy khác đang chờ đợi. Càng đáng lưu ý hơn bởi một điều rằng các cường quốc không chỉ biết cách nắm bắt cơ hội mà còn biết cả cách tạo ra cơ hội và thường thì không bao giờ bỏ lỡ các cơ hội họ có được.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật