Thích nghi càng nhanh, học càng tốt

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thông qua viện Ngôn ngữ quốc tế phân viện VN tại TP.HCM (ILA VN), trong năm qua đã có hơn 700 HS - SV VN đi du học tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thích nghi càng nhanh, học càng tốt
Lê Xuân Sơn cùng cô giáo sau khi đoạt giải nhất cuộc thi kế toán năm lớp 12

Dưới đây là kinh nghiệm của ba du học sinh.

LÊ XUÂN SƠN (đang học cả ba ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ĐH Truman, Mỹ. Trước đó Sơn học lớp 12 THPT Russel, Kentucky. Nhờ kết quả học tập tốt, Sơn được bốn trường ĐH Mỹ nhận vào học với học bổng từ 40-70%).

Tham gia thật nhiều hoạt động ngoại khóa

Ngay từ lúc mới sang Mỹ, Sơn đã tham gia ngay vào các hoạt động ngoại khóa, cộng đồng: làm trợ lý huấn luyện viên cho đội bóng trẻ em trong vùng, tham gia CLB dành cho những học sinh yêu thích kinh doanh. Hằng tuần, các thành viên rủ nhau đi làm từ thiện, thực hành các việc làm cộng đồng như cứu hỏa, đi thực tế mô hình kinh doanh ở các bệnh viện, các doanh nghiệp quanh vùng...

Năm đó, CLB cử Sơn đại diện đi thi cấp vùng môn kế toán, Sơn đoạt giải nhất, thi ở bang cũng giải nhất, rồi đến cấp quốc gia, Sơn cũng giành luôn giải nhất. Những dịp thi này, Sơn có cơ hội được gặp và tiếp xúc với những vị doanh nhân, giám đốc điều hành, nhân sự, tài chính... thành công nổi danh thế giới của các tập đoàn Intel, Boeing... Sơn xem những dịp này như cơ hội vừa học, vừa đi thi vừa được đi chơi mở mang kiến thức và biết thêm thực tế cuộc sống.

Sơn cho rằng: “Tham gia thật nhiều hoạt động ngoại khóa, cộng đồng sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội có lợi cho việc học của mỗi người, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Chẳng hạn, khi nộp hồ sơ thi ĐH, những thành tích, hoạt động này của bạn sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội được vào các trường danh tiếng, được xét điều kiện tốt nghiệp và có cơ hội tham gia sâu hơn vào các tổ chức, CLB khác”. Sơn kể việc học, việc tham gia các CLB đã giúp Sơn trưởng thành hơn rất nhiều. Sơn có thể tự thực hành những bài học ở trường và kinh nghiệm từ CLB như tập kinh doanh qua mạng.

ĐẶNG THỊ THU THỦY (vừa học xong trung học tại Mỹ với giải “Go getter” - HS hoàn thành tất cả kế hoạch và dự án tự đề ra trong năm, giải “High honor” - HS giỏi nhất trường, bằng khen của Tổng thống Bush...)

Kết bạn thật nhiều

 

Đặng Thị Thu Thủy đánh trống trong một buổi chơi nhạc cùng bạn bè

Khi sang Mỹ đáng lẽ Thủy phải học lại lớp 11 nhưng cô vẫn “đấu tranh” để học lớp 12 và đã thành công, vì sau khi học thử một tuần cô đều đạt điểm cao. Để nhanh chóng làm quen với môi trường mới, trước khi sang Mỹ, Thủy đã tìm hiểu rất kỹ, đọc sách, lên mạng học kinh nghiệm từ những người đi trước. “Khó khăn nhất để thích nghi là ngôn ngữ - Thủy nói - Dù tiếng Anh của bạn đã tốt nhưng mới đầu nghe thầy cô giảng rất nhanh bạn vẫn có thể bị đuối, nhiều khi mình không hiểu thầy cô nói gì.

Vậy đừng ngại hỏi thầy cô và bạn bè, họ sẽ giúp đỡ mình tận tình. Nếu vẫn chưa hiểu thì cứ tiếp tục hỏi cho đến khi bạn nắm được vấn đề. Chứ ngại hỏi sẽ ngày càng đuối. Tất nhiên là mình phải hỏi vào những thời điểm thích hợp và hỏi đúng chủ đề”.

Cả trường chỉ có mỗi Thủy là người Việt, lúc đầu cô cũng e dè, ngại tiếp xúc. Nhưng khi thấy một cô bạn người Venezuela nhanh chóng hòa nhập với các bạn Mỹ, Thủy cũng nhào vô chơi thể thao, văn nghệ, vào CLB gia sư để giúp một em HS lớp 7 cùng trường, cùng bạn bè gây quỹ bằng cách bán gà nướng để đi bang Ohio chơi... Tất cả những chuyện đó tưởng là “ngoài lề” nhưng đều giúp cô gái nhỏ nhắn hòa nhập rất nhanh vào môi trường mới, từ đó thấy mình luôn tự tin để học tập tốt.

DƯƠNG MINH ĐỨC (chuẩn bị vào năm thứ hai ngành kinh tế ĐH Albion, Mỹ. Khi học lớp 12 ở Mỹ, Đức được mời đi dự “Hội nghị lãnh đạo trẻ toàn cầu” năm 2007, sau đó vào ĐH với học bổng 90%)

Gia đình chủ nhà là cầu nối

 

Dương Minh Đức được mời dự hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu khi đang học lớp 12 tại Mỹ

Qua Mỹ học lớp 12 theo chương trình “Giao lưu văn hóa Mỹ” của ILA VN, ngay từ trước khi đi chừng một tháng, Đức đã quen thân với chủ nhà (một gia đình có hai mẹ con) bằng cách trao đổi thư từ. Đức đã gây ấn tượng với bà chủ nhà vì khi vừa sang đã đăng ký học các môn ở cấp độ advanced (cao nhất), và dạy kèm luôn cho con trai của bà đang học lớp 11.

Chính cậu học trò lớp 11 này là người giúp Đức làm quen với các nhóm bạn khác nhau trong vùng, chơi bóng rổ, đi làm từ thiện bằng cách giúp phân loại hàng cứu trợ cho người nghèo...

Ở VN thi TOEFL đã được 600 điểm nhưng sang Mỹ, Đức vẫn cố tận dụng mọi cơ hội để thật sự lưu loát về ngôn ngữ: “Tôi nghĩ cần phải năng nổ, hoạt bát để tiếp xúc với mọi người. Nếu mình không nói thì chẳng ai muốn chuyện trò với mình”. Trong môi trường mang tính cạnh tranh cao, cách duy nhất để chứng tỏ mình là phải học cho thật tốt. “Việc học sẽ dễ dàng hơn khi bạn thích nghi nhanh với cuộc sống ở đó - Đức nói - Mà để thích nghi thì hãy chọn một môn thể thao hay một CLB nghệ thuật phù hợp với mình”. Những hoạt động này, cũng như việc tham gia công tác xã hội, đi dự hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu... đã giúp Đức gây ấn tượng khi nộp hồ sơ vào ĐH.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật