63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Thế hệ của lời thề độc lập

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
63 năm trôi qua nhưng với mỗi người Việt Nam, đặc biệt là với thế hệ đã chứng kiến thời điểm lịch sử hào hùng của dân tộc, sự kiện ngày 2/9/1945 vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim.
63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Thế hệ của lời thề độc lập
Không khí kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã hiện diện trên nhiều đường phố ở Thủ đô Hà N

Phóng viên Báo GĐ&XH đã gặp lại các chứng nhân lịch sử, ghi lại những dòng  hồi ức, những xúc cảm của họ với sự kiện trọng đại của cả dân tộc.

Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị:  Thế hệ chúng tôi đã giữ trọn lời thề

Ngày 2/9/1945 là ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố khai sinh, là ngày hội vĩ đại mà mỗi người dân Việt Nam được hưởng không khí tự do sau những năm trường nô lệ. Khi ấy tôi là trung đội trưởng trung đội tự vệ chiến đấu cứu quốc, tham gia bảo vệ Lễ đài độc lập ngày 2/9. Đây là một trong những trung đội vũ trang đầu tiên của Hà Nội do Thành uỷ thành lập, với nhiệm vụ là bảo vệ Trung ương, Xứ uỷ và Thành uỷ.

Trung tướng Phạm Hồng Cư

Hôm ấy, trung đội tự vệ của chúng tôi được giao bảo vệ Lễ đài cùng một trung đội khác ở vòng ngoài. Đến khoảng 3h chiều ngày 2/9, một đoàn xe đi từ đường Điện Biên Phủ ngày nay hướng vào lễ đài, hai bên và phía sau là đoàn người đi xe đạp. Lúc ấy, tất cả mọi người chăm chú nhìn vào đoàn xe.

Đến thềm Lễ đài, có một ông cụ cao, gầy, mặc áo ka ki trắng, dáng đi nhanh nhẹn bước lên. Sau vài phút tôi mới biết đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đến khi bản Tuyên ngôn độc lập được cất lên, trong tôi bùng lên một niềm tin, sự xúc động, sung sướng không diễn tả được.

Giữa lúc đang đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác dừng lại và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hàng triệu người tham dự lúc đó đã đồng thanh hô to: “Có! Có ạ!” như sấm dậy. Tôi không nghĩ một vị Chủ tịch nước lại gần gũi, giản dị đến thế. Lãnh tụ và quần chúng đã hoà làm một. Nghe bản Tuyên ngôn độc lập, ai cũng xúc động tuôn tràn nước mắt và hô to: “Xin thề!”.

Có thể bây giờ được sống trong độc lập, tự do, nhiều người không hình dung hết cảm giác này. Nhưng với những người đã từng sống qua nạn đói năm Ất Dậu, khiến 2 triệu đồng bào ta bỏ mạng, thì ai cũng thấu hiểu được ý nghĩa của hai chữ độc lập, tự do.

Thế hệ của chúng tôi ngày đó đã giơ cao tay thề bảo vệ nền độc lập, đi theo lời kêu gọi của Bác và thực tế đã đi trọn con đường đó. Hết chống Pháp rồi chống Mỹ, chúng tôi đã giữ gìn và thực hiện Lời thề độc lập cho đến khi non sông thu về một mối. Vì vậy có thể nói, thế hệ chúng tôi là thế hệ của Lời thề độc lập và làm trọn lời thề của mình.

Đại tá - nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Trần Trọng Trung: Thiên tài chọn thời cơ

Đại tá Trần Trọng Trung

Nét đặc sắc nhất của Cách mạng tháng Tám và Ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945 là tầm nhìn chiến lược và cách chọn thời cơ thiên tài của Bác Hồ và Đảng ta, kể từ Hội nghị Trung ương 8 diễn ra ở Pắc Bó (Cao Bằng) tháng 5/1941. Khi ấy, cuộc chiến tranh thế giới thứ II đang vào giai đoạn ác liệt, quân đồng minh đang lâm vào tình thế khó khăn, đến khi có chỉ thị thiên tài “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945, đã chỉ rõ tầm nhìn chiến lược và chọn thời cơ của đảng và Bác.

Sau chỉ thị thiên tài ngày 12/3/1945 ấy, chúng ta cũng không thể nổi dậy vũ trang hay vận động chính trị với quân Nhật đang chiếm đóng được. Với 7 vạn quân Nhật đóng ở hai miền, ta chỉ có 5.000 Đảng viên cùng một số quần chúng bán vũ trang, việc đối đầu lúc ấy với Nhật – Pháp là điều không thể. Đấy là lúc chúng ta xây dựng lực lượng để “đón thời cơ” sắp đến.

Tình thế trong và ngoài nước lúc ấy vẫn phức tạp, Đức chưa đầu hàng quân đồng minh, Nhật vẫn còn đội quân Quan Đông hùng hậu, Pháp lăm le quay lại sau khi nước Pháp được giải phóng. Đến tháng 8/1945, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã nắm chắc thời cơ phát động cuộc Khởi nghĩa trong toàn quốc, chỉ hơn 12 ngày đêm, cuộc cách mạng đã giành thắng lợi từ Bắc chí Nam, chính quyền cách mạng ở các địa phương được thành lập và củng cố.

Và để đứng trên một vị thế của một nước Việt Nam đã có chủ quyền, độc lập, ngày 2/9, Chính phủ cách mạng lâm thời đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khẳng định vị thế mới của dân tộc với thế giới, với đầy đủ quyền năng của một dân tộc và mỗi con người, đặc biệt vị thế của nước chủ nhà khi “đón tiếp” quân đồng minh là Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc, quân Pháp quay lại miền Nam. Việc chọn thời cơ đã thể hiện rõ ràng: Không thể tuyên bố độc lập hay đấu tranh vũ trang sớm khi quân Nhật chưa đầu hàng và không thể tuyên bố độc lập chậm khi quân Tưởng sắp tràn vào nước ta với danh nghĩa “giải giáp vũ khí quân Nhật”.

Đối với mỗi người dân nói chung và thanh niên, trí thức nói riêng, cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9 đã làm một cuộc đổi đời, một cuộc đổi thay trong hành động, cách nghĩ của bao người. Họ đã thấy những việc mà Chính phủ lâm thời làm thực sự thiết thực với mỗi người dân lúc đó.

Ngay sau lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9, ngày 3/9, Chính phủ lâm thời đã đưa ra những công việc giải quyết ngay để vực dân tộc đứng lên. Đó là giải quyết nạn đói với phong trào “hũ gạo tiết kiệm”, giải quyết khó khăn tài chính với “tuần lễ vàng”, giải quyết nạn mù chữ với “bình dân học vụ” và nạn ngoại xâm với việc mềm dẻo, hoà hoãn và cương quyết để tranh thủ thời gian xây dựng và củng cố lực lượng.

Rồi những chính sách khác hết sức tích cực như cấm thuốc phi‌ện, cấm rượu và có cái nhìn xa trông rộng, hữu hảo với quân Đồng minh và Chính phủ của Tổng thống Pháp, tướng C. De Gaulle lúc bấy giờ. Bài học về chọn thời cơ của Cách mạng tháng Tám luôn là kim chỉ nam cho chúng ta ngày nay.

Hồng Sơn (thực hiện)

Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Quốc khánh

Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tại nhiều địa phương trên cả nước và nước ngoài đã diễn ra các hoạt động sôi nổi chào mừng sự kiện này.

Tại Thủ đô Hà Nội, thành phố đã tăng cường tuyên truyền cổ động, treo cờ, phướn, đèn trang trí làm đẹp 26 tuyến đường, phố chính, các vườn hoa công viên và khu vực trung tâm thành phố; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Trong dịp này, trên địa bàn thành phố còn diễn ra các hoạt động gắn biển tên đường phố mang tên danh nhân, địa danh lịch sử; xây dựng văn hóa người Hà Nội trên hệ thống truyền thanh xã, phường.

Ở Lào Cai, dù đang phải khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ vừa qua, nhưng tỉnh vẫn tổ chức treo cờ, đèn trang trí làm đẹp trên các tuyến đường. Tại nhà thi đấu đa năng và Nhà văn hoá Công nhân mỏ Apatit Cam Đường, trung tâm văn hoá các huyện đã diễn ra các hoạt động giao lưu văn hoá, giao hữu thể thao: cầu lông, bóng bàn, bóng đá... khối các cơ quan. Tối 1/9 tại sân quảng trường UBND tỉnh, Đoàn nghệ thuật Dân tộc tỉnh tổ chức chương trình ca nhạc chọn lọc mừng 63 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại và đất nước, quê hương Lào Cai đổi mới.

Tại Đắk Nông, ngành văn hoá đã tổ chức các đội chiếu bóng lưu động phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, với những bộ phim có nội dung tư liệu về cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng 8, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Bác Hồ đối các dân tộc Tây Nguyên, tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em trên mảnh đất Tây Nguyên trong kháng chiến cứu nước cũng như xây dựng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa ngày nay...

Tối 28/8, tại Hội trường Tòa thị chính thành phố San Francisco, đại diện chính quyền bang California (Mỹ), chính quyền thành phố San Francisco và đông đảo Việt kiều đã dự lễ kỷ niệm lần thứ 63 Quốc khánh 2/9 do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tổ chức. Khai mạc buổi lễ, Tổng lãnh sự Lê Quốc Hùng nhấn mạnh tinh thần bất diệt của ngày 2/9 đã và tiếp tục là động lực cho dân tộc Việt Nam trong công cuộc đổi mới, tinh thần đó cũng cũng đang đồng hành đưa Việt Nam tự tin hội nhập với thế giới.

Tổng lãnh sự Lê Quốc Hùng cho biết, cộng đồng người Việt - với hơn 700.000 người đang sinh sống tại đây - đã chứng tỏ vai trò cầu nối quan trọng giữa hai nước, không chỉ thúc đẩy giao lưu kinh tế mà còn là “sứ giả của một Việt Nam năng động và thân thiện sống trên đất Mỹ”. Tổng lãnh sự Lê Quốc Hùng nhấn mạnh quan điểm nhất quán của nhà nước coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. (TTXVN)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật