Đóng “đại gia“ vào lầu xanh tìm con gái

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sợ các con mình có thể bị bọn bất lương bán vào chốn lầu xanh, ông Hà nhờ một số người đóng giả làm "đại gia" vào các chốn ăn chơi, vung tiền bắt chủ quán đưa hết các em ra để lựa chọn, mục đích là tìm xem có Lựu và Liễu ở trong đó không. Hi vọng tìm được các con ở chốn đông người, lễ hội nào ở các tỉnh phía Bắc, ông Hà đều tìm đến, ăn chực nằm chờ ngay tại cổng vào, căng mắt nhìn từng người đi hội nhưng vẫn bóng chim tăm cá.
Đóng “đại gia“ vào lầu xanh tìm con gái
Lá thư của bà San đã giúp ông Hà tìm được con gái.

Nửa đêm, 2 chiếc xe máy chở họ đến một ga tàu hỏa. Mụ béo và cô Thanh dẫn hai chị em vào một nhà trọ. Rạng sáng, hai mụ đàn bà đưa hai cô gái lên tàu. Mụ béo ghé vào tai Liễu và Lựu đe dọa: "Nếu có người hỏi thì chúng mày phải nhận là cháu nghe chưa. Nếu chúng mày kêu lên thì đứng trách tao độc ác".

Chưa đi xa nhà bao giờ, hai cô gái quê chỉ còn biết co rúm vì sợ hãi và  nghe theo lời mụ. Tới ga Lạng Sơn, mụ béo cùng Thanh dẫn hai chị em đến một ngôi nhà cấp 4 nằm dưới chân đồi. Bà chủ nhà áng chừng 60 tuổi được Thanh gọi là bà Lan, thấy 2 cô gái trẻ thì mừng ra mặt, gật gù thì thầm với Thanh điều gì đó.

Thanh tủm tỉm cười rồi quay sang bảo hai chị em: "Bà Lan đây không có con, muốn nhận hai đứa làm con nuôi. Chúng mày sướng nhé. Người khác là bà ấy không nhận đâu. Ở đây rồi bà Lan sẽ dẫn sang Trung Quốc buôn bán. Chẳng mấy chốc chúng mày kiếm tiền triệu gửi về cho bố mẹ nhé".

Trước khi đi, Thanh động viên hai chị em yên tâm làm ăn, nếu sợ bố mẹ mắng thì viết thư về, cô ta sẽ chuyển giúp và ứng trước cho bố mẹ một ít tiền công làm việc của hai đứa. Tin người, Lựu cắm cúi viết thư. Cầm lá thư, Thanh hứa hẹn mang về trao tận tay cho ông Hà Như Hà. Rồi Thanh cũng mất hút ngay sau đó.

Thanh đi rồi, bà Lan nhốt ngay hai cô gái vào một căn phòng chật chội, chỉ đủ kê một chiếc giường và lối đi lại rồi khóa cửa ngoài. Hai cô gái kêu khóc ầm ĩ, đập cửa van xin bà Lan thả họ ra. Nhưng bà Lan chẳng đếm xỉa tới. Suốt 4 ngày liền như vậy, hai chị em chỉ được bà Lan mở cửa cho ra ăn cơm và đi vệ sinh.

Đến sáng sớm ngày thứ 5, bà Lan mở cửa, gọi hai chị em dậy, đưa cho mỗi đứa một cái đòn gánh và một chiếc bao tải, bảo theo bà ta qua biên giới lấy hàng. Qua cửa khẩu, bà Lan vẫy một chiếc taxi rồi đẩy hai chị em lên xe.

Trời sáng hẳn, xe dừng lại trước một ngôi nhà hai tầng trên phố. Chủ nhà là một phụ nữ Việt Nam tên Thủy vồn vã ra cửa đón bà Lan và hai cô gái. Nhận tiền từ tay Thủy, bà Lan thì thầm vài câu rồi lại đi ngay. Giống như ở nhà bà Lan, Thủy nhốt hai chị em vào một buồng, không cho ra ngoài.

Một tối, khi hai chị em đang ôm nhau ngủ thì có người gõ cửa. Lát sau có hai cô gái Việt Nam khác cũng bị đẩy vào phòng nhốt cùng hai chị em. Hỏi chuyện nhau, tất cả mới vỡ lẽ họ cùng bị lừa đưa sang đây với những lời hứa đường mật như đi buôn bán, đi làm thuê… Nơi đất khách quê người, các cô gái chỉ còn biết ôm nhau khóc.

Vài ngày sau, các cô được hai người đàn bà có tên Hà và Ngọc đến đón. Họ trả cho Thủy một số tiền rồi đưa các cô gái lên một chiếc ôtô tải. Trên thùng xe đã có khoảng 10 cô gái Việt Nam khác. Chiếc xe được phủ bạt kín mít và khóa chặt thùng xe, đi một mạch 2 ngày 2 đêm.

Khi xuống xe, tất cả được đưa đến một ngôi nhà ở huyện Lồ Tình, tỉnh Quảng Đông. Lúc này, người phụ nữ tên Hà tuyên bố thẳng với các cô gái là chẳng có công việc nào cho họ làm cả mà đến đây để lấy chồng. Ít tuổi nhất trong số những cô gái Việt bị bắt đến đây, Liễu và Lựu chỉ biết khóc và van xin.

Chẳng đếm xỉa gì đến hai cô gái, mụ Hà đe nếu không chịu lấy chồng thì chỉ có nước vào lầu xanh. Biết có van xin cũng vô ích nên hai cô gái đành chấp nhận. Hà Thị Tuyết Liễu được đưa đi trước Hà Thị Kim Lựu 3 ngày.

Từ đó, hai chị em bặt tin nhau và mỗi người một số phận. Cho đến lúc được ông Hà Như Hà lần lượt đưa về Việt Nam, gặp nhau sau 12 năm trời xa cách, hai chị em mới biết họ đều bị gả chồng và sinh sống cùng huyện Lồ Tình, tỉnh Quảng Đông; nhưng trong suốt bằng ấy năm, họ không thể có cơ hội tìm gặp nhau…

Trở lại với gia đình ông Hà Như Hà và bà Đinh Thị Lán. Vào buổi chiều ngày 10 tháng giêng ấy, không thấy hai con gái về nhà, ông Hà đạp xe sang xã Đỗ Xuyên tìm con. Dọc đường đi, ông Hà ghé vào tất cả những thửa ruộng có người để hỏi thăm nhưng không một ai biết thông tin về hai cô gái đi cấy thuê. Ông Hà tìm đến nhà bạn là ông Dục.

Ông Dục cho biết từ sáng đến giờ, không thấy hai con gái của ông Hà đến gửi xe, mà ruộng ở đây cũng đang thiếu nước nên chưa thể cấy được. Niềm hi vọng cuối cùng tắt ngấm, ông Hà chỉ kịp kêu lên: "Thế là các con tôi bị lừa rồi"! Ông vội vã về nhà, thông báo cho tất cả người thân, hàng xóm lên đường đi tìm hai con.

Để tìm được 2 con, vụ mùa nào vợ chồng ông Hà cũng phải bán thóc.

Cùng với việc huy động người thân đi tìm các con, ông Hà Như Hà đã trình báo Công an Phú Thọ và Công an Hà Nội nhờ giúp đỡ. PC14 Công an Hà Nội đã nhanh chóng thông báo tới tất cả các đơn vị để phối hợp rà soát, tìm tung tích hai cô gái. Nhưng trời đất thì mênh mông, hi vọng tìm được con mỗi lúc một mờ mịt. Bà Đinh Thị Lán đổ bệnh ốm nặng. Còn một mình ông Hà.

Gác lại việc ruộng đồng cho mấy đứa con lớn, ông quyết tâm khăn gói lên đường tìm con. Anh em bạn bè thương cảm, mỗi người giúp một chút tiền cho ông Hà làm lộ phí. Sợ các con mình có thể bị bọn bất lương bán vào chốn lầu xanh, ông Hà nhờ một số người đóng giả làm "đại gia" vào các chốn ăn chơi, vung tiền bắt chủ quán đưa hết các em ra để lựa chọn, mục đích là tìm xem có Lựu và Liễu ở trong đó không.

Hi vọng tìm được các con ở chốn đông người, lễ hội nào ở các tỉnh phía Bắc, ông Hà đều tìm đến, ăn chực nằm chờ ngay tại cổng vào, căng mắt nhìn từng người đi hội nhưng vẫn bóng chim tăm cá.

Tiền vay của anh em, bạn bè đã cạn, ông quay về bán lúa, bán lạc, bán lợn, rồi bán cả trâu bò, lấy tiền tiếp tục đi tìm con. Bà Đinh Thị Lán sau trận ốm liệt giường trở nên ngơ ngẩn. Cảnh nhà xơ xác đến hoang tàn.

Đến vụ gặt năm ấy, tiền đã cạn hết, không có tin tức gì về hai con, bà Lán lại ốm đau liên miên, ông Hà đành quay về nhà. Bà Lán nước mắt lưng tròng, bảo chồng phóng 2 bức ảnh của hai con gái để lên nóc tủ. Bà Lán bảo coi như đã mất con thật rồi, lấy cái ngày chúng nó mất tích làm ngày giỗ vậy. 

Khi câu chuyện mất con của gia đình ông Hà đã tạm lắng xuống thì bất ngờ đầu năm 2001, gia đình ông Hà Như Hà nhận được một bức thư từ Trung Quốc. Nhưng không phải thư của hai con gái ông mà là thư của một người phụ nữ Việt Nam có tên là San, buôn bán tại một bến xe ở Phòng Sình, tỉnh Quảng Tây.

Trong thư, bà San thông báo cô Hà Thị Kim Lựu cùng 2 con hiện đang được bà cưu mang. Nếu gia đình nhận được thư thì tìm sang Trung Quốc đón mẹ con cô Lựu về. Cuối thư, bà San ghi địa chỉ nơi ở của mình.

Bức thư chỉ có vậy nhưng đối với gia đình ông Hà không khác nào đã tìm được con gái. Lập tức, ông gọi người đến bán lợn, bán lúa, được tất cả 5 triệu đồng, lên đường tìm con.

Không may cho ông, trên đường tới Vĩnh Yên, ông bị kẻ gian móc túi lấy sạch tiền và giấy tờ tùy thân. Tay trắng, ông lại phải quay về nhà. Trong nhà không còn gì đáng giá để bán, ông lọ mọ lên xã hỏi thủ tục thế chấp nhà cho ngân hàng.

Vay được 10 triệu đồng từ việc thế chấp "sổ đỏ", lần này ông cất tiền cẩn thận hơn, lên xe khách đi thẳng tới cửa khẩu Móng Cái, cầm theo địa chỉ của bà San ghi trong thư.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật