Cấp giấy phép dạy thêm khó thực thi

Saigontin Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quy chế quản lý về dạy thêm, học thêm vừa được ban hành nhận được sự ủng hộ của giáo viên và phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc cấp phép dạy thêm còn nhiều bất cập và khó thực hiện.
Cấp giấy phép dạy thêm khó thực thi
Giấy phép không ngăn chặn được biến tướng của dạy thêm, học thêm

Dạy và học quan trọng là chất lượng. Giấy phép không quyết định được chất lượng, và nếu chỉ dựa vào giấy phép thì không đủ ngăn chặn biến tướng của dạy thêm, học thêm. Việc cấp giấy phép còn khó thực thi bởi lãnh đạo cấp chức năng đã quá nhiều việc, khó đủ thời gian để xét cấp cho hàng ngàn giáo viên.

Cấp phép dạy thêm là một hình thức tăng cường quản lý, ngăn chặn để dạy thêm, học thêm không tràn lan.

Hình thức này cần thiết đối với các trung tâm, nhưng khó khả thi với thày, cô giáo dạy tại gia, đơn lẻ. Vì việc xác định ranh giới giữa dạy có thu tiền và không thu tiền rất mỏng manh. 

Hiện chưa có quy định rõ ràng có dạy thêm là phải xin phép, hay lớp bao nhiêu học sinh mới phải xin phép. Những giáo viên chỉ dạy khoảng 20-30 học trò thì việc thu tiền hay không chỉ giáo viên và học sinh biết. Người nghiêm túc sẽ chấp hành đúng quy định, còn người không có tâm có thể trốn tránh.

Bà Nguyễn Thị Năng, giáo viên Ngoại ngữ, Trường THPT Bán công Marie Curie, quận 3, TP.HCM:

Cách đây mấy năm, giáo viên trường tôi đi dạy thêm đã tiến hành đăng ký với trường, theo mẫu có sẵn. Thú thực, khi trường mới đưa ra quy định phải đăng ký, chúng tôi ngần ngại vì không muốn người khác biết công việc và thu nhập ngoài công tác trong nhà trường của mình. Nhưng nghĩ cho cùng, giáo viên dạy thêm là lao động chính đáng và nhiều học sinh có nhu cầu học nên dần dần, chúng tôi thấy việc đăng ký với trường là bình thường.

Tuy nhiên tôi nghĩ, giáo viên có biên chế ở trường, nếu đi dạy thêm thì học sinh, đồng nghiệp, lãnh đạo đã biết và có thể quản lý được. Còn các trường đã tiến hành để giáo viên đăng ký dạy như trường tôi, nay làm thủ tục cấp phép thêm thì sẽ cầu kỳ. 

Chỉ có một bộ phận giáo viên chưa có biên chế chính thức ở đâu, không có trong danh sách các trung tâm thì việc cấp phép là cần thiết. 

Cô Đỗ Huyền Trâm – Giáo viên ĐH Giáo thông vận tải:

Bộ GD&ĐT quy định dạy thêm của tổ chức hoặc cá nhân chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, như vậy sẽ có thêm một loại giấy phép nữa xuất hiện trong xã hội. Có nên không khi đề ra cách quản lý việc dạy thêm của giáo viên và nhu cầu học hành của học sinh theo cách này.

Bất cứ ai cũng có thể bằng nghề nghiệp mà mình được đào tạo, làm thêm để kiếm sống. Đồng lương của giáo viên còn thấp, thầy cô dạy thêm để có thêm thu nhập là rất chính đáng. Còn ngành Giáo dục muốn giảm áp lực học tập cho học sinh thì nên nghiên cứu cắt giảm chương trình học và những môn học không phù hợp.

Theo tôi chỉ nên quy định cấp giấy phép cho những trung tâm luyện thi, trung tâm đào tạo có tính kinh doanh.

Mai Như Anh, học sinh lớp 12, THPT Gia Định, quận Bình Thạnh:

Em thấy việc yêu cầu thày, cô dạy thêm phải xin giấy phép là không cần thiết. Em chưa bao giờ vào thế bị ép phải học thêm. Giáo viên mà em đã và đang học thêm đều dạy với thái độ muốn học trò học tốt hơn, nên việc thù lao cho thày cô là xứng đáng.

Mức thù lao là do người học trước và chính thày, cô thông báo nhưng không phải là số tiền quá lớn so với khả năng chi của gia đình học sinh. 

Giáo viên là những người coi trọng tinh thần, nếu dạy thêm mà phải đi xin giấy phép như làm kinh doanh thì hơi tội nghiệp.

Bà Vũ Thị Liên Hương, phụ huynh học sinh trường Gia Định:

Nếu giáo viên có tâm, tổ chức dạy tại nhà với mục đích giúp học sinh học tốt hơn thì việc tổ chức dạy và học, cũng như thù lao cho thày, cô nên để phụ huynh, học sinh và thày cô thỏa thuận với nhau, không nhất thiết phải xin phép.

Mức thù lao nên phù hợp với khả năng chi trả của gia đình học sinh, và mức sinh hoạt chung của địa phương để giáo viên có điều kiện tái tạo sức lao động.

Khi việc dạy thêm, học thêm không có sự thỏa thuận thỏa đáng giữa hai bên, thù lao quá mức, cũng có nghĩa là thày, cô dạy để trục lợi vật chất là chính thì cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc và có cách xử lý phù hợp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật