Học phí đại học cao hay thấp?

Saigontin Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các trường ĐH cho rằng mức học phí hiện tại quá thấp, không đủ trang trải, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, mức thu học phí hiện nay, đặc biệt tại các trường ngoài công lập, rất cao so với chi phí đào tạo một sinh viên.
Học phí đại học cao hay thấp?
Sinh viên trên giảng đường.

Trong suốt những năm gần đây, Bộ GD&ĐT cũng như các trường ĐH đánh giá khung học phí ĐH đang áp dụng đã không còn thực tế nữa.

Với mức học phí từ 50.000 đồng đến tối đa 180.000 đồng/tháng/sinh viên (SV), nhiều trường cho rằng mức này bằng một phần nhỏ so với chi phí đào tạo thực tế.

Chưa kể, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các trường phải dành không ít hơn 45% tổng số học phí để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy - học tập.

PGS-TSKH Bùi Mạnh Nhị, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM khẳng định học phí hiện nay của các trường ĐH ở Việt Nam là “cực kỳ thấp” nếu so với học phí của ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) và càng hơn thấp nếu so với mức học phí của ĐH Quốc tế RMIT tại Việt Nam.

Theo ông, đã đến lúc phải tính toán đủ chi phí đào tạo, phần nhà nước hỗ trợ bao nhiêu, còn lại người học phải đóng để các trường có nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất.

Trong một kết quả khảo sát, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM tính toán: Chi phí đào tạo ở nhóm ngành kinh tế khoảng 5.200.000 đồng/năm/SV; ngành KHXH&NV là 6.300.000 đồng/năm/SV và  nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ là 5.900.000 đồng/năm/SV.

Trong khi đó, học phí hàng năm các trường thu bình quân là 2.100.000 đồng/năm/SV. Trong một tính toán khác, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội Đinh Quang Báo cho rằng mặc dù trường được miễn học phí nhưng nếu tính đủ, tổng chi phí đào tạo trên một sinh viên bình quân là 6.300.000 đồng/năm.

Công lập lỗ, dân lập lời to!

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, số tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho mỗi sinh viên vào khoảng từ 2 - 2,5 triệu đồng. Nếu cộng thêm học phí mà sinh viên phải đóng từ 1,8 - 2,5 triệu đồng nữa, các trường ĐH công lập sẽ thu được từ 3,8 - 5 triệu đồng/năm/sinh viên.

Như vậy, theo lý thuyết của những người trực tiếp quản lý các đại học, để đào tạo một sinh viên, các trường đại học công lập phải bù lỗ từ 1 - 2 triệu đồng.

“Kêu” về học phí nhiều nhất vẫn là các trường ĐH ngoài công lập. Các trường này luôn cho rằng mức học phí hiện tại không đủ để họ bù đắp chi phí đào tạo sinh viên. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng thực tế lại không như vậy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn thu chủ yếu của các trường chính là học phí. Không ít trường, nguồn thu này chiếm đến hơn 99%. Trong những năm qua, học phí các trường ĐH ngoài công lập đã liên tục tăng lên. Cứ vào mỗi đầu năm học, người ta lại thấy các trường niêm yết thông báo tăng học phí.

Có thể khẳng định rằng học phí của sinh viên liên tục tăng đã giúp các trường ĐH ngoài công lập ngày càng tăng thêm nguồn thu. So với số vốn đầu tư ban đầu cũng như với tổng tài sản của các trường, những khoản lợi nhuận nhiều tỷ đồng không phải là nhỏ.

Điển hình như ĐHDL H.B trong năm 2002, sau khi cân đối thu chi, lợi nhuận của trường đạt hơn 9,1 tỷ đồng. Trường ĐH B.D cũng có chừng đó lợi nhuận trong năm 2004. Những con số này củng cố thêm lời khẳng định của một vị Phó Chủ tịch HĐQT của một trường ĐHDL: “Các trường ĐHDL lời rất lớn”.

Theo tính toán, không có một trường ĐH ngoài công lập nào đầu tư mức chi phí như khảo sát của TS Nguyễn Đức Nghĩa. Thậm chí, trên thực tế, các trường này đầu tư cho sinh viên một khoản tiền thấp đến bất ngờ. Có trường chỉ đầu tư khoảng 1,8 triệu đồng/sinh viên.

Chính mức đầu tư này đã nâng lợi nhuận các trường lên tiền tỷ nhưng cũng đồng thời hạ chất lượng đào tạo xuống đến mức đáng báo động. Một tiến sĩ lịch sử của một trường ĐH lớn ở phía Nam cho rằng cách tăng học phí liên tục đang khiến các trường hình thành một tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn thu này. Là một trường ĐH không thể lấy nguồn thu học phí làm nguồn thu, nguồn lợi nhuận chính cho mình.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật