Tôi sợ hãi khi phải làm mẹ chồng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau chuyện với đứa con dâu đầu, tâm trạng tôi rất sợ hãi. Tôi không biết đứa con dâu thứ hai sẽ thế nào. Phải đối xử với nó ra sao?
Tôi sợ hãi khi phải làm mẹ chồng
Ảnh minh họa

Ngày trước, khi tôi làm dâu nhà người ta, cực khổ trăm bề nên dặn lòng rằng: Sau này có con dâu thì không nên hà khắc với nó, đừng để nó thiệt thòi giống như mình. Và tôi cũng không muốn xảy ra tình cảnh mẹ chồng, nàng dâu. Sau này, tôi có ba thằng con trai, gia đình cũng không phải giàu có gì nhưng được phước là không đến nỗi khó khăn.

Rồi cái gì đến phải đến, hai đứa con trai tôi đã có người thương. Đứa thứ hai dẫn bạn gái về nhà trước. Cô bé không xinh gì nhưng được tính hiền, nhà cũng ở Sài Gòn, lại là người miền Nam. Cũng may, cô bé không chanh chua đanh đá, thế là mừng rồi. Nói thêm là gia cảnh cô bé không khá giả gì, nhưng không sao, hai đứa nó thương nhau thế là ổn.

Đứa thứ nhất sau đó cũng dẫn người yêu nó về, cô này dễ nhìn hơn, gia cảnh cũng khá hơn cô trước. Trong lòng tôi từ đó lo sợ, không biết hai cô con dâu về nhà có được hòa thuận hay không. Tôi rất sợ xảy ra tình cảnh cãi nhau suốt ngày. Lòng tôi bất an hơn khi mà cô con dâu lớn tính tình hoàn toàn trái ngược với cô con dâu thứ hai. Cô lớn thì ngăn nắp, gọn gàng, cô thứ hai thì xuề xòa, qua loa. Cứ hễ hôm nào có hai cô này qua là thế nào cũng có chuyện không vui.

Rồi thằng con trai lớn cưới vợ. Nhìn con trai mình lớn khôn từng ngày, bây giờ nó đã thành gia lập thất, tôi vui biết chừng nào. Tôi cố gắng hết sức mình lo cho đám cưới của nó. Tôi chuẩn bị từ rất sớm, đi lên chùa xem ngày cưới hỏi rồi tìm nhà hàng, chọn thực đơn, chỗ mua trầu cau, trà rượu, in thiệp, thuê rạp, thuê xe... Thế nhưng, tiền bạc có hạn. Tôi có bàn với vợ chồng thằng lớn:

- Má không có đủ tiền lo đám cưới cho tụi con nên hai đứa trong bốn năm vừa qua để dành được bao nhiêu thì lo phụ má. Bây giờ, má chỉ có thể giúp tụi con được một trong hai lễ, một là đám hỏi, hai là đám cưới. Các con thấy sao?

- Dạ, vậy má giúp con tiền đám hỏi, còn tiền đám cưới tụi con tự lo được vì đám hỏi tụi con chưa rút tiền ra kịp.

Thế là tôi tất bật lo cho nó đám hỏi. Dù sao đây cũng là lần đầu tôi có dâu, nên mọi thứ còn bỡ ngỡ, chưa quen lắm. Tôi cố gắng hết sức, tránh sai sót hết mức có thể. Cũng vì chuyện này mà tôi xuống sức rất mau, lại thêm bệnh huyết áp hành hạ khiến tôi hầu như kiệt sức. Nhưng bị như vậy cũng xứng đáng. Tôi vui lắm.

Ngày đám hỏi, không biết con dâu lớn của tôi có hồi hộp không? Chỉ biết là tôi rất hồi hộp, cứ y như ngày hôm đó tôi là nhân vật chính vậy. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Thoắt một cái cũng đã xong đám hỏi. Tôi thấy rất mãn nguyện. Dù rằng tôi không lo cho con mình được rình rang như bao đám khác nhưng ít nhất cũng không thiếu lễ. Tôi cảm thấy rất vui. Cảm giác thật khó diễn thành lời. Nhất là lúc cô con dâu lớn gọi tôi là: "Má". Trong lòng tôi rất hồi hộp, hạnh phúc.

Xong đám hỏi, tôi lại bắt đầu lo đám cưới cho con. Dù tiền của con trai và con dâu tôi lo toan hết, nhưng tôi vẫn phải phụ giúp chúng nó các thứ linh tinh. Bao nhiêu thứ phải lo làm tôi rất mệt. Ngày đám cưới, tôi còn vui hơn lúc đám hỏi nữa.

Ngày hôm ấy, sau khi kết thúc, tôi cảm thấy kiệt sức nhưng nhìn các con vây quanh, tôi hài lòng biết bao nhiêu. Tôi thấy công sức tôi bỏ ra thật là xứng đáng, cưới được cô con dâu ngoan hiền, biết lý lẽ.
Lúc này, tôi dặn lòng mình phải đối xử thật tốt với nó, phải làm cho nó cảm thấy nó như đang ở nhà vậy. Nhưng mà, chuyện đời không bao giờ theo ý muốn. Tôi và con tôi bất đồng quan điểm quá nhiều thứ.

Các con tôi trước giờ do tôi nuông chiều tụi nó, nên toàn ăn thịt, rất ít ăn cá. Nhưng mà cô con dâu lớn trái lại, rất hay ăn cá. Nhìn hai đứa con trai ăn uống không quen, tôi rất xót ruột. Cũng may, do con dâu lớn thường đi làm về muộn hơn, nên tôi thường đi chợ trước. Con dâu về nhà chỉ cần nấu cơm tối thôi.

Do nhà con dâu tôi cũng ở Sài Gòn, nên việc về nhà mẹ đẻ rất thuận tiện. Mà ngay trong lúc gần Tết, con dâu tôi cũng thường về nhà. Tết đến cũng về, qua Tết cũng về, rồi thành cái lệ, tuần nào cũng về. Lúc đầu, tôi thương con dâu, sợ nó nhớ nhà, nhớ ba má, nên tôi khuyến khích con dâu về nhà. Nhưng dần lâu ngày, tôi rất khó chịu. Suốt tuần đi làm, không có ở nhà, chỉ được ngày cuối tuần là có mặt ở nhà mà cũng không thấy con dâu đâu. Tất nhiên ở đây là con dâu tôi đi với sự cho phép của tôi. Nhưng mà, trong lòng tôi rất bức bối.

Từ sáng, hai vợ chồng con trai tôi đã về nhà xui gia đến tận 4 giờ chiều mới về tới nhà. Tôi làm công nhân, tăng ca chủ nhật liên tục. Tôi hy vọng ngày chủ nhật vợ chồng nó có thể ở nhà, lo cơm nước cho ba của nó. Nói thêm là chồng tôi bị tai nạn giao thông nên đi lại rất khó khăn. Nhưng đằng này, con dâu tôi đi chợ về là đi ngay về nhà mẹ đẻ. Chồng tôi đi lại bất tiện, nên dù biết nấu ăn cũng ít khi chịu xuống bếp. Hai đứa con trai còn lại thì khỏi nói, con trai mà, khi nào lại xuống bếp nấu món gì chứ. Thế là cả nhà lúc ăn ngoài hàng, lúc mì gói, lúc cơm rang cho qua bữa. Tôi thật xót xa, con tôi cưng chiều chưa bao giờ để nó phải như thế, vậy mà...

Rồi vấn đề quan điểm tâm linh, tôi rất tin vào thế giới tâm linh. Nhưng con dâu tôi thuộc thế hệ trẻ không tin vào vấn đề này, thế nên ngay từ cái Tết đầu tiên đã vác ngay quần áo về nhà. Thật là không biết nói sao cho phải với nó. Lúc nó xin phép tôi, tôi sợ nó nghĩ mẹ chồng khó dễ con dâu nên đồng ý. Nhưng lòng tôi bất an quá, không biết năm nay có xảy ra chuyện gì không. Những vấn đề trên là tiêu biểu nhất mà tôi có thể kể ra. Tất nhiên còn những chuyện nhỏ vụn vặt, nhiều vô kể.

Tôi không muốn người ta nói xì xầm mẹ chồng khó dễ nàng dâu. Ngày xưa, tôi từng làm dâu nên tôi hiểu nỗi khổ thế nào. Tôi rất sợ quay lại cảnh ấy, sự hà khắc của gia đình chồng, sự buồn tủi, cay đắng đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Vì vậy mà, dù rất khó chịu trong lòng, nhưng tôi vẫn không nói ra.

Nhưng, chuyện đời không như ta nghĩ. Một ngày, tôi suy nghĩ mãi, tôi nghĩ con dâu tôi cũng là đứa biết điều, hiểu chuyện, nên tôi nói những suy nghĩ của mình cho con trai tôi, dặn nó nói lại với con dâu. Nhưng ai ngờ, tôi vô tình đi ngang phòng vợ chồng nó, con dâu tôi đang khóc rầt nhiều. Và tôi nghe được những lời mà tôi không nên nghe:

- Tại sao má lại đối xử với em như vậy. Má từng làm dâu nên má phải hiểu cho hoàn cảnh của em chứ. Trước giờ em ở với mẹ quen rồi, giờ đi lấy chông em rất nhớ nhà, em rất nhớ ba má, nhớ căn phòng quen thuộc. Dù qua đây có anh bên cạnh, nhưng với em mọi thứ thật lạ lẫm. Mà một tuần em về có một ngày mà má cũng trách em là sao.

- ...

- Còn nữa, đâu phải em không lo lắng cho gia đình mình đâu. Em cũng đi làm, cũng vất vả, về nhà còn phải cơm nước cho nhà mình. Anh biết là em rất mệt không? Trước giờ em có bao giờ phải thế này đâu. Mà nhà mình còn có hai đứa em mà. Em làm gì thì hai đứa nó cũng phải phụ em chứ. Sao bắt em làm một mình vậy. Chúng ta là gia đình mà, mỗi người san sẻ một ít công việc chứ. Lúc em không ở nhà, hai đứa em của anh không chịu nấu cơm thì thôi, sao trách em được. Tụi nó lười, sao lại mắng em. Má thiên vị quá! Còn chuyện tin dị đoan, em sợ má không vui nên hỏi ý kiến má rồi mà. Sao giờ má lại trách em.

- ...

- Anh có biết là em rất tủi không? Người ta đám cưới nhìn mà phát thèm, còn em thì không được như người ta, cái gì cũng phải tự lo lấy. Mọi chi phí trong đám cưới hai vợ chồng mình đều phải tự lo liệu. Trong khi người ta, ba má chồng sắm sửa cho cô dâu nào là vòng tay, lắc, dây duyền, bông tai, rồi tiền quả, tiền xe... Nhưng anh nghĩ lại xem, bữa đó má đâu phụ mình được đồng nào, trang sức mẹ chồng cho cô dâu hai vợ chồng cũng phải tự mua. Cái gì cũng phải tự lo. Em thật sự tủi thân lắm. Nhìn bạn bè, ba má chồng lo từng chút, cô dâu không phải tốn tiền gì, em buồn lắm anh biết không. Lúc quen anh, em không nghĩ đám cưới mình sẽ xảy ra tình cảnh này. Vì nhà anh đâu đến nỗi nghèo khó, vậy mà đám cưới làm qua loa, đại khái, làm cho có rồi thôi. Anh nghĩ xem làm sao em không buồn không tủi cho được. Em tự nói với lòng, thôi dù sao đám cưới cũng đã xong rồi, em không muốn nghĩ tới nữa. Vậy mà bây giờ má lại trách em thế này thế nọ.

- ...

- Anh nghĩ coi, em phải làm sao má mới hài lòng em đây. Em phải cố gắng thế nào thì mới là dâu thảo trong lòng má. Đúng là con dâu suốt đời cũng chỉ là con dâu, không thể thành con ruột.

Tôi như chết lặng, lòng tôi ngổn ngang. Vấn đề ở đây là gì? Tôi sai rồi sao, sai ở chỗ nào? Đám cưới của con tôi, tôi biết mình không giúp được vấn đề tài chính. Nhưng, không lẽ như vậy cũng là sai sao? Vì đám cưới này mà tôi lo lắng mấy tháng trời, ăn ngủ không yên giấc, sức khỏe suy sụp rất nhiều. Dù tôi không lo cho con tôi được rình rang như bao người khác, nhưng ít nhất cũng không tệ.

Tôi già rồi, làm bao nhiêu thì lo cho ba đứa con ăn học. Tới lúc này, xương cốt rã rời, còn tiền đâu mà dành dụm lo cho nó cưới vợ. Vay mượn mãi mới lo cho nó được cái đám hỏi, chuyện này vợ chồng nó cũng biết mà. Sự đời đúng là không theo ý mình. Tôi cứ cố gắng nhịn nhục để không xảy ra vấn đề mẹ chồng nàng dâu, nhưng sợ mẹ con không hiểu nhau nên mới dặn con trai nói suy nghĩ của mình cho con dâu nghe. Ai ngờ, không những không thể làm được gì mà sự việc còn nghiêm trọng hơn.

Không lẽ, vấn đề mẹ chồng nàng dâu mãi mãi không thể sống trong hòa bình hay sao? Con dâu tôi không thể xem tôi như mẹ đẻ của nó sao? Tôi thấy sợ hãi, hụt hẫng. Từng tuổi này, mà từ khi nghe chuyện đó đêm nào tôi cũng khóc.

Tôi còn hai đứa con trai, đứa thứ hai cuối tháng này cũng cưới vợ. Tôi không còn cảm giác hồi hộp, vui sướng như lúc đứa con đầu đám cưới nữa. Tâm trạng tôi lúc này rất sợ hãi. Không biết đứa con dâu thứ này thế nào. Phải đối xử với nó ra sao? Phải làm gì để không xảy ra tình trạng như đứa con dâu lớn? Phải làm sao cho tốt đẹp đây? Rồi một ngày nào đó, tôi cũng phải cưới vợ cho đứa con út. Tôi phải đối mặt vấn đề này như thế nào?

Nguyễn Thị Mén
(Quận 4, TP HCM)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật