Nghịch lý kinh tế Mỹ: Người giàu cũng khóc

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Ở Thái Lan, dân nghèo vẫn đói khổ, nhưng ở Mỹ người giàu cũng khóc“. Đó là nhan đề bài viết trên nhật báo Wall Street Journal. Theo báo này, cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc nhiều rủi ro ban đầu đã đẩy nhiều gia đình trung lưu của Mỹ rơi vào tình trạng bị tịch biên nhà cửa, nhưng giờ đây đến lượt các gia đình giàu có cũng phải bán nhà để trả nợ.
Nghịch lý kinh tế Mỹ: Người giàu cũng khóc
Nicolas Cage phải bán nhà trả nợ, nhưng chưa gặp khách

Đó là trường hợp của ngôi sao Hollywood Nicolas Cage. Hồi đầu tháng 4/2010, căn nhà rộng hơn 1.000 m2 của nam diễn viên người Mỹ, nằm tại khu biệt thự sang trọng Bel Air thuộc thành phố Los Angeles hoa lệ, đã bị tịch thu và đem ra bán đấu giá để trả nợ thế chấp.

Trong thời gian đầu, nam tài tử nổi tiếng đã rao bán căn nhà của mình với giá 35 triệu USD nhưng “chẳng có ma nào mua”. Việc bán đấu giá thật sự là giải pháp cuối cùng để Nicolas Cage có thể thu được vài chục triệu USD hòng trả nợ.  

Ngôi nhà mà Nicolas Cage đang rao bán

Một trường hợp khác là nhà riêng của ông Vittorio Gori, nhà sản xuất phim tại Hollywood. Vào tháng 3 vừa qua, ông Gori đã phải bán đấu giá nguyên một tòa nhà nhiều tầng tại khu Manhattan ở thành phố New York với giá 33 triệu USD để thanh toán nợ ngân hàng.

Ngoài các diễn viên, nhà sản xuất phim ảnh, những đại gia làm việc trong ngành ngân hàng Mỹ cũng “khóc dở mếu dở”. Ông Richard Fuscone, cựu Giám đốc tài chính của Tập đoàn tài chính Merill Lynch là một ví dụ điển hình. Đại gia này đã buộc phải bán toàn bộ nhà cửa với giá 14 triệu USD, chỉ bằng 2/3 mức giá thị trường, để thanh toán các khoản nợ. 

Đại gia tài chính như Richard Fuscone cũng phải bán nhà trả nợ

Theo kết quả nghiên cứu của công ty RealtyTrac, tác động cộng hưởng của ngành địa ốc với khủng hoảng tài chính bắt đầu khiến một số gia đình giàu có ở Mỹ lâm vào tình trạng khó khăn. Cho tới nay, thành phần này có thể cầm cự phần lớn cũng vì họ có nhiều tài sản khác cũng như dư dả tiền tiết kiệm. Nhờ vào uy tín sẵn có, họ cũng có thể thương lượng thêm về thời hạn thanh toán nợ hay mượn thêm tiền của ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng kia. Nhưng trong trường hợp họ không đủ tiền trả nợ theo định kỳ, mà lại có thêm nợ thế chấp quá cao, thì coi như họ đã bị phá sản.
 
Chỉ trong tháng 2/2010, đã có hơn 350 căn nhà hạng sang, trị giá từ 10 triệu USD trở lên, bị tịch biên để bán đấu giá, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo nhật báo Wall Street Journal, hiện tượng nhà giàu vỡ nợ không chỉ xảy ra ở thành phố New York và Los Angeles mà còn diễn ra ở nhiều tiểu bang khác như Georgia, Bắc Carolina, Colorado. Còn tại bang Florida, các địa điểm nổi tiếng hàng đầu như Sunset Islands, Coral Gables hay Miami Beach cũng đã bán đấu giá nhiều nhà cửa bị tịch thu với giá thấp nhất là 4 triệu USD, nhưng vẫn không có người mua.

Những trường hợp kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo bà Maggie Navarro, chuyên gia tài chính của một công ty kinh doanh địa ốc ở Pasadena, California, rất nhiều gia đình giàu có không thể nhận thấy họ bị phá sản. Nếu nhà cửa bị tịch thu hay bị đem bán đấu giá, đa số không hề muốn tiết lộ và yêu cầu giữ kín tên tuổi của họ. Còn theo Marc Carpenter, chuyên gia về các vụ tịch thu nhà cửa tại San di‌ego, người giàu dễ vay tiền hơn người nghèo, nhưng sau cuộc khủng hoảng vừa qua, thì giờ đây các ngân hàng đều ngại cho vay tiền để mua nhà, trong khi số người có thể chi 10 triệu USD để mua đứt một căn nhà không nhiều như người ta tưởng!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật