Hàng không thế giới thiệt hại nghiêm trọng vì tro bụi núi lửa

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuối tuần qua, hàng không thế giới hủy chuyến nhiều chưa từng có khi núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland hoạt động mạnh trở lại gây khói bụi trong toàn khu vực châu Âu.
Hàng không thế giới thiệt hại nghiêm trọng vì tro bụi núi lửa
Hành khách chờ đợi tại sân bay do bị hủy chuyến vì núi lửa hoạt động

Theo thống kê của Hội đồng các sân bay quốc tế, khoảng 30 nước trên thế giới đã đóng cửa hoặc hạn chế mở cửa không phận sau khi có cảnh báo tro bụi từ núi lửa có thể phá hỏng động cơ máy bay, đe dọa an toàn bay.

Tại châu Âu, ít nhất 313 sân bay bị tê liệt, khiến 6,8 triệu hành khách bị mắc kẹt kể từ khi lệnh này được áp dụng ngày 15/4 vừa qua. Trong 4 ngày (từ 15-18/4) đã có gần 100.000 chuyến bay tại châu Âu bị hủy bỏ. Trong đó riêng ngày 18/4, hơn 20.000 chuyến bị hủy, chỉ có khoảng 5.000 chuyến bay cất cánh so với 24.000 chuyến/ ngày trước đây.

Đến 8h sáng 20/4, các chuyến bay ở châu Âu đã nối lại hoạt động từng phần.

Trước đó, 15h30 ngày 19/4 núi lửa lại có đợt phun trào mới, tạo một đám mây tro bụi mới cao 4.500 m.

Hai hãng hàng không hàng đầu Trung Quốc là Air China và China Southern Airlines đã phải ngừng hầu hết các chuyến bay tới châu Âu, chủ yếu tới các thành phố Paris, Frankfurt, London, Moscow và Amsterdam.

Trong khi đó, tại sân bay Hongkong cũng có khoảng 40 chuyến bay bị ảnh hưởng. Hãng hàng không Qantas Airways của Australia ngày 18/4 thông báo sẽ kéo dài lệnh ngừng bay cho tới chiều 20/4 do quan ngại về mức độ an toàn của các chuyến bay. Theo ông Piyasvasti Amranand, Chủ tịch hãng Thai Airways (Thái Lan), hãng này bị thiệt hại khoảng 100 triệu baht (khoảng 3 triệu USD/ ngày) do việc hủy các chuyến bay tới 9 thành phố châu Âu.

Ước tính mỗi ngày hãng này hủy khoảng 22 chuyến bay, gây ảnh hưởng tới 6.000 hành khách. Hiện tại, Thai Airways có khoảng 15.000 hành khách bị kẹt tại Bangkok và nhiều thành phố khác tại châu Âu. Các sân bay tại một số nước vùng Vịnh buộc phải tổ chức ăn, nghỉ miễn phí cho hơn 5.000 hành khách bị mắc kẹt tại đây, tốn kém hơn một triệu USD/ngày.

Sân bay Changi và các hãng hàng không ở Singapore cũng phải tổ chức các dịch vụ tương tự cho hành khách bị mắc kẹt. IATA ước tính, việc hoãn các chuyến bay có thể khiến ngành hàng không châu Âu mất khoảng 200 triệu USD mỗi ngày, chưa kể chi phí tăng thêm do phải chuyển hướng các đường bay và chi phí phát sinh của hành khách.

Ngày 18/4, đại diện của hầu hết các hãng hàng không quan trọng ở châu Âu đã kêu gọi xem xét lại lệnh cấm bay, cho rằng điều này có thể là không cần thiết. Hiệp hội các hãng hàng không châu Âu cũng đề nghị cho phép các hãng hàng không tự quyết định tái khởi động những tuyến bay không nguy hiểm do một số hãng đang có nguy cơ phá sản vì lệnh cấm bay và đây cũng là nhu cầu của hành khách.

Một số hãng hàng không như LM (Hà Lan), Air France (Pháp), Lufthansa và Air Berlin (Đức)... đã thực hiện các chuyến bay thử qua vùng cấm bay nhưng không phát hiện một tổn hại tức thì nào cho máy bay. “Theo dự báo thời tiết thì bầu trời sẽ sớm phục hồi trở lại trạng thái bình thường trên một phần không phận châu Âu.

Điều đó có nghĩa là phân nửa các chuyến bay trên lục địa châu Âu có thể sẽ hoạt động trở lại trong ngày thứ hai (19/4), người phát ngôn của văn phòng Chủ tịch EU cho biết. Đồng thời, Ủy viên đặc trách Giao thông của EU, Siim Kallas cho rằng, tình trạng các chuyến bay bị đình chỉ như hiện nay “không thể kéo dài”.

Theo tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), về mặt kinh tế, ảnh hưởng của tình trạng tê liệt hàng không hiện nay còn nghiêm trọng hơn nhiều so với hồi 2001, khi Mỹ đóng cửa không phận trong 3 ngày sau vụ khủ‌ng b‌ố 11/9, khiến các hãng hàng không châu Âu phải ngừng toàn bộ các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương.

Các chuyên gia địa chất dự báo, ảnh hưởng tro bụi từ núi lửa Eyjafjallajokull đối với các hoạt động không lưu sẽ kéo dài trong ít nhất một tuần và đợt phun trào này sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, các nhà địa chất cảnh báo thêm, núi lửa Katla gần đó cũng đang có dấu hiệu phun trào.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật