10 hiểu lầm về kinh tế Trung Quốc (P1)

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kinh tế Trung Quốc có thể vẫn tăng trưởng mạnh dù khủng hoảng kinh tế xảy ra. Nhưng có một điều còn gia tăng mạnh hơn, đó là những hiểu lầm về nền kinh tế Trung Quốc. Có thể là do những dữ liệu kinh tế không đáng tin cậy từ phía Trung Quốc, cũng có thể là sự hiểu lầm từ chính bản thân Mỹ và các nền kinh tế khác. Nhưng dù thế nào, ẩn sau những từ “thập kỷ Trung Quốc“, “thế kỷ Trung Quốc“ mà chúng ta nghe thấy hàng ngày, có một số điều vẫn đang bị hiểu sai về nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
10 hiểu lầm về kinh tế Trung Quốc (P1)
Ảnh minh họa

Thực tế là, Trung Quốc có thể chưa hẳn là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới thoát khỏi khủng hoảng, không phải nguyên nhân bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế Mỹ, và còn xa mới được gọi bằng cái tên quốc gia cắt giảm lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới.

Những ngày này, vị thế kinh tế của Mỹ cũng được nhìn nhận có mối quan hệ chặt chẽ với kinh tế Trung Quốc hơn so với bình thường. Tuy nhiên, đây cũng là trường hợp mà các thử thách về chính sách, ví dụ như làm thế nào để Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế, càng dễ khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ trở nên nản lòng hơn. Sẽ rất khó khăn để Mỹ tránh được những "cạm bẫy" mở ra nếu như chỉ thay đổi chính sách một cách hời hợt, ví dụ như những chính sách về tỷ giá, cắt giảm khí thải nhà kính... để đuổi theo kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này thực sự đang có những đóng góp đáng kể góp phần củng cố tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sai lầm 1: Trung Quốc hiện là đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế thế giới.

Sự thật là: Trung Quốc đã gộp một phần tăng trưởng của các quốc gia còn lại trên thế giới vào tăng trưởng của mình.


Cách thức chuẩn mà các nhà lãnh đạo kinh tế Trung Quốc đang thực hiện nhằm xác định quốc gia nào đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu là lấy tất cả chỉ số tăng trưởng GDP của các quốc gia, gộp chung lại và kiểm tra xem quốc gia nào đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng GDP thế giới. Thế nhưng đây không hẳn là cách tính toán xác thực.

Nếu một quốc gia thành công trong việc áp chế các điều kiện thương mại và trích ra được một phần lớn hơn nguồn lợi nhuận tài chính từ các mối quan hệ với các đối tác của mình, GDP của quốc gia đó sẽ tăng lên mạnh mẽ trong khi GDP của các đối tác thương mại kia giảm đi hoặc nếu có thể, chỉ tăng lên một cách rất chậm chạp. Chính vì thế, nó sẽ gây ra sự hiểu lầm rằng quốc gia này dẫn đầu tăng trưởng thế giới trong khi thực chất, nền kinh tế của nước đó đang tự làm giàu dựa trên mồ hôi nước mắt của những nền kinh tế còn lại trên thế giới.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng góp phần gây ra những hiểu nhầm trong tính toán, đó là GDP bao gồm cả thương mại. Thặng dư thương mại được tính vào GDP trong khi thâm hụt thương mại thì bị trừ đi. Trung Quốc có mức thặng dư thương mại với hầu hết các nền kinh tế toàn cầu. Việc này đồng nghĩa với các nền kinh tế còn lại trên toàn thế giới phải chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nếu hiểu theo cách này, Trung Quốc không hề đóng góp gì vào GDP thế giới cả, cho dù hoạt động kinh tế của quốc gia này thể hiện rằng Trung Quốc đang đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Kinh tế Trung Quốc quả thực đã đóng góp nhiều cho nền kinh tế toàn cầu. Trong vòng một thập kỷ qua, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành nhân tố lớn nhất tác động tới sự cạnh tranh toàn cầu. Về mặt chính sách, hàng hóa Trung Quốc góp phần duy trì giá cả tiêu dùng ở mức ổn định, qua đó góp phần kiểm soát nguy cơ lạm phát tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính đã làm thay đổi điều này. Nếu như trước đây, nguồn cung từ Trung Quốc giúp đáp ứng một phần nhu cầu thế giới thì nay, khi mà nhu cầu thế giới vẫn còn yếu ớt sau khủng hoảng, nó lại là một nhân tố gây ra nhiều tác động tiêu cực. Chỉ khi chính bản thân Trung Quốc phát triển kinh tế nội địa, tăng cường nhu cầu tiêu dùng hàng hóa từ các quốc gia còn lại trên thế giới thì khi đó, Trung Quốc mới thực sự trở thành đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sai lầm 2: Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 10 năm tới.

Sự thật là: Có những lý do cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt qua kinh tế Mỹ.


Một trong những yếu tố mà dự đoán này dựa vào là các báo cáo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua và báo cáo tăng trưởng kinh tế Mỹ 3 năm gần đây. Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả là nếu kinh tế Mỹ duy trì mức tăng trưởng như những năm 2007 - 2009 thì việc tính toán dựa trên GDP sẽ là một vấn đề khó khăn. Khi Mỹ tập trung vào việc củng cố chính sách như: cắt giảm thâm hụt ngân sách, ổn định lãi suất cho vay cơ bản, mở rộng thương mại, giảm thiểu sự điều chỉnh của chính phủ... Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt qua được Mỹ, ít nhất là trong 10 tới 15 năm nữa. Trung Quốc những năm 1949 - 1978 khác xa với Trung Quốc những năm 1979 - 2009 và rõ ràng, Trung Quốc những năm 2010 - 1040 sẽ còn nhiều thay đổi khác biệt hơn nữa. Ít nhất là trong vấn đề dân số cũng như các vấn đề về ô nhiễm và các ngành công nghiệp nặng.Vì thế, đây sẽ là một sai lầm cơ bản khi ghép 30 năm trước với 30 năm sau, đặc biệt là với một quốc gia đang trên đà phát triển mạnh như Trung Quốc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật