Hiệu quả từ CLB chống “bão” AIDS

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ cách trung tâm huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) hơn 5km, nhưng đường đến xã Xuân Tín phải vượt qua rất nhiều những nương ngô và cây cầu làm bằng những chiếc thuyền bê tông. Một làng quê thanh bình, yên ả hiện ra, khiến người ta khó hình dung rằng đây từng là một nơi nhức nhối hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa về tình trạng ma túy và có số người có HIV/AIDS.
Hiệu quả từ CLB chống “bão” AIDS
Chị em phụ nữ có HIV ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đang làm việc tại Nhà may Tương Lai.

"Chính xác là tại nghĩa địa Bái Tền có 84 ngôi mộ, hiện đang nằm biệt lập cách trung tâm xã Xuân Tín khoảng 2km. Đây là nghĩa địa dành riêng cho những người chết vì liên quan đến HIV/AIDS, không được chôn trong nghĩa địa chung của làng xã. Nghĩa địa Bái Tền có từ khoảng năm 1997. Ban đầu, do người dân địa phương sợ hãi, nên tất cả những người chết vì "ết" đều phải chôn riêng, và chỉ chôn cất một lần, không được sang cát như các ngôi mộ khác. Vậy nên, tất cả các ngôi mộ ấy đều xây kiên cố bằng bê tông"- Ông Trịnh Trung Hải, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Tín cho biết.

Xuân Tín vốn là một vùng quê thanh bình, nằm giữa hai bờ sông Chu và sông Cầu Chày, ruộng đất phì nhiêu, trù phú, người dân địa phương hiền lành, chăm chỉ. Nghề nghiệp truyền thống từ bao đời nay của Xuân Tín cũng như những làng quê ven bờ sông Chu khác, là nông nghiệp thuần túy.

Nhưng hơn 10 năm trước, cả xã bỗng "nổi danh" cả nước với "nghề truyền thống" là nấu cao hổ và lấy mật ong rừng. "Danh tiếng" này có được là nhờ những "bác cò" (những người chuyên đi lừa đảo) là người địa phương, đi lang bạt khắp mọi miền đem lại. Họ làm ăn bất chính, kiếm được rất nhiều tiền, và tiêu xài hoang phí, trác táng vào các thói hư tật xấu như cờ bạc, ma túy, mãi dâm…

Hậu quả là có lúc, toàn xã Xuân Tín có hồ sơ quản lý hàng trăm đối tượng nghiện ma túy, trong đó có 90 người có HIV. Những người đàn ông này đem bệnh tật về làng truyền cho vợ con, xóm giềng, rồi chết. Đến nay, 84 ngôi mộ nằm dưới tán xà cừ kia vẫn là nỗi đau nhức nhối trong tâm khảm người dân vùng quê nghèo này.

Tháng 6/2005, một sự kiện đặc biệt không chỉ đối với vùng quê này, mà của cả tỉnh Thanh Hóa, những người có HIV tự nguyện thành lập một câu lạc bộ "đặc biệt" để cùng sinh hoạt, tuyên truyền cách phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Thành viên là những người dân do nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan bị lây nhiễm HIV.

Câu lạc bộ ấy có tên là "Vì ngày mai tươi sáng", gồm hai mươi thành viên, trong đó có bảy chị em nữ. Đến nay, thêm một số thành viên là người địa phương đi làm ăn xa bị nhiễm HIV, cũng xin về tham gia sinh hoạt, đưa con số của câu lạc bộ  lên 24 người.

Anh Trần Danh Mật, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: "Công việc quan trọng nhất của chúng tôi là tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho mọi người. Bên cạnh đó, cùng chia sẻ với nhau về cách chăm sóc bệnh nhân có HIV và mắc AIDS, cách sử dụng các loại thuốc hiện có trong việc phòng, chống nhiễm trùng cơ hội, thuốc kháng virus... Nhưng hơn tất cả, chúng tôi sinh hoạt cùng nhau, để sống bằng niềm tin, hi vọng vào tương lai tươi sáng trong sự thông cảm, sẻ chia của bà con xóm giềng".

Anh Trần Danh Mật chính là người đầu tiên của xã dám công khai với mọi người là mình có HIV. Sớm được tuyên truyền kiến thức về căn bệnh này nên anh đã phòng tránh rất tốt cho vợ, con và những người thân trong gia đình. "Khi biết mình nhiễm HIV qua đường tiêm chích, tôi đau đớn tột cùng. Rời bỏ thị thành, tôi khăn gói về quê. Nhìn những người thân trong gia đình cũng đau đớn khi biết tôi nhiễm HIV, tôi chỉ muốn tìm đến cái chết cho nhẹ gánh mọi người. Khi đã vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần, tôi gượng dậy để sống và hòa nhập với cộng đồng. Đến nay, sự hiểu biết của bà con với căn bệnh này đã được nâng cao, nên sự kỳ thị, xa lánh với những người nhiễm HIV đã giảm đi rất nhiều".

Không như anh Mật, những người phụ nữ của câu lạc bộ  đều mắc bệnh thông qua chồng, khiến nỗi đau càng thêm gấp bội. Các chị được Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa cấp cho những chiếc máy may công nghiệp, nhằm tạo thêm công ăn, việc làm. Hàng ngày, các chị đều dành thời gian tham gia làm việc tại Nhà may Tương Lai để có thêm thu nhập.

Khi chúng tôi đến Xuân Tín, người làng vừa giúp một gia đình có ngôi mộ tại nghĩa địa Bái Tền cải táng. Đầu năm đến nay, đây là ngôi mộ của người nhiễm HIV thứ ba được người nhà phá vỡ lớp bê tông, để người quá cố được yên nghỉ theo truyền thống của người Việt.

Vậy nên, thời gian gần đây, tình trạng nghiện ngập, hút chích ma túy tại địa phương đã giảm rất nhiều. Hầu như hiện nay ở Xuân Tín không phát sinh con nghiện, hay nạn nhân mới của HIV". Vẫn theo ông Trịnh Trung Hải, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Tín, vùng quê nằm giữa hai dòng sông Chu, sông Cầu Chày này đang trở lại với vẻ thanh bình, yên ả vốn có của nó

Nhìn vào hơn 80 ngôi mộ bê tông, nỗi đau quá lớn đó đủ để thức tỉnh những người dân Xuân Tín tránh xa các tệ nạn xã hội. Cùng đó, là sự quyết liệt đấu tranh của chính quyền địa phương, sự rộng lòng của người dân đối với những người lầm lỗi trở về.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật