Người tạo rừng tượng nơi hoang vắng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà mồ ở Tây Nguyên ngày càng hiếm bởi hầu hết các nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ đã theo thời gian về với giàng. Ở Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, chỉ còn nghệ nhân Ay Bép thạo việc tạo ra những pho tượng nhà mồ cổ xưa theo phong cách đồng bào Gia- Rai.
Người tạo rừng tượng nơi hoang vắng
Thời hưng thịnh của tượng nhà mồ, không ngày nào nghệ nhân Ay Bép rảnh tay - Ảnh: Vạn Tiếp

63 tuổi, ông Ay Bép có 37 năm làm nghề đẽo tượng nhà mồ. Suốt quãng thời gian ấy, bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã tạo ra rất nhiều tượng nhà mồ cả trong và ngoài tỉnh.

“Già không nhớ đã tự tay làm bao nhiêu cái nhà mồ, đẽo bao cái tượng nữa” - Ông Ay Bép nói.

Gia đình ông trước đây không có ai theo làm nghề đẽo tượng nhà mồ. Từ tuổi thanh niên, ông đã theo các nghệ nhân trong làng để nhìn và học theo “Hồi đó ta chỉ thèm thấy người ta đẽo tượng. Họ sai việc gì cũng làm”.

Tượng trong không gian nhà mồ đầu tiên của ông là bức tượng người ôm mặt (kra-kôm), theo môtíp  tượng cổ nhất.

Chuyến đi nhiều cảm hứng nhất với ông là lần được ra Huế đẽo tượng, dựng nhà sàn truyền thống và trưng bày tượng nhà  mồ Tây Nguyên phục vụ Festival Huế 2006.

Trong số  những tác phẩm mà Ay Bép tạo ra trong không gian tượng nhà mồ, đẹp nhất là bộ tứ công đậu ngà voi. Những bức tượng này chính là sự kết tinh tài hoa của bàn tay nghệ nhân.

“Tượng công đậu ngà voi thể hiện sự giàu có của gia đình người chết. Nhà nào nhiều trâu, nhiều bò mới đủ tiền làm bộ tượng này. Nhà nghèo chỉ có heo, gà thì không làm nổi đâu.

Tượng chim công là để ca ngợi vẻ đẹp của người chết, để làm vui cho linh hồn của người đó. Tượng ngà voi ca ngợi sức mạnh, lòng dũng cảm của người chết khi đang sống, đồng thời cũng là vũ khí bảo vệ cho linh hồn”.

Sắp thành hoài niệm

Nghệ nhân Ay Bép bên bộ tượng công đậu ngà voi do chính mình tạc nên

Dưới nắng gió Tây Nguyên, ông Ay Bép dẫn tôi vào rừng thăm những bộ  tượng công đậu ngà voi do chính tay mình tạo nên: “Khu vực này đều do già tạo ra. Trong buôn chỉ còn Ma Thơ làm được”.

Tượng công được đẽo từ trên đầu, thân rồi đuôi, cao tổng cộng 1,6 m sau hai tuần miệt mài. Một bộ tượng đẹp chiều cao của bức tượng phải cao 2,5m. Già đẽo chủ yếu bằng rìu và cây xà - gạc - loại dao đa năng thông dụng của người Gia-Rai.

Để  đẽo được một bộ tượng công đậu ngà voi, nhất thiết gỗ phải là gõ mật, mềm lại chịu được thời tiết, không bị nứt nẻ, lâu mục, luôn giữ được vẻ đẹp ban đầu của tượng.   

Thời hưng thịnh của tượng nhà mồ, không ngày nào ông rảnh tay. Mỗi nhà mồ thiết kế xong, ông được trả công hai mẹ con trâu, rồi còn được cúng một con lợn và một chai rượu. Nhưng giờ thì hết rồi!

Trong khoảng rừng um tùm cây cối, chỉ còn vài nhà mồ có tượng công đậu ngà voi. Ay Bép giải thích “Trước đây nhiều lắm. Cách đây mấy năm, một đêm trong buôn bị kẻ trộm lấy đi một lúc mười mấy bức tượng”.

Sờ vào từng thớ gỗ mòn trên  bức tượng do chính mình tạo ra, già nhìn về hướng rừng già Yok Đôn: “Cứ đà này, sẽ không còn tượng nhà mồ nữa đâu”.

Nghệ nhân Ay Bép đang truyền nghề cho hai con trai mình là Man Êban (36 tuổi), Thuyên Êban (29 tuổi). “Chúng nó muốn theo học và giữ cái nghề của cha ông. Chứ bọn trẻ ở đây, giờ ít đứa muốn theo học lắm”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật