“Nghệ nhân“ khâm liệm xứ Huế

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Kỹ thuật làm thì có muôn hình muôn vẻ, tất cả những cách thức, động tác trong quá trình khâm liệm người chết là do ông nội truyền lại, còn sách vở ở đâu tôi không biết” - ông Quyền nói.
“Nghệ nhân“ khâm liệm xứ Huế
Ông Quyền đang kể lại những kỹ thuật khâm liệm người chết.

Khác với những nơi khác, ở Thừa Thiên - Huế, một người chết thường để từ 7 đến 15 ngày mới mai táng. Nhưng để th‌i th‌ể của người chết không bị bốc mùi, chảy nước… thì phụ thuộc vào “kỹ thuật” của những người làm nghề khâm liệm.  Đây được xem là nghề “độc” ở trần gian.

"Cháu hãy vào nghề bằng việc khâm liệm ông"

Ông Nguyễn Quyền (48 tuổi) trú ở đường Vạn Xuân (Kim Long, TP Huế) đã có thâm niên trong nghề khâm liệm, nay đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và kinh nghiệm.

Ông Quyền làm nghề này tính ra đã ngót 15 năm. Ông vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình mang cái nghiệp này. Thủa nhỏ, do gia đình nghèo khó nên Quyền phải nghỉ học sớm và theo ông nội hành nghề. Lúc đầu theo chân nội học việc, Quyền thường làm theo mệnh lệnh, nếu nội sai lấy cái gì, làm việc gì thì Quyền làm cái đó.

Khi chưa “cứng” nghề thì ông nội qua đời, người chú lên nối nghiệp. Từ đây, Quyền quyết theo cái nghề này. “Để được nhúng tay vào người chết cũng phải tốn nhiều thời gian lắm. Vì cái kinh nghiệm, lễ tục khâm liệm trước khi nhập quan ở đất Huế phức tạp lắm”, ông tâm sự.

Và lần đầu tiên ông Quyền được đặt tay khâm liệm người chết, đó là th‌i th‌ể của chính ông nội mình. “Khi ông chết thì Quyền hãy khâm liệm cho ông nhé”, lời căn dặn của ông nội với Quyền trước lúc đi xa khiến Quyền vừa xúc động vừa trĩu lòng.

Xúc động bởi ông nội quý, thương mình, nhưng cũng trĩu lòng bởi kiếp nghề khâm liệm sao mà chua chát quá. Ngày ông nội qua đời, Quyền đã tự tay lo từ A đến Z, thi hài để 7 ngày nhưng không bị bốc mùi, nước chảy… Từ đó, cái nghiệp khâm liệm trở thành “cần câu cơm” để Quyền nuôi sống gia đình.

“Kỹ thuật làm thì có muôn hình muôn vẻ, tất cả những cách thức, động tác trong quá trình khâm liệm người chết là do ông nội truyền lại, còn sách vở ở đâu tôi không biết” - ông Quyền nói.

 Công phu, tỉ mẩn

Người Huế có quan niệm “sống nhờ cái nạc, chết nhờ cái xương”, phong tục để lâu ngày mới mai táng đã có từ thời xa xưa, được duy trì đến ngày nay. Hiện mỗi làng ở Thừa Thiên - Huế đều có 1 đến 2 người biết làm nghề khâm liệm nhưng ở TP Huế thì có những đội chuyên làm những việc này.

Người chết trước khi khâm liệm được đặt nằm ở một phòng riêng và đắp chiếu lên. Ông Quyền bảo người nhà mua rượu ngon hoặc cồn cùng hai chiếc khăn mới, lược… một bộ áo quan được may bằng lụa trắng hay đỏ.

Vào việc, ông cẩn thận chải tóc cho người chết, lau mặt, người sạch sẽ. Rồi ông dùng hai sợi dây vải, một sợi buộc ngang vai người chết, một sợi buộc hai ngón chân cái với nhau hoặc bàn chân.

Một chiếc quan tài của người Huế khi khâm liệm xong có trọng lượng trên 500kg

Quan tài đã được mở nắp và lau chùi thật sạch, ông liền dùng keo (gọi là keo con chó) dán ở phía trong các đường viền quan tài. Tiếp đến dùng nhựa cha phà (nhựa một loài được lấy từ rừng về) hòa với xăng quấy cho thật dẻo, quét các bề mặt phía trong quan tài xong thì dùng giấy hồng điều (còn gọi là điệp) dán phía trong.

Xong các bước này mới rải một lớp tro thật đều ở phía dưới đáy, tiếp đến là một lớp bột trầm hương và dùng tay là phẳng lì rồi nén thật chặt (nhà nghèo dùng đất sét phải nhồi dẻo thay cho bột trầm hương). Bước tiếp theo là đến tim bấc (giống như bông nhưng cuộn như bấc đèn và được xé ra lát đều) xong là đến một lớp đất sét. Đến giờ khâm liệm, ông dùng 2 tấm vải (gọi là võng) luồn qua mông và lưng thi hài. Lúc này, ông cần sáu người giúp.

Một người bưng đầu, một người bưng chân còn bốn người cầm tấm vải đưa thi hài vào quan tài, rồi đưa lên đặt xuống 3 lần (trai cũng như gái), gọi là hạ thổ. Khi thi hài được đưa vào, ông Quyền mở hai sợi dây vải buộc ở chân, tay ra.

Công đoạn chưa dừng lại đó mà phải tiến hành các khâu được lặp lại như trên, từ tro cho đến đất sét. Đến lúc xong thì dùng nhựa cha phà bôi lên gỗ nơi quan tài tiếp giáp với nắp quan và đóng nắp quan tài lại

 Mua ô tô, mở công ty mai táng

Hiện ở TP Huế, một lần khâm liệm có mức giá thấp nhất là 500 ngàn đồng/thi hài, còn những người chết vì bệnh hiểm nghèo, tai nạn… thì giá phải khác. Ông Quyền có một quy tắc: Khi hành nghề thì không được phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo, thi hài nào cũng khâm liệm đúng kỹ thuật và ai cũng giống như ai.

Bao nhiêu năm làm nghề, ông Quyền chưa một lần mở miệng ra giá lần nào trước khi khâm liệm. Xong việc, ông cùng cả đội ra về, người nhà trả bao nhiều thì ông lấy và chia ra cho anh em chứ không bận tâm chuyện được nhiều hay ít.

“Có nhiều gia đình khổ lắm, tiền mua quan tài chưa đủ nói gì có tiền trả, biết là thế nhưng tôi cũng gọi anh em đi làm, sau đó tôi lấy tiền túi ra trả. Cũng có nhiều gia đình giàu có khi xong việc, họ thưởng thì chúng tôi nhận”, ông Quyền chia sẻ.

 Sau 15 năm hành nghề khâm liệm, ông Quyền mua được 3 xe ô tô phục vụ mai táng và nay thành lập một Công ty dịch vụ mai táng có tên là Hiền Đức. Công ty của ông có đủ dịch vụ từ A đến Z phục vụ trong mỗi đám tang.

Ở khu phố ông sinh sống, mỗi khi có người chết, dù người nhà chưa cần gọi, ông đã chạy tới khâm liệm. Hàng trăm thi hài trong khối phố do chính tay ông khâm liệm nhưng chưa một lần ông đòi hỏi tiền bạc. Gia chủ có người biếu ông quả chuối, gói kẹo thì ông lấy, còn tiền bạc thì ông kiên quyết từ chối.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật