Tiết canh sống vẫn “chống lệnh“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi dịch tiêu chảy cấp ngày càng lan rộng, tiết canh sống vẫn được bày bán công khai, bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng.
Tiết canh sống vẫn “chống lệnh“
tiết canh sống vẫn 'chống lệnh'.

Đây không phải là lần đầu tiên tiết canh sống bị “chỉ mặt” là món ăn dễ gây tiêu chảy cấp và nhiều thứ bệnh nguy hiểm khác. Năm 2005, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định cấm kinh doanh mặt hàng này, nhưng lệnh cấm chỉ tồn tại trên…giấy.

Vô tư bày bán công khai

Tại Hà Nội, 8h ngày 23/5, chúng tôi đến quán cháo lòng, tiết canh trên phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy. Tại đây có rất đông thực khách và các bát tiết canh vẫn bày la liệt, không được che đậy. Không chút giấu giếm, bà chủ quán cho biết: “Ngày nào tôi cũng bán được 20 - 30 bát mà có ai mắc bệnh đâu”. Giá mỗi bát tiết canh là 6.000 đồng, ăn kèm với rau sống (cũng được cơ quan y tế khuyến cáo không nên sử dụng).

Tại quán ngan vịt nổi tiếng K.N trên phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, vẫn bày bán tiết canh ngan. Hỏi đến quy định cấm bán tiết canh động vật, người chủ quán chép miệng: “Người ta cứ đổ tội cho ăn tiết canh mắc bệnh tiêu chảy, làm gì có chuyện đó. Nhà tôi bán bao nhiêu năm nay rồi, khách ăn cũng đông nhưng có sao đâu và cũng chưa bao giờ bị cơ quan chức năng nhắc nhở”.

Ở TP HCM, theo ghi nhận, tại khu vực nội thành như các quận 1, 3, 5, 10, nhiều người dân nói “không” với tiết canh; nhiều điểm bán tiết canh tạm thời ngưng hoạt động. Tuy nhiên, ở một số nơi khác, tiết canh vẫn được bán công khai.

Trưa 23/5, chúng tôi đến quán C.S, một quán tiết canh nổi tiếng trên đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Chủ quán vẫn thản nhiên giới thiệu: “tiết canh ở đây là ngon nhất, đặc biệt là món…tiết canh vịt trời”. Dọc tuyến đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, có ít nhất ba quán tiết canh đang hoạt động. Chúng tôi vào quán V.S, chuyên bán cháo lòng và tiết canh trên tuyến đường này, có ba thực khách đang ngồi nhậu rượu đế với đĩa tiết canh heo. “Ăn tiết canh không sợ lây bệnh tiêu chảy cấp sao?”. “Sống chết có số. Tụi này ăn hoài có sao đâu?”, một thanh niên cởi trần trả lời. Còn chủ quán dửng dưng: “Chưa nghe có lệnh cấm”.

Lệnh cấm mới chỉ …trên giấy?

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định, quy định cấm bán tiết canh trên địa bàn thành phố có từ năm 2005. Cửa hàng nào cố tình bán tiết canh sẽ bị xử phạt theo Nghị định 45 quy định thức ăn đường phố.

Tuy nhiên, như những thông tin nêu trên, lệnh cấm này của UBND thành phố mới chỉ có hiệu lực…trên giấy. Ông Cường cho biết theo phân cấp, việc kinh doanh thức ăn đường phố thuộc sự quản lý của phòng Y tế và UBND các phường. Các đơn vị này phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các vi phạm của chủ cửa hàng. Sở Y tế sẽ thanh tra, kiểm tra và đôn đốc công tác này tại các quận,huyện, xã,phường.

Tuy nhiên, theo ông Cường, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Mỗi người dân phải tự biết bảo vệ sức khỏe của chính mình, không ăn những thực phẩm mất vệ sinh và có nguy cơ nhiễm bệnh cao như tiết canh. Bởi bên cạnh việc chế biến mất vệ sinh, không ai có thể đảm bảo tiết canh được làm từ những động vật  không mang bệnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật