Loạn kinh doanh thực phẩm sạch

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước thực trạng thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan, các cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm sạch mọc ra như nấm sau mưa. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc quản lý vẫn còn khá lỏng lẻo khiến việc kinh doanh mặt hàng này đang bị lợi dụng.
Loạn kinh doanh thực phẩm sạch
Nhiều người tiêu dùng quan niệm rau quê mới là rau sạch

Cứ sạch là đắt

Chỉ cần được gắn mác “sạch” là mặc nhiên mặt hàng đó có giá cao hơn 30-40%, thậm chí gấp đôi, gấp 3 so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Như các loại rau củ sạch bán trong siêu thị, cửa hàng rau an toàn đắt hơn rau trên thị trường khoảng 30-40%, ví dụ rau mồng tơi sạch có giá 18.000 - 20.000 đồng/mớ, rau muống 18.000 - 20.000 đồng/mớ, cải ngọt 20.000 đồng/kg... Trứng sạch cũng đắt hơn trứng bán trên thị trường từ 7.000 - 10.000 đồng/chục, gạo sạch đắt hơn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đắt hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg...

Theo chị Tâm, một người kinh doanh rau sạch ở Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, người sản xuất, nuôi trồng ra thực phẩm sạch cũng phải được huấn luyện, đào tạo qua các lớp tập huấn do các cơ quan có thẩm quyền mở; phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất. Kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo đủ các điều kiện về địa điểm kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có hợp đồng cung ứng với cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, sản phẩm sạch phải có bao bì, nhãn mác và niêm phong theo quy định... “Do phải đáp ứng nhiều điều kiện, từ sản xuất đến kinh doanh nên thực phẩm sạch có giá bán đắt hơn thực phẩm thông thường” - chị Tâm nói.

Sạch, bẩn lẫn lộn

Thế nhưng, thống kê từ Sở NN&PTNT Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ rau xanh của người dân Hà Nội vào khoảng 2.600 tấn/ngày, trong khi đó, sản lượng thu hoạch từ 3.800ha rau an toàn (RAT) của TP Hà Nội chỉ đạt khoảng 70 tấn/ngày. Còn viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, diện tích lúa canh tác theo tiêu chuẩn dựa vào chu trình canh tác, thu hoạch, để có nguồn gạo sạch như tiêu chuẩn của VietGAP, GlobalGAP, Organic chỉ có khoảng 20.000ha, cung cấp 120.000 tấn lúa, tương đương với 60.000 tấn gạo/năm.

Cung ít, cầu nhiều, nên việc trà trộn thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, giả mạo thành thực phẩm sạch, hay tự gắn nhãn “sạch” cho thực phẩm chưa sạch để đội giá, kiếm lời, vẫn là một thực tế đang xảy ra. “Đúng là có hiện tượng trà trộn hàng chưa sạch vào hàng sạch để tăng lợi nhuận, cái này người tiêu dùng khó nhận biết” - chị Tâm phản ánh. Ông Nguyễn Thành Lưu - Giám đốc Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội cũng nhận định, thị trường thực phẩm sạch hiện vẫn có nhiều bất cập, lẫn lộn thật giả.

Theo ông Nguyễn Hồng Anh - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Hà Nội, trách nhiệm kiểm tra, quản lý kinh doanh thực phẩm sạch là của ngành Nông nghiệp, Công thương, Y tế... Tuy nhiên, việc phát hiện vi phạm trong kinh doanh thực phẩm sạch không dễ, bởi hàng hóa được luân chuyển trong ngày, trong khi muốn kết luận thực phẩm có sạch hay không phải trải qua quá trình kiểm nghiệm khoa học. “Để có được thực phẩm sạch, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong lựa chọn hàng hóa. Theo quy định, thực phẩm an toàn phải được dán tem an toàn, ghi mã số của cơ sở sản xuất, công khai giá cả. Nếu không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn trên sản phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nghi ngờ tính trung thực của sản phẩm” - ông Nguyễn Hồng Anh khuyến cáo. Còn theo ông Nguyễn Thành Lưu, người tiêu dùng muốn mua thực phẩm sạch, phải lựa chọn các nhà cung cấp, các siêu thị có uy tín.

Tuy nhiên, theo chị Tâm, người tiêu dùng không thể đủ thông thái để lựa chọn được 100% thực phẩm sạch, do đó họ rất mong có sự quan tâm của các ban, ngành để thị trường thực phẩm sạch thực sự an toàn đối với người sử dụng.

"Người tiêu dùng có quyền được an toàn và được thông tin về sản phẩm. Nếu doanh nghiệp cứ gian lận, trước sau cũng bị người tiêu dùng tẩy chay, thậm chí tố cáo trước Pháp Luật. Việc minh bạch hóa thông tin trên bao bì, nhãn mác sản phẩm, nhất là công bố đúng chỉ tiêu chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thể hiện sự cầu thị của doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ thương hiệu”.

Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng giám đốc TH True Milk

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật