Thuận tay phải, làm việc tay trái
Ở đất Móng Cái, nhiều người biết ông Hoàng Ngọc Tuyền không chỉ bởi ông là chủ khu thi đấu thể thao ở km9, xã Hải Đông, mà còn là một vận động viên ít có đối thủ. Sinh năm 1963, vóc dáng cao to, ông Tuyền nổi tiếng trong làng bóng bàn và cờ tướng, từng thi đấu nhiều trận giao hữu và cũng giành được không ít giải thưởng. “Những năm gần đây, tôi thường ho, viêm họng và yếu đi nhiều. Có người mách tôi phải luyện hoạt động thật nhiều ở tay trái sẽ khỏi. Tôi đã tập mọi thứ bằng tay trái và thấy đúng là... có hiệu quả” - ông Tuyền cho biết.
Theo ông Tuyền, lúc đầu, để luyện cầm đũa, cầm bút, chơi cờ tướng, đánh bóng bàn... bằng tay trái rất ngượng, nhưng kiên trì tập thì lâu dần, tay trái cũng đã thành thạo một số việc. Hoàng Ngọc Lâm - con trai ông Tuyền cho biết: “Cháu thừa hưởng sở thích chơi bóng bàn của bố, cũng từng đoạt giải Ba toàn quốc, nhưng khi thi đấu với bố, chỉ cần đánh tay trái bố cháu vẫn thắng dễ dàng”.
Không chỉ “dị” ở môn bóng bàn, nhiều sở trường khác của ông Tuyền cũng khiến nhiều người ngạc nhiên đến khó tin. Hàng ngày, ông ăn rất khoẻ, nhất là bữa sáng, người ta ăn 1 tô phở thì ông có thể ăn 3 - 4 tô. Còn làm việc, ông cũng làm gấp nhiều lần những người bình thường, cả lao động chân tay lẫn trí óc.
“Khi còn bé, tôi đã có trí nhớ hơn hẳn những người bình thường khác. Hồi lớp 3, tôi thấy có cuốn sách lớp 6 của các anh chị lớp trên liền cầm lên đọc và khi gập sách lại đã có thể nhớ gần hết nội dung” - ông Tuyền cho biết. Nhờ có trí nhớ tốt, ông cũng chơi môn cờ tướng rất giỏi. Nếu gặp phải đối thủ mạnh, bị thua một ván cờ thì tối hôm đó về ngủ, ông thường lục lại trí nhớ tất cả những nước đi trên bàn cờ và nghĩ ra được vì sao bị thua. Do đó, khi gặp lại đối thủ, ông đều chiến thắng thuyết phục.
Những sở trường của ông Tuyền kể như trên đã có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng phải tới khi ngồi nói chuyện với ông, tôi mới phát hiện ra người đàn ông này còn rất nhiều điều “lạ” khác. Ông Tuyền tâm sự: “Từ lâu rồi, tôi chỉ ngủ đến 2 giờ, cùng lắm là 3 giờ sáng. Không hiểu sao, lúc người ta ngủ say nhất thì tôi lại thấy tỉnh táo nhất nên thường dậy làm việc, đọc sách, báo, tiểu thuyết, cũng như nhiều thể loại thơ khác nhau. Đặc biệt là Truyện Kiều, hiện tôi thuộc gần hết…”.
“Ném” hơn 100 tỷ vào vùng đất hoang
Mấy năm nay, cứ mỗi buổi sáng, công nhân ở đầm tôm Hải Hoà (TP.Móng Cái) lại thấy ông Tuyền đi bộ 2 vòng quanh đầm tôm, tương đương hơn 10km để kiểm tra từng ao tôm. Chỉ những thay đổi dù nhỏ nhất như màu nước dưới ao nuôi, ông cũng chỉ đạo công nhân phải điều chỉnh ngay. Với nhiều vấn đề phức tạp, đích thân ông Tuyền nhảy xuống ao để “bắt mạch”, khám bệnh cho tôm.
“Ở đầm hiện có hơn 60 công nhân, cộng với ngoài đảo hơn 40 công nhân, nhưng toàn bộ kỹ thuật nuôi tôm đều do một mình ông Tuyền đảm nhận chứ không hề có kỹ sư nào. Trước đây, ông cũng đã từng thuê một số kỹ sư về làm việc, nhưng các phương pháp của họ không thành công, thế nên ông Tuyền tự mình mày mò làm, lâu dần đúc rút được nhiều kinh nghiệm” - anh Hoàng Văn Tùng, một công nhân cho biết.
Năm 2012, ông Tuyền thu 200 tấn tôm, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng, dự kiến năm nay cũng ở mức tương đương. Ngoài đầm nuôi tôm tại khu Hải Hoà, ông Tuyền còn đầu tư gần 30ha nuôi tôm ở đảo Vĩnh Trung, thuộc xã Vĩnh Trung và đang mở rộng vào một số tỉnh phía Nam.
Ông Tuyền kể, trước đây, ông là chủ doanh nghiệp chuyên buôn bán, kinh doanh các loại hải sản, từng đi khắp các tỉnh phía Nam để thu mua đồ biển của người dân rồi vận chuyển xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau nhiều năm làm nghề, ông cũng tích lũy được một số vốn kha khá. Thấy Tổng đội Thanh niên xung phong Đông Bắc (Tỉnh đoàn Quảng Ninh) có diện tích đầm hơn 60ha, chủ yếu nuôi tôm, cá quảng canh, ông đã đặt vấn đề hợp tác liên doanh đầu tư nuôi tôm.
“Năm 2006, tôi bán hết tài sản của công ty với hơn 30 đầu xe ô tô, hơn 20 miếng đất và một số nhà cửa ở TP.Hà Nội, Hạ Long, Móng Cái với tổng tài sản khoảng hơn 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đầm nuôi tôm. Nhiều người bảo, với số tiền ấy, nếu gửi lãi ngân hàng thì chẳng phải làm gì cũng ung dung sống cả đời, tự nhiên lại ném tiền xuống cái đầm hoang biết bao giờ mới lấy lại được…” - ông Tuyền nói.
Trong suốt những năm đầu chân ướt chân ráo bước vào nghề nuôi tôm, ông Tuyền đều thất bại do chưa có kinh nghiệm, tôm thường xuyên bị chết nên càng nuôi nhiều càng lỗ. Tuy nhiên, ông Tuyền vẫn quyết tâm, không chịu đầu hàng trước khó khăn.
Qua mấy lần thuê kỹ sư giỏi, mất nhiều tiền mà đầm tôm vẫn không đem lại thành công, cuối cùng ông Tuyền tự tay thử nghiệm và qua 5 năm, ông đã đúc rút ra một số kinh nghiệm có thể coi là chân lý trong nghề: Muốn tôm không chết, đáy ao phải luôn sạch, bởi đáy ao chính là nơi sinh ra dịch bệnh.
“Sau mỗi vụ nuôi, tôi chỉ đạo công nhân phải hút nước thật kiệt và phơi nắng 1 tuần cho khô đáy ao, sau đó sử dụng các loại thuốc vi sinh diệt khuẩn trước khi thả lứa mới. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt công tác vệ sinh phòng bệnh và tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh, chỉ dùng các chế phẩm sinh học nên vụ tôm vừa qua, dù trên địa bàn tôm của nhiều hộ bị chết, nhưng tôm trong đầm của tôi vẫn khỏe mạnh, lớn nhanh” – ông Tuyền cho hay.
Vào mùa đông, ở miền Bắc rất ít người dám nuôi tôm, có nuôi cũng thường thất bại, nhưng ông Tuyền đã đầu tư làm mái che cho ao để chống rét. Năm 2012, hơn 10 ao nuôi vụ đông của ông đều mang lại thành công. Đặc biệt, theo ông Tuyền, giá tôm vụ đông bán vào dịp tết tăng gấp đôi nên nếu nuôi 10 ao, chỉ cần 2 ao thành công đã đủ gỡ vốn, trong khi tỷ lệ thành công của ông đạt trên 80% nên lãi to.
Từ năm 2012 đến nay, đầm tôm của ông Tuyền liên tục gặt hái thành công, đạt tỷ lệ trên 70% và năm 2013, dù chưa thu hoạch hết nhưng dự kiến cũng thắng lợi trên 80%. Cứ đà này, chỉ khoảng 3 năm nữa ông Tuyền có thể thu hồi lại vốn và bắt đầu có lợi nhuận. “Cái mà tôi tâm đắc hơn cả là đầm tôm của mình đã giải quyết công ăn việc làm cho những anh em chiến hữu ở công ty trước đây, giờ đều đã hơn 40 tuổi. Từ đi lùng sục khắp nơi thu mua tôm, cá, giờ họ trở thành những người sản xuất ra con tôm cùng với tôi” - ông Tuyền nói.