Hai năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến hàng loạt thương hiệu xe điện mới gia nhập. Trong khi đó, VinFast đã bàn giao thêm hơn 20.000 xe điện trong 6 tháng đầu năm và tiếp tục nhận hàng chục ngàn đơn hàng mua ô tô điện mini VF3. Cùng với sự tăng trưởng "nóng" của thị trường xe điện, lĩnh vực đầu tư hạ tầng trạm sạc đang thu hút nhiều doanh nghiệp lẫn cá nhân tham gia.
Thu hồi vốn nhanh
Ông Lương Vũ hiện vận hành 2 trạm sạc xe điện tại quận 10 và quận 8, TP HCM. Ông đang có kế hoạch mở thêm một số điểm sạc tại các quận, huyện khác cũng trên địa bàn thành phố.
Ông Vũ cho biết lượng xe điện lưu thông tại TP HCM đang tăng nhanh, nhiều người có nhu cầu sạc điện nên đầu tư trạm sạc có khả năng thu hồi vốn khá nhanh. Trạm sạc của ông ở quận 8 được đầu tư xây dựng vào tháng 8-2023, sử dụng thiết bị tiêu chuẩn châu Âu, chi phí mỗi trụ hơn 400 triệu đồng. Hai tháng đầu, mỗi ngày trạm này thu được khoảng 1 triệu đồng; từ tháng thứ 3 trở đi đã tăng vọt lên hơn 2 triệu đồng/ngày và lúc nào cũng có khách chờ sạc điện cho xe.
"Mỗi tháng, trạm sạc thu khoảng 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn 20 triệu đồng, một năm được hơn 200 triệu đồng và sau khoảng 2 năm sẽ thu hồi được vốn đầu tư" - ông Vũ tính toán.
Trước nhu cầu của thị trường đối với lĩnh vực mới mẻ này ngày càng tăng, ông Vũ quyết định đầu tư thêm trụ sạc của Trung Quốc, giá chỉ 120 triệu đồng/trụ. Trạm sạc ở quận 10 của ông với 4 trụ sạc cũng dùng thiết bị của Trung Quốc, giúp thời gian thu hồi vốn sẽ rút ngắn đáng kể.
Anh Võ Trọng Nghĩa (ngụ Tây Ninh) đầu tư hơn 3 tỉ đồng xây dựng trạm sạc với 4 trụ và 8 đầu sạc gần khu vực Bến xe Tây Ninh, tự tin có thể thu hồi vốn trong vòng 4 năm. Anh dự đoán trong 1-2 năm nữa, trạm sạc tư nhân sẽ được mở ra khá nhiều vì chi phí đầu tư trụ sạc giảm nhanh.
"Nếu giá mỗi trụ sạc giảm còn dưới 100 triệu đồng sẽ khuyến khích nhiều người nhảy vào đầu tư. Lúc đó, dịch vụ sạc xe điện sẽ rơi vào cảnh cạnh tranh sống còn. Ai đầu tư trước sẽ có lợi thế về khách hàng cũng như cơ bản đã thu hồi được vốn nên không phải quá lo lắng" - anh nhận xét.
Đầu tư thêm hệ sinh thái
Theo ông Nguyễn Văn Long (ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), nhà ông đã có 3 ô tô điện chạy dịch vụ. Vì vậy, ông quyết định đầu tư luôn trạm sạc với 3 trụ (chi phí riêng 3 trụ sạc khoảng 600 triệu đồng). Trạm này vừa sạc cho xe nhà vừa sạc dịch vụ bên ngoài, mỗi tháng thu được khoảng 30 triệu đồng. Từ khi nhà có trạm sạc, các xe của ông bớt đi gánh nặng phải tìm trụ sạc cũng như thời gian chờ đợi.
Ông Long tiết lộ kinh nghiệm khi đầu tư trạm sạc: Phải tìm hiểu kỹ khu vực có ý định đặt trạm xem đã có nhiều trụ sạc chưa, có người nào dự tính đầu tư ở đó hay không... "Nếu khu vực đó đã có trạm sạc thì nên suy nghĩ lại, vì thời gian tìm khách hàng sẽ kéo dài. Ngoài ra, cần phải tính đến các yếu tố như khu vực định mở trạm sạc có được ngành điện chấp thuận cho hạ thế để cung cấp điện cho trụ sạc hay không" - ông Long góp ý.
Hiện nay, nhiều hệ thống trạm sạc có quy mô hàng chục đến vài trăm trụ. Giá sạc hiện khá cao, 7.900 đồng/kWh với trụ sạc chậm và 9.900 đồng/kWh với trụ sạc nhanh. Một số hệ thống tính giá sạc theo nhiều mức khác nhau, như giờ thấp điểm là 2.980 đồng/kWh, giờ bình thường 3.650 đồng/kWh và giờ cao điểm 5.950 đồng/kWh. Riêng hệ thống trạm sạc của VinFast có mức giá 3.858 đồng/kWh.
Ông Lương Vũ nhận xét: "Lợi thế của những trạm sạc tư nhân là giá rất cạnh tranh, khoảng 3.500 đồng/kWh. Nếu vào khung giờ thấp điểm, giá điện lưới khoảng 2.000 đồng/kWh thì chủ đầu tư lãi khoảng 1.500 đồng/kWh. Trung bình, với mỗi xe sạc 40 kWh điện, chủ đầu tư kiếm được 60.000 đồng".
Theo ông Vũ, để tránh rủi ro khi thu không đủ bù chi, nhà đầu tư nên có phương án xây dựng hệ sinh thái xoay quanh trạm sạc. Đó là những dịch vụ giữ xe, rửa xe, sửa chữa - chăm sóc xe, kể cả dịch ăn uống, nghỉ ngơi cho tài xế. Với đầy đủ hệ sinh thái kèm theo, trạm sạc sẽ thu hút các bác tài mang xe đến thường xuyên, chủ đầu tư cũng sẽ thu hồi vốn nhanh hơn.