Cuộc sống người dân bị ô nhiễm vì bụi và tiếng ồn
Cơ sở sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng của ông Hoàng Minh Thắng nằm trên mặt tiền Quốc lộ 14E và lọt thỏm giữa khu dân cư thuộc tổ 13, thôn Quý Xuân, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nhà xưởng được làm bằng khung sắt áp tôn, mái lợp tôn, trông thiếu kiên cố. Bên trong khu vực sản xuất là hàng chục thiết bị máy móc hoạt động liên tục, vật liệu tập kết nằm lăn lóc kín các lối đi.
Hàng rào được làm rất thô sơ, một số vật liệu tràn ra ngoài phạm vi xưởng sản xuất. Đứng từ ngoài cổng nhìn vào rất dễ dàng thấy nước thải có màu trắng chảy ra ngoài đường, đóng thành từng lớp. Mỗi khi có phương tiện xe đi qua sẽ tạo thành từng luồng bụi bay lên.
Sống gần xưởng sản xuất, ông Nguyễn Văn Á cho biết cơ sở hoạt động được tầm khoảng 3 năm. Các vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến người dân là bụi bột đá quá nhiều, tiếng ồn liên tục và nước thải chảy ra bên ngoài.
Quá trình từ nhập nguyên liệu cho đến lúc ra thành phẩm đều xuất hiện bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến cả một vùng dân cư. Ông Á dẫn chứng gia đình đã phải đóng cửa nhà, dừng hoạt động kinh doanh buôn bán và di chuyển ra phía sau sinh sống.
“Cây cối hai bên đường và tường rào nhà người dân đều phủ bụi, chưa kể bàn ghế và tủ giường đều phủ bụi. Quán không thể quét được vì bụi nên chỉ có thể dùng nước chà. Nó thay đổi cả sự bình yên của khu dân cư, chưa kể mất thu nhập khi không thể kinh doanh” – ông Ái chia sẻ.
Nhà cạnh cơ sở sản xuất nên bà Huỳnh Thị Lượng cảm nhận được sự khốn khổ. Theo bà, bụi bám trên bàn có thể viết thành chữ, chưa kể ngứa ngủ không được. Ban đêm cơ sở vẫn làm rầm rầm không thể nào chợp mắt. Dân ở đây gần như cam chịu, một số người phải bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Một số biện pháp như rào lưới nhưng khá đơn giản và không có hiệu quả.
“Cô lớn tuổi nên chết cũng không quá lo lắng. Nhưng thương nhất trẻ con hít phải loại bụi bột đá trắng mịn rất nguy hiểm. Một khi đã ghim vô phổi rất tội nghiệp” – bà Lượng nói.
TCơ sở sản xuất có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể một số dụng cụ, vật liệu, nước thải… được đơn vị mặc nhiên xả ra bên ngoài rất mất mỹ quan.
Nhà đối diện với cơ sở gây ô nhiễm, ông Đặng Văn Hùng đánh giá vấn đề đáng lo ngại và cần giải quyết ngay chính là bụi bột đá. Chưa kể sản xuất các vật liệu rời có hóa chất cũng ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Còn liên quan đến một số vấn đề khác hoàn toàn có cơ sở để tháo gỡ.
“Chủ cơ sở là người con địa phương nên chúng tôi rất ủng hộ và tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh. Nhưng dân cư ở đây quá đông đúc, mà sản xuất liên tục thì rất khó chấp nhận. Biện pháp tối ưu nhất là cơ sở sản xuất nên di dời ra khỏi khu dân cư. Đó là phương án tốt cho cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Ví dụ địa điểm này dùng để trưng bày sản phẩm thì có thể chấp nhận được” – ông Hùng chia sẻ.
Chính quyền đã kiểm tra, nhưng chưa giải quyết dứt điểm
Để nắm rõ tình hình, phóng viên đã tìm đến nhà ông Trần Phú – Trưởng thôn Quý Xuân. Ông cho biết đã nắm tình hình và có kiến nghị với chính quyền UBND xã Bình Quý. Thời gian qua đã tổ chức kiểm tra, khắc phục trước những phản ánh của người dân.
Người dân phải đóng cửa nhà và không thể sinh hoạt khi bụi bám vào hàng rào, cây xanh cũng như thiết bị sinh hoạt thường ngày.
Theo ông Phú, nếu cơ sở sản xuất chưa khắc phục thì thôn sẽ tiếp tục nhắc nhở cũng như phối hợp với UBND xã để có hướng giải quyết. Góc độ của thôn chỉ nắm thông tin và báo cáo, không có thẩm quyền xử lý các vấn đề trên.
Theo tìm hiểu, UBND xã Bình Quý đã thành lập đoàn để đi kiểm tra đối với cơ sở sản xuất của ông Hoàng Minh Thắng vào ngày 8/4 vừa qua. Đoàn công tác đã xác định một số tồn đọng và yêu cầu đơn vị khắc phục như chất thải rắn tập kết không đúng nơi quy định, nước thải chưa được thu gom, phát sinh bụi từ nhà máy, thu gom phân loại rác thải…
UBND xã Bình Quý cũng yêu cầu đơn vị hoàn thành và báo cáo trước ngày 30/4/2024. Trường hợp cơ sở sản xuất không chấp hành sẽ có báo cáo kiến nghị đến UBND huyện để xử lý theo quy định của Pháp Luật.
Rõ ràng cơ sở sản xuất vẫn còn rất nhiều tồn đọng cần được chính quyền địa phương kiểm tra và đưa ra hướng giải quyết sớm nhất.
Ông Đặng Tấn Dục – Chủ tịch UBND xã Bình Quý cho biết tính đến thời điểm hiện tại cơ sở sản xuất vẫn chưa có bất kỳ báo cáo nào về việc khắc phục các kiến nghị trên. Chính quyền địa phương sẽ cho kiểm tra lại cũng như có thêm những kiến nghị đối với các phòng ban của UBND huyện Thăng Bình.
Cũng theo ông Dục, một số vấn đề liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn, nước thải ra môi trường hay bụi cần phải có đơn vị chuyên môn lấy mẫu và phân tích. Từ những cơ sở khoa học sẽ đưa ra những kiến nghị tiếp theo, thậm chí yêu cầu cơ sở di dời ra khỏi khu dân cư.