Cuối tháng 5, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt chia sẻ của phụ huynh về việc con thi toàn điểm 9, 10 nhưng lại không được khen thưởng danh hiệu học sinh xuất sắc.
Lý do là ở các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm... học sinh chỉ được đánh giá "Hoàn thành" thay vì "Hoàn thành tốt".
Coi trọng đánh giá quá trình
Trao đổi với Tri thức - Znews, ông Thái Văn Tài cho biết năm 2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 27/2020 quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Điểm khác biệt so với cách đánh giá trước đây là việc đánh giá được điều chỉnh theo hướng giảm cho điểm, tăng cường nhận xét, coi trọng đánh giá quá trình để theo dõi sát sao, hỗ trợ, khích lệ học sinh tiến bộ so với bản thân các em.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc đánh giá quá trình rất quan trọng. Giáo viên có nhiều cách để đánh giá học sinh và sẽ là người hiểu nhất về năng lực, sự tiến bộ của học sinh.
Việc đánh giá quá trình cũng được giáo viên ghi lại trong hồ sơ của học sinh. Việc này không chỉ nhằm tổng kết, xác định danh hiệu của học sinh cuối năm mà còn là cơ sở để bàn giao giữa giáo viên các lớp trong việc tiếp tục hỗ trợ, theo sát học sinh ở các lớp học trên.
Về việc học sinh được điểm 9, 10 nhưng không được khen thưởng, ông Tài nhận định một học sinh có thể có lý do nào đó mà làm bài kiểm tra định kỳ cuối năm không tốt.
Tuy nhiên, giáo viên thấy kết quả quá trình của học sinh có sự chênh lệch so với kết quả bài kiểm tra định kỳ hoàn toàn có quyền đề đạt với người phụ trách ở trường để cho học sinh kiểm tra lại.
Việc xếp mức độ hoàn thành của học sinh cuối năm cũng dựa trên cả kết quả kiểm tra định kỳ và quá trình. Đây là cách đánh giá chính xác hơn, cũng giảm áp lực đối với trẻ so với cách đánh giá nặng về điểm số.
Bài viết bày tỏ sự bức xúc của phụ huynh trên mạng xã hội.
Ngoài ra, một năng lực có thể sẽ thể hiện chủ yếu ở một môn học nhưng vẫn liên quan tới các môn học khác. Vì thế, tư duy môn chính, môn phụ cần phải thay đổi.
Việc đổi mới đánh giá với học sinh bậc tiểu học được xây dựng theo hướng giảm bớt cho điểm, tăng cường nhận xét quá trình. Vì thế, sẽ có những môn học có bài kiểm tra cho điểm định kỳ và có môn chỉ nhận xét.
Ví dụ ở lớp 1, chỉ có Tiếng Việt, Toán có bài kiểm tra định kỳ cho điểm số, lên các lớp cao hơn, có thêm một số môn học khác.
Các môn được cho điểm là những môn học công cụ để học sinh sử dụng vào các lớp học sau này, những môn có hàm lượng khoa học cao.
Còn các môn học chỉ đánh giá bằng nhận xét là các môn học mang tính đặc thù, với mục đích giúp học sinh trải nghiệm kiến thức, nhưng không phải vì không cho điểm thì là môn phụ.
Tuy nhiên, một số phụ huynh lập luận các môn đặc thù như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục…, chỉ những học sinh có năng khiếu mới hoàn thành tốt được. Quy định “Hoàn thành tốt” những môn này mới đạt học sinh xuất sắc đang là yêu cầu quá cao đối với học sinh đại trà.
Ông Tài nhấn mạnh tại chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn đặc thù không phải để rèn học sinh làm theo như trước đây hay luyện cho học sinh có năng khiếu mà giúp học sinh có hiểu biết, cảm thụ nghệ thuật để bồi đắp cảm xúc lành mạnh cho các em.
Ví dụ ở môn Âm nhạc, một học sinh có giọng hát hay chưa chắc đã đạt hoàn thành tốt vì môn học yêu cầu học sinh có những hiểu biết cơ bản, hướng tới hình thành cảm xúc, khả năng cảm thụ âm nhạc.
Tương tự ở môn Giáo dục thể chất, học sinh không phải chỉ bắt chước theo mẫu, mà học để hiểu về nguyên tắc của vận động, hiểu thể trạng của bản thân, nền tảng tạo nên sức khỏe… Từ đó, học sinh có thể lựa chọn một loại vận động phù hợp.
"Yêu cầu cần đạt ở mỗi môn học, lớp học đều đã được cân nhắc phù hợp với tâm sinּh lּý lứa tuổi và phù hợp với học sinh đại trà, không phải là môn học chỉ dành cho học sinh có năng khiếu", ông Tài khẳng định.
Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học nhấn mạnh việc khen thưởng phải vì trẻ em, không phải vì người lớn. Ảnh: Hoàng Hà.
Khen thưởng phải vì đứa trẻ
Ông Tài cũng nhấn mạnh việc đánh giá, khen thưởng cần được làm vì đứa trẻ, làm sao để con trẻ được vui, được khích lệ chứ không phải khen để cha mẹ bức xúc, áp lực tiếp tục dồn lên đứa trẻ.
"Khi mục tiêu ’khen’ để phục vụ mong muốn, kỳ vọng của người lớn thì mãi mãi chúng ta không giải quyết được tình trạng gây áp lực lên chính đứa trẻ", ông Tài nhận định.
Cách đánh giá, khen ngợi cũng phải làm sao để không bỏ rơi những trường hợp đặc biệt. Ví dụ, một học sinh khuyết tật vẫn hoàn thành được yêu cầu học tập, có ý thức tốt rất đáng khích lệ, khen thưởng...
Bên cạnh đó, việc khen ngợi, khích lệ học sinh cũng không dồn vào cuối kỳ, cuối năm. Ngay trong quá trình dạy học, giáo viên kết hợp với hội cha mẹ học sinh cũng có thể chủ động thực hiện các hình thức khen thưởng, khích lệ.
Ông Tài cũng thông tin trên thực tế, ngoài đánh giá của giáo viên, nhiều nhà trường cho phép học sinh tự bình chọn để tuyên dương những học sinh có thành tích học tập, hoạt động tốt, có tiến bộ.
"Các nhà trường không chỉ tặng giấy khen cho học sinh xuất sắc, học sinh giỏi mà có thể tặng giấy khen cho học sinh nổi bật ở một môn học, một hoạt động nào đó, hoặc có tiến bộ, vượt khó…", ông Tài nói.