Tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống còn 1,3% trong năm tài chính kế tiếp (bắt đầu từ tháng 4/2024), do đóng góp của nhu cầu bên ngoài suy yếu, trong khi tiêu dùng trong nước dự kiến sẽ phục hồi.
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát và hướng tới tài chính công bền vững. Đó là lý do khiến các tổ chức quốc tế bắt buộc phải điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của năm 2022. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo đạt 3,0%, thấp hơn mức tăng 3,5% năm 2022. Báo cáo Triển vọng kinh tế sơ bộ tháng 11/2023 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy tổ chức này đã điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm tăng trưởng toàn cầu năm 2023 so với dự báo trong tháng 9/2023, đạt 2,9%.
Cũng theo tổ chức này, tăng trưởng GDP của Nhật Bản dự báo năm 2023 đạt 1,7%, điều chỉnh giảm so với dự báo trong tháng 9/2023 là 0,1 điểm phần trăm. Một trong những nguyên nhân chính khiến OECD điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản năm 2023 là do trong năm 2023, xuất khẩu ròng của Nhật Bản giảm dần và các chính sách kinh tế vĩ mô bắt đầu được thắt chặt. Lạm phát giá tiêu dùng chung trong tháng 10/2023 tại Nhật Bản ở mức 3,3%, phản ánh giá năng lượng giảm và việc chính phủ mở rộng trợ cấp năng lượng (OECD, 2023). Tuy nhiên, nền kinh tế của đất nước này cũng đang được thúc đẩy tăng trưởng do du lịch trong nước tăng, sự phục hồi của ngành xuất khẩu ô tô và các chính sách phát triển kinh tế thích ứng hậu đại dịch Covid-19.
KHÁI QUÁT KINH TẾ NHẬT BẢN NĂM 2023
Trong suốt ba thập kỷ liên tiếp, nền kinh tế của Nhật Bản luôn ở trong trạng thái trì trệ do lãi suất âm, tăng trưởng và lạm phát thấp. Trong nửa đầu năm 2023, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ chi tiêu hộ gia đình và doanh nghiệp tăng lên nhưng vào quý 3 GDP thực tế đã giảm 0,5%, sự không chắc chắn và lạm phát cao đè nặng lên tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
Tại Nhật Bản, tình trạng giảm phát liên miên và tăng trưởng kinh tế trì trệ kéo dài khiến doanh nghiệp e ngại việc phải tăng lương vì làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí. So với ở Mỹ và châu Âu, tỷ lệ lạm phát Nhật Bản chưa phải là cao nhưng cũng đủ để khiến các hộ gia đình cảm thấy áp lực về chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, đầu tháng 10/2023, việc các doanh nghiệp Nhật Bản ồ ạt tăng lương đã phần nào cải thiện sức chi tiêu của các hộ gia đình và tạo điều kiện cần thiết để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Việc này góp phần đưa tỷ giá đồng yên của Nhật Bản hồi phục sau khi một thời gian dài giảm mạnh và giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tăng lương sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn.
Tăng lương đã tạo ra một sự dịch chuyển lớn về mô hình từ giảm phát sang lạm phát. Tuy nhiên, mức tăng lương ở Nhật Bản trong năm 2023 chưa bắt kịp với lạm phát và càng khiến nền kinh tế Nhật Bản đối mặt với nguy cơ trì trệ giữa lúc áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ ngày càng lớn. Khủng hoảng về tiền lương thực sự đã trở thành một trong những nguyên nhân làm mất thế cân bằng và ảnh hưởng tới kiểm soát lạm phát tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, già hóa dân số đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế trong những năm tới tại Nhật Bản và làm ảnh hưởng nhiều tới kinh tế của đất nước này. Hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động đã giảm xuống còn hơn 75 triệu người, thấp hơn 13,9% so với mức đỉnh thiết lập vào năm 1995. Số người từ 65 tuổi trở lên ở nước này chiếm 28,6% trong tổng dân số 126 triệu người, lên tới 36,03 triệu người, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay (vneconomy.vn). Với thực trạng dân số như hiện nay, áp lực tài chính ngày càng gia tăng, với mức tăng dự báo quốc gia về chi tiêu y tế, chăm sóc dài hạn và lương hưu vào khoảng 17 nghìn tỷ Yên (2,7% GDP) trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2024 đến năm 2040 (OECD, 2023).
Trong quý 4/2023, kinh tế Nhật Bản suy giảm một phần nguyên nhân do xuất khẩu chậm. Dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy xuất khẩu trong tháng 10 của nước này tăng 1,6% so với một năm trước đó nhưng chậm hơn mức tăng trong tháng 9 là 4,3%. Tính đến tháng 10/2023 ghi nhận 11 tháng liên tiếp xuất khẩu sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản bị giảm, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Vấn đề xuất khẩu của Nhật Bản giảm đã làm những nỗ lực của nước này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm phức tạp và làm ảnh hưởng đến sự phục hồi sau đại dịch
Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nội địa thấp. Nhu cầu bên ngoài yếu hơn dự kiến, bao gồm cả sự suy giảm mạnh hơn ở Trung Quốc, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và do căng thẳng địa chính trị, sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Cán cân thương mại của Nhật Bản tính đến tháng 10/2023 đạt mức thâm hụt là 662,5 tỷ yên (4,38 tỷ USD) (vietnamplus.vn).
Các báo cáo từ ngân hàng Trung ương cho biết, đồng Yên của Nhật Bản đang tiếp tục gặp áp lực. Tại phiên giao dịch ngày 14/11/2023, đồng USD có lúc được giao dịch ở mức 151,68 Yên đổi 1 USD. Nếu nước này để đến mức đồng Yên bị phá vỡ như năm 2022: 151,94 Yên đổi 1 USD, tỷ giá đồng USD so với đồng Yên sẽ xác lập mức cao mới trong 33 năm qua (vietnamplus.vn). Việc đồng Yên tiếp tục mất giá làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu, bao gồm cả du lịch nội địa.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản năm 2023 đã khởi sắc dù cho đồng Yên liên tục suy yếu và hoạt động sản xuất chưa hoàn toàn phục hồi. Các chỉ số chứng khoán chính của Nhật Bản đang duy trì ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và đầu tư nước ngoài tăng lên. Chốt phiên ngày 15/12/2023, chỉ số Nikkei 225 ở mức 32.970,55 điểm và chỉ số TOPIX đứng ở mức 2.332,28 điểm. Nhật Bản đã nỗ lực cải cách quản trị doanh nghiệp và đang thúc đẩy hoạt động trên thị trường vốn đầu tư tư nhân (PE). Các giao dịch lớn được thúc đẩy, giá trị giao dịch trên thị trường PE xấp xỉ 20 tỷ USD/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù có xuất phát điểm nhỏ hơn nhưng hoạt động giao dịch của các quỹ đầu tư tư nhân ở Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi so với mức giảm khoảng 40% ở châu Mỹ và 65% ở châu Âu (vietnamplus.vn).
Lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm vào cuối tháng 10/2023 đạt đỉnh khoảng 0,9%, đồng Yên mất giá mạnh, nhưng theo khảo sát của Ngân hàng Nhật Bản, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng và kế hoạch đầu tư của các công ty vẫn mạnh mẽ. Trong năm tài chính 2023, các công ty lớn dự kiến chi tiêu sẽ tăng 13,6% vốn danh nghĩa (OECD, 2023).
DỰ BÁO NĂM 2024
Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu sâu sát để cố gắng đưa ra các chính sách phát triển và những dữ liệu phù hợp nhằm đảm bảo sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay. Kinh tế Nhật Bản 2024 được dự đoán dựa trên những con số thống kê của các năm gần nhất cho thấy khả năng phục hồi của kinh tế trong nước vẫn còn khá chậm mặc dù đã có nhiều cải thiện hơn. Các khoản trợ cấp của chính phủ Nhật Bản để giảm bớt tác động của giá dầu nhiên liệu, điện và khí đốt thành phố tăng cao cũng được gia hạn cho đến tháng 4/2024, trong đó trợ cấp điện và khí đốt thành phố sẽ tiếp tục ở mức giảm từ tháng 5/2024. Việc hỗ trợ tài chính dự kiến sẽ giảm khi các biện pháp liên quan đến đại dịch kết thúc và trợ cấp giá giảm dần vào năm 2024 cũng như chấm dứt trợ cấp vào năm 2025.
Nhật Bản được OECD dự đoán tăng trưởng GDP thực tế là 1,0% vào năm 2024 và 1,2% vào năm 2025, chủ yếu do nhu cầu trong nước. Nếu các doanh nghiệp thực hiện tăng tiền lương mạnh hơn và cùng với gói kinh tế mới, hoạt động tiêu dùng tư nhân sẽ có khả năng tăng mạnh bởi hiện tại nhu cầu đang bị dồn nén. Quyết định của Chính phủ Nhật Bản trợ cấp cho đầu tư xanh và kỹ thuật số sẽ thúc đẩy đầu tư kinh doanh một khi các doanh nghiệp Nhật nhìn thấy được các cơ hội tăng trưởng về lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc Chính phủ chi đầu công vào các dự án quy mô lớn sẽ hỗ trợ tăng trưởng vào năm 2024...