Vợ chồng tôi đều làm công nhân, tổng thu nhập của cả 2 được khoảng 15 triệu mỗi tháng. Ngày chưa có con thì hàng tháng cũng dư được lương của 1 người. Nhưng từ ngày sinh liên tiếp 2 đứa con thì kinh tế gia đình thật sự khó khăn.
Tiền thuê phòng trọ và điện nước mỗi tháng hết 3 triệu, tiền ăn của cả gia đình hết 5 triệu, tiền đình đám khoảng 1 triệu, tiền biếu mẹ chăm sóc cháu 1 triệu, tiền sữa cho các con 1 triệu, tiền học 2 triệu, còn 2 triệu là tiền quần áo và phát sinh khác trong tháng. Để tiết kiệm tiền bỉm cho các con, ngay từ tháng đầu tiên mẹ đẻ tôi đã chịu khó dạy các cháu đi vệ sinh đúng giờ giấc.
Lúc đó vài người bạn tôi đến chơi bảo bà xi sớm thế sau này ảnh hưởng đến thận và cơ thể yếu ớt của bọn trẻ. Mẹ tôi đáp trả câu mà không ai nói được câu nào nữa:
“Ngày xưa không có bỉm, thế các anh các chị lớn lên có bị vẹo xương hay hỏng thận không?”.
Nhờ sự kiên trì của mẹ mà mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền bỉm. Để các cháu bớt phụ thuộc vào sữa, mẹ tôi cũng nghĩ cách chế biến nhiều món ngon cho bọn trẻ. Tuy mẹ không trực tiếp làm ra tiền nhưng từng việc làm của mẹ giúp chúng tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền. Tôi biết ơn từng việc làm của mẹ nhưng không biết khi nào mới báo đáp được nữa.
Các con càng lớn thì tiền học càng tốn kém, với đồng lương ít ỏi, vợ chồng tôi đau đầu nghĩ cách tiết kiệm. Thế mà tháng vừa rồi, tôi phát hiện bản thân dính bầu. Với gia đình khác đó là niềm vui hạnh phúc, còn với chúng tôi đó là cả 1 vấn đề.
Sinh 2 đứa con mà đã chật vật, nếu đứa nữa ra đời thì gia đình tôi sẽ sống sao đây. Mẹ tôi bảo:
“Con là trời cho, có duyên thì con mới đến với gia đình mình. Cứ đẻ ra rồi nuôi, có rau ăn rau, cháo ăn cháo, đói khổ có nhau, không thể bỏ con được mà tội”.
Chồng tôi buồn rầu nói:
“Năm nay vợ chồng con gần 40 tuổi rồi, sức khỏe ngày càng yếu, thu nhập sẽ giảm. Công ty dạo này ít việc những người lớn tuổi luôn có nguy cơ mất việc. Chúng con không biết mất việc rồi sẽ làm gì để kiếm tiền nuôi 2 con. Nếu sinh thêm đứa nữa thì con thật sự nuôi không được”.
Sinh 2 đứa con mà đã chật vật, nếu đứa nữa ra đời thì gia đình tôi sẽ sống sao đây. (Ảnh minh họa)
Tôi cũng nói hết nỗi lòng của mình:
“Phòng trọ nhỏ xíu mà chứa những 5 người, nếu thêm 1 đứa trẻ nữa sẽ ngột ngạt và phải chuyển qua phòng trọ lớn hơn. Thu nhập của bọn con hiện tại tháng nào hết tháng đó, lâu lâu dư giả được 1 triệu. Trong đầu con lúc nào cũng lo 1 thành viên xảy ra biến cố không biết lấy tiền đâu mà chi trả nữa. Bây giờ mà sinh đứa nữa thì sẽ kéo cả gia đình lụi bại theo, rồi những đứa lớn không được học hành đến nơi đến chốn”.
Trong lúc gia đình tôi đang phân vân, chưa biết giải quyết thế nào thì chị hàng xóm tên Yến biết chuyện đã qua thương lượng.
Gia đình chị Yến kinh tế rất khá nhưng vợ chồng con trai của chị cưới nhau 7 năm nay chưa thể có con. Nghe nói cả vợ chồng con trai chị ấy đều gặp vấn đề sinh sản nên chạy chữa khắp nơi mà chưa có tin vui.
Các con chị ấy quá mệt mỏi với việc chữa vô sinh nên đang muốn kiếm 1 đứa con nuôi để vui cửa vui nhà. Chị khuyên chúng tôi cứ để sinh, nếu không nuôi được thì để các con chị Yến nuôi giúp.
Chồng tôi mừng rỡ khi chị Yến đưa ra ý tưởng đó nhưng tôi thì sợ tái mặt. Đứa con đứt ruột sinh ra lại để người khác nuôi sao, là mẹ sao tôi có thể làm được. Rồi sau này con lớn lên sẽ nghĩ bố mẹ là người tệ bạc.
Nếu gặp gia đình tốt thì con được đối xử tốt thì tôi chẳng còn phải lo. Nhưng chẳng may họ rước con tôi về nhà, rồi vài năm sau các con của chị Yến sinh được con, khi đó họ sẽ đối xử ra sao với đứa con nuôi.
Càng nghĩ tôi càng thấy sợ, sợ không có tiền, sợ con sinh ra khổ,…Tôi không biết phải làm sao nữa?