Nhiều người đã bắt đầu xem Covid-19 như một loại bệnh truyền nhiễm thông thường, tương tự với cúm hay virus hợp bào hô hấp (RSV).
Tuy nhiên, đến năm thứ 5 kể từ khi dịch bệnh bùng phát, bí ẩn về căn bệnh này còn nằm ở những triệu chứng sau lây nhiễm, còn được biết đến với tên hội chứng Covid-19 kéo dài.
“Chúng ta đã biết nhiều về loại coronavirus đặc biệt này, nhưng điều đó không có nghĩa là đã hiểu rõ về ảnh hưởng lâu dài sau lây nhiễm”, Washington Post dẫn lời Francesca Beaudoin, Trưởng khoa dịch tễ học tại Đại học Brown, Mỹ, cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã định nghĩa tình trạng hậu Covid-19, hay Covid-19 kéo dài, là việc tiếp tục phát triển các triệu chứng mới sau 3 tháng nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu. Những triệu chứng này có thể kéo dài ít nhất 2 tháng mà không rõ nguyên nhân.
Tiến trình giải mã hội chứng này đối mặt với nhiều dấu hỏi, chẳng hạn khả năng mắc Covid-19 kéo dài là bao nhiêu, ai có nguy cơ cao và nguyên nhân gây nên hội chứng này.
WHO cho biết khoảng 10-20% người nhiễm SARS-CoV-2 có thể tiếp tục phát triển các triệu chứng Covid-19 kéo dài.
Hiện có khoảng 200 triệu chứng khác nhau được cho là liên quan đến Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, bao gồm mệt mỏi, hụt hơi và rối loạn chức năng nhận thức, còn được biết đến với thuật ngữ “sương mù não”.
Theo Vox, điều được nhiều nhà khoa học đồng tình là không có một nguyên nhân duy nhân cho Covid-19 kéo dài, khi mỗi bệnh nhân lại có các triệu chứng khác nhau.
Làm sao phát hiện một người bị hậu Covid-19?
Các bác sĩ thông thường sẽ dùng phương pháp loại trừ, dựa vào những triệu chứng đã được báo cáo ở những người từng mắc Covid-19. Tuy nhiên, những bước tiến gần đây giúp phần nào phân biệt được những người mắc Covid-19 kéo dài thông qua xét nghiệm.
Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature vào tháng 9/2023, dẫn đầu bởi các nhà khoa học tại Trường Y Icahn và Trường Y Yale, Mỹ, những người mắc Covid-19 kéo dài có nồng độ cortisol thấp hơn nhiều so với người khỏe mạnh.
Đây là loại hormone giúp cơ thể tỉnh táo, kiểm soát trạng thái căng thẳng hay sợ hãi. Thiếu cortisol có thể phần nào giải thích cho tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng ở những người mắc Covid-19 kéo dài.
Một phát hiện khác từ phản ứng miễn dịch ở những người mắc Covid-19 kéo dài là tế bào B hoạt động và cạn kiệt tế bào T.
Điều này đặt ra giả thuyết virus SARS-CoV-2 không được loại bỏ hoàn toàn ở một số người, do đó, hệ miễn dịch đã liên tục phản ứng trong thời gian dài. Khi hệ miễn dịch yếu đi, những virus tiềm ẩn như virus Epstein Barr (EBV), nguyên nhân chính gây bệnh bạch cầu, cũng hoạt động trở lại ở những người mắc Covid-19 kéo dài.
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Texas, Mỹ tháng 2/2020. Ảnh: CNBC.
E. John Wherry, Giám đốc viện Miễn dịch học tại Trường Y Perelman của Đại học Pennsylvania, nói tình trạng virus không được loại bỏ hoàn toàn mà tồn tại không phải chuyện lạ.
“Đã có nhiều thông tin, nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra mối liên hệ giữa virus tồn tại trong cơ thể và triệu chứng Covid-19 kéo dài”, ông nói.
Những dấu hiệu này chưa đủ cơ sở cho xét nghiệm về tình trạng mạn tính, song đây được coi là bước tiến giúp các bác sĩ có thể kiểm tra nội tiết tố hay dấu hiệu của virus tiềm ẩn tái hoạt động ở bệnh nhân.
Hướng đén phương pháp điều trị
Những nghiên cứu nhiều mặt về Covid-19 kéo dài đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là tìm ra phương pháp điều trị hội chứng bí ẩn này.
Ngày càng xuất hiện bằng chứng về các loại thuốc kháng virus và liệu pháp làm giảm, thậm chí chữa khỏi triệu chứng Covid-19 kéo dài bất kể nguyên nhân.
Bác sĩ và các nhà khoa học có thể chưa hiểu hết về hội chứng này để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất, trong khi với bệnh nhân, những cách khiến tình trạng bệnh thuyên giảm là mối quan tâm hàng đầu.
Tình hình dịch bệnh đã thay đổi. Nhiều người đã phơi nhiễm với virus do vaccine hoặc từng nhiễm bệnh. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, mức độ nguy hiểm của các chủng virus mới thấp hơn các chủng trước đó được cho là liên quan đến số ca mắc Covid-19 kéo dài thấp hơn, theo Vox.
Có những bằng chứng sơ bộ nhưng nhiều tiềm năng cho thấy dùng thuốc kháng virus Paxlovid có liên quan đến giảm tỷ lệ mắc Covid-19 kéo dài. Điều này đến từ việc thuốc có thể loại bỏ những virus còn tồn tại trong cơ thể, một trong những nguyên nhận được cho liên quan đến tình trạng Covid-19 kéo dài.
Do những triệu chứng của bệnh đa dạng, mỗi bệnh nhân có thể nhận phác đồ điều trị riêng. Các bác sĩ có thể ưu tiên dùng thuốc chống đông máu cho các triệu chứng tim mạch.
Thuốc cortisol trước đây thường được dùng cho bệnh nhân mắc chứng mệt mỏi mạn tính, cũng được các chuyên gia gợi ý áp dụng cho người mắc Covid-19 kéo dài, dù cần chờ thêm kết quả lâm sàng.
Sẽ khó xuất hiện một nghiên cứu giải đáp mọi thắc mắc của Covid-19 kéo dài, nhưng theo thời gian, từng bước tiến có thể dần giải mã hội chứng này.
“Tôi không nghĩ sẽ có đột phá về Covid-19 kéo dài, mà sẽ là sự hiểu biết ngày càng tăng”, Amy Proal, nhà nghiên cứu về tình trạng virus còn tồn tại ở bệnh nhân Covid-19 kéo dài, nói.