Việt Nam cần ít nhất 600 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng cho đến năm 2040

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo ước tính của FiinRatings, Việt Nam cần ít nhất 25-30 tỷ USD hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tương đương gần 600 tỷ USD cho đến năm 2040...
Việt Nam cần ít nhất 600 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng cho đến năm 2040
Ảnh minh họa

Trong báo cáo mới đây về đầu tư, FiinRatings ước tính Việt Nam cần ít nhất 25-30 tỷ USD hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tương đương gần 600 tỷ USD cho đến năm 2040.

Chính phủ đặt mục tiêu gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân để giảm bớt áp lực ngân sách. Mặc dù đây là động lực chính cho tăng trưởng, vẫn có những hạn chế đáng kể cho sự phát triển bền vững, nổi bật nhất là sự khan hiếm nguồn tài chính dài hạn.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng khi là nguồn tài trợ chính. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn vay cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng vẫn tương đối khiêm tốn, thường dao động từ 5% đến 7% dư nợ từng ngân hàng. Trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra các hạn chế về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, có thể dẫn đến việc cắt giảm hơn nữa việc phân bổ vào cơ sở hạ tầng.

Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển, với quy mô thị trường trái phiếu vẫn còn tương đối khiêm tốn, chỉ chiếm 9,75% GDP cả nước. Điều này thể hiện sự hạn chế về các công cụ tài chính để các tổ chức tài chính khác, như các công ty bảo hiểm, có thể tham gia tích cực hơn, trở thành nguồn tài trợ ổn định cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Đối với khu vực nước ngoài, mức FDI đăng ký trong năm 2023 đạt gần 36,6 tỷ USD (+32.1% so với cùng kỳ). Vốn thực hiện đạt mức giải ngân kỷ lục khoảng 23,2 tỷ USD (+3,5% so với cùng kỳ), trong đó lĩnh vực chế biến chế tạo chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao, với kết quả đạt được là các thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược, toàn diện với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đã tạo nền tảng cho nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với xu hướng chuyển dịch sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

Về chính sách tiền tệ, với các chính sách điều hành hợp lý, tỷ giá được giữ ở mức tương đối ổn định, hấp thụ được các tác động từ bên ngoài trong năm 2023. Biên độ dao động tỷ giá đồng VND so với USD trong năm, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 2,1%.

Sự ổn định của tỷ giá được kỳ vọng được tiếp tục duy trì với một số điểm thuận lợi như Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư, cầu ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu không tăng do nhu cầu còn yếu; Kiều hối tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 16 tỷ USD (+32% so với cùng kỳ); Dòng tiền từ các hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI và mua bán vốn cổ phần duy trì.

Lạm phát cũng được kiểm soát ở mức ổn định trong năm 2023, với chỉ số CPI bình quân tăng 3,25% và mức lạm phát cơ bản tăng 4,16%. Trong năm 2024, việc tăng giá điện bán lẻ sẽ được Chính phủ xem xét để giải quyết vấn đề lỗ lũy kế của EVN; và điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng 6% theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, áp dụng từ 01/07/2024 có khả năng sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lạm phát tại Việt Nam vẫn sẽ được kiểm soát ở mức dưới 4,5%, giống như kế hoạch mà Quốc hội đã đặt ra.

Về lãi suất, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế, khi mặt bằng lãi suất huy động tính đến cuối tháng 12/2023 đã giảm về mức thấp, tương đương giai đoạn Covid-19.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt tại Việt Nam, đồng thời kỳ vọng chung rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (“FED”) sẽ cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2024, FiinRatings cho rằng mặt lãi suất tiền gửi tại Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ở mặt bằng thấp. Đồng thời, do phần bù rủi ro tăng lên nên các ngân hàng cần bộ đệm rủi ro cao hơn, lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm tương ứng mà chỉ giảm nhẹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật