Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là yếu tố hàng đầu của công tác an sinh xã hội, trực tiếp bảo vệ giống nòi, bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức được vai trò của việc bảo vệ sức khỏe cũng là một phần nội dung không thể tách rời của việc bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh tình hình mới của thế giới, những dịch bệnh mới nguy hiểm phát sinh và diễn biến khó lường, việc bảo đảm cho người dân quyền tiếp cận dược phẩm vaccine phòng bệnh đặt Việt Nam trước những khó khăn thách thức mới cần phải có những giải pháp thích hợp và kịp thời.
Pháp Luật quốc tế trong việc tiếp cận dược phẩm vaccine phòng bệnh
Quyền đối với sức khỏe với tư cách là quyền con người được ghi nhận đầu tiên trong Hiến pháp của WHO năm 1946 với nội dung rằng: “Việc thụ hưởng những tiêu chuẩn có thể đạt được ở mức độ cao nhất đối với sức khỏe là một trong những quyền cơ bản của quyền con người mà không có sự phân biệt đối xử do chủng tộc, tôn giáo, niềm tin chính trị, các điều kiện kinh tế hay xã hội” (Điều 1).
Tiếp đó, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 cũng đề cập những nội dung về quyền đối với sức khỏe: “Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ” (Điều 25).
Quyền đối với sức khỏe được hiểu một cách khái quát nhất là quyền được thụ hưởng những cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch vụ và điều kiện cần thiết để đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể. Tiếp cận dược phẩm, trong đó bao gồm cả vaccine phòng ngừa bệnh cũng là một quyền để đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể như quy định tại Điều 12 Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội (ICSCR), “Mọi người có quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được. Các quốc gia thành viên Công ước cần thi hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này”.
Các biện pháp để thi hành công ước bao gồm cả các biện pháp về ngăn ngừa, xử lý và hạn chế các dịch bệnh, bệnh ngoài da, bệnh nghề nghiệp và các bệnh khác; tạo điều kiện để bảo đảm mọi dịch vụ và sự chăm sóc y tế khi đau yếu. Nói cách khác, quyền tiếp cận dược phẩm cũng là một nội dung của quyền đối với sức khỏe dưới góc độ quyền con người.
Là một đối tượng có tầm quan trọng đối với việc phòng ngừa dịch bệnh, cải thiện và chăm sóc sức khỏe của con người, vaccine từ lâu đã được loài người quan tâm. Xuyên suốt thế kỷ XX, các loại vaccine khác giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng thường gây tử vong như: ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella và một số bệnh truyền nhiễm khác đã được phát triển. Vaccine giúp con người chủ động đối phó với bệnh tật vì thế giảm được gánh nặng lớn cho nền y tế cộng đồng của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới. Những lợi ích của vaccine và hệ thống tiêm chủng đã được chứng minh bởi rất nhiều nghiên cứu y học.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới WHO thì “vaccine là cách thức cơ thể con người chống lại các bệnh trước khi tiếp xúc với chúng. Nó huấn luyện hệ thống miễn dịch của bạn để tạo ra kháng thể, giống như khi nó tiếp xúc với một căn bệnh. Tuy nhiên, vì vaccine chỉ chứa các dạng vi trùng bị tiêu diệt hoặc làm suy yếu như vi-rút hoặc vi khuẩn, chúng không gây ra bệnh hoặc khiến bạn có nguy cơ bị các biến chứng của bệnh”.
Như vậy có thể thấy rằng vaccine chính là một trong các sản phẩm dược phẩm, là một dạng thức thuốc có chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch được dùng với mục đích phòng bệnh, chữa bệnh.
Dưới góc độ y học thì tiêm phòng vaccine là cách thức đơn giản an toàn và hiệu quả để bảo vệ cơ thể con người chống lại các bệnh có hại trước khi trực tiếp tiếp xúc với chúng. Nó sử dụng hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể để xây dựng khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng cụ thể và làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể mạnh hơn.
Từ vai trò to lớn của vaccine đối với sức khỏe con người, trong Pháp Luật hầu hết các quốc gia đều ghi nhận vaccine là một đối tượng được sử dụng hiệu quả và tích cực trong phòng ngừa bệnh tật, cung cấp dược phẩm trong hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và Việt Nam cũng có những văn bản trong lĩnh vực y dược qui định về đối tượng này.
Việt Nam bảo đảm quyền tiếp cận dược phẩm vaccine
Tiếp nối tinh thần của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân được Quốc hội Khóa VIII ban hành, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới” (Nghị quyết số 20-NQ/TW). Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các văn bản liên quan đến việc triển khai bảo đảm việc khám chữa bệnh, bảo đảm tiếp cận thuốc như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược số 105/2016/QH13… liên tục được ban hành, sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân trong tình hình mới.
Liên quan đến quyền tiếp cận dược phẩm, những nghĩa vụ của quốc gia với tư cách là một trong những nghĩa vụ bảo đảm quyền đối với sức khỏe theo bình luận chung số 14 của Ủy ban ICSCR bao gồm nghĩa vụ bảo vệ yêu cầu các quốc gia phải ban hành luật hoặc thực hiện các biện pháp khác để bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và liên quan đến sức khỏe do bên thứ ba cung cấp; nghĩa vụ thực hiện yêu cầu các quốc gia công nhận đầy đủ quyền được chăm sóc sức khỏe trong hệ thống Pháp Luật và chính trị quốc gia, thích hợp nhất là thông qua hình thức thực hiện lập pháp, và ban hành một chính sách y tế quốc gia với kế hoạch chi tiết để thực hiện quyền đối với sức khỏe.
Các quốc gia phải bảo đảm việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, bao gồm cả các chương trình tiêm chủng chống các bệnh truyền nhiễm cơ bản, và bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng những yếu tố quyết định cơ bản đến sức khỏe cho tất cả mọi người…
tiêm vaccine phòng bệnh là cách thức đơn giản an toàn và hiệu quả để bảo vệ cơ thể con người chống lại các bệnh có hại trước khi trực tiếp tiếp xúc với chúng. (Nguồn: VGP)
Từ những tìm hiểu tổng quan về Pháp Luật quốc tế, để thực hiện tốt việc bảo đảm quyền con người trong việc tiếp cận dược phẩm vaccine để bảo vệ sức khỏe, Việt Nam nên cân nhắc những giải pháp như:
Thứ nhất, cần tiếp tục chủ động đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế theo hướng “vaccine vì mục đích cộng đồng”.
Là một quốc gia đang phát triển với những đặc thù về điều kiện kinh tế xã hội, Việt Nam luôn giữ quan điểm nhất quán trong việc tạo điều kiện bình đẳng cho mọi người dân tiếp cận vaccine. Nguồn vaccine chúng ta có được là kết quả từ nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như nhiều tổ chức, cá nhân khác trong xã hội.
Dù là vaccine loại nào, do đâu sản xuất khi nhập về Việt Nam đều được thẩm định kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm phục vụ kịp thời cho mục tiêu tiêm chủng trên toàn quốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Việc triển khai tiêm vaccine đến từng cá nhân là phụ thuộc vào lô vaccine nhập về ở thời điểm tiêm, phân bổ theo nhóm đối tượng có nguy cơ cao và theo địa phương, khu vực có nguy cơ giảm dần, chứ không có sự phân biệt đối xử dựa vào địa vị, tầng lớp xã hội.
Với quan điểm tinh thần nhất quán, Việt Nam luôn đồng thuận với các quốc gia về việc tạo ra các ngoại lệ và linh hoạt đối với việc cung cấp quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế dược phẩm. Chúng ta cần chủ động tích cực hơn nữa để ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế dược phẩm theo hướng giới hạn tối đa sự độc quyền của chủ sở hữu và hướng tới những mục đích chung của cộng đồng.
Thứ hai, cần chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực để thực hiện các hợp đồng chuyển giao sáng chế, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế có đối tượng là vaccine, sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu tri tuệ (Hiệp định TRIPS), các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và thực hiện các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế dù là tự nguyện hay bắt buộc.
Pháp Luật Việt Nam trên cơ sở thi hành các cam kết quốc tế cũng đã đưa ra những qui định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây chính là làm sao bảo đảm được nguồn lực sản xuất. Chúng ta thường mua vaccine từ bên ngoài hoặc nếu có nghiên cứu thành công thì sẽ chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất từ các quốc gia khác sau đó đưa về Việt Nam để sử dụng.
Vì thế đối với việc phát triển nghiên cứu và sản xuất vaccine, nhà nước cần phải có những chính sách ưu tiên đầu tư cho nguồn lực sản xuất vaccine của các doanh nghiệp trong nước để có thể đáp ứng được yêu cầu; đồng thời cần nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như nhân lực để có thể tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sử dụng sáng chế vaccine từ các nước phát triển đã nghiên cứu và chế tạo thành công vaccine.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, cùng với việc nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, đối tác phát triển, sản xuất, cung ứng vaccine phòng bệnh trên thế giới, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai các nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng vaccine "made in Việt Nam"[1].
Thứ ba, tận dụng các nguồn tri thức truyền thống có giá trị và hiệu quả, ứng dụng kiến thức y học cổ truyền trong phòng ngừa và chữa trị bệnh tật.
Không giống như y học hiện đại dựa trên bằng chứng khoa học, y học cổ truyền là y học thực nghiệm được phát triển dựa trên các quan sát lâm sàng tích lũy được qua nhiều thế kỷ. Là một quốc gia có nguồn vốn vô cùng dồi dào và phong phú về y học cổ truyền, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này của mình để tạo ra các sản phẩm có giá trị và hiệu quả cao trong phòng và chữa bệnh mà không cần phải quá trông chờ phụ thuộc vào nguồn vaccine từ ngoài đưa vào hoặc quá lo lắng về khả năng tạo ra được sản phẩm vaccine mới có thể phòng ngừa bệnh.
Việc sử dụng các nguồn lực từ y học cổ truyền cũng có một ưu điểm rất lớn chính là tiết kiệm được nguồn tài chính vì giá cả của chúng thường thấp hơn rất nhiều so với các thuốc tân dược hay các vaccine được nghiên cứu và chế tạo mới.