Theo Nikkei Asia, có một thống kê đáng lo ngại báo hiệu điềm xấu cho châu Á là khu vực này có số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới khoảng 100 triệu người, với khoảng cách lớn nhất được thấy ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Khoảng cách giới đang gây ra nhiều vấn đề, từ kém hiệu quả kinh tế đến hôn nhân ít hơn đến tội phạm B.L nhiều hơn - tất cả những điều này khiến châu Á khó duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của mình.
Jhajjar (Ấn Độ) có tỉ lệ sinh con trai cao bất thường. Trong cuộc điều tra dân số năm 2011, Jhajjar có 67.380 bé trai và 52.671 bé gái từ 0 đến 6 tuổi, tức 128 bé trai trên 100 bé gái, khiến nơi đây trở thành một trong những quận có tỉ lệ giới tính trẻ em chênh lệch nhất ở Ấn Độ.
Tình trạng "thừa nam" này không chỉ giới hạn ở Ấn Độ. Xu hướng lan rộng khắp châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái.
Trong giai đoạn đầu từ năm 1999 đến năm 2005, xu hướng biến động tỉ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam không rõ ràng.
Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể. Năm 2021, SRB giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2020 (tương ứng là 112,0 bé trai/100 bé gái so với 112,1 bé trai/100 bé gái).
Như vậy từ năm 2009 đến nay, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tình trạng này dường như chưa được khắc phục nhiều.
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững.
Các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam cũng đã chỉ ra các hệ lụy trong tương lai của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.
Rõ ràng là tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái quan sát được gần đây ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai.
Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỉ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời.
Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỉ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng gốc rễ và cốt lõi là do định kiến giới, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" ăn sâu vào từng người dân Việt. Bên cạnh đó, lạm dụng khoa học kĩ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi cũng là nguyên nhân chính được chỉ ra.
Việc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ giới, khiến nhiều đàn ông phải sống độc thân. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ "dư thừa" 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.