Theo sử sách, nơi đây xưa kia được gọi là biển Sa Hoàng với ý nghĩa là “bãi cát vàng”. Tuy nhiên do chữ Hoàng trùng với tên chúa Nguyễn Hoàng nên được đọc lệch đi thành Sa Huỳnh cho đến ngày nay.
Vào đầu thế kỷ 20, bãi biển Sa Huỳnh bỗng chốc trở thành một địa điểm khảo cổ học tầm vóc thế giới, khi đây là nơi phát lộ văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba nền văn hóa lớn nhất Việt Nam thời tiền sơ sử.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1909, ở khu vực tiếp giáp giữa bãi biển Sa Huỳnh và đầm An Khê, nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet đã tìm thấy một số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc). Người ta gọi điểm khảo cổ đó là Kho chum Sa Huỳnh.
Các cuộc khai quật vào những năm sau đó ở vùng đất Sa Huỳnh dần dần làm lộ diện nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển một nền văn hóa lớn của Đông Nam Á. Đến năm 1937, nền văn hóa này chính thức được gọi là văn hóa Sa Huỳnh.
Nền văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ trên thế giới nghiên cứu từ đó cho đến nay, và càng có nhiều điều về đời sống của các tộc người cổ xưa ở miền Trung Việt Nam được làm sáng tỏ.
Bên cạnh nền văn hóa Sa Huỳnh, biển Sa Huỳnh cũng nổi tiếng với nghề sản xuất muối truyền thống, đã được duy trì suốt hàng trăm năm qua.
Nằm ở phía Nam bãi biển Sa Huỳnh, cánh đồng muối Sa Huỳnh có diện tích 500 ha, cho năng suất hàng trăm tấn mỗi năm. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu "Muối Sa Huỳnh" cho diêm dân tại đây.
Không chỉ là một vựa muối lớn của cả nước, đồng muối Sa Huỳnh còn là một cảnh quan đặc sắc với vô số ô ruộng như những tấm gương khổng lồ trải dài bất tận.
Ngày nay, biển Sa Huỳnh là một địa điểm du lịch hấp dẫn với bờ cát mịn trải dài, làn nước xanh, không khí trong lành. Cua huỳnh đế và gỏi cá là những đặc sản biển hấp dẫn mà du khách có thể thưởng thức ở vùng biển đầy trầm tích lịch sử, văn hóa này...