Giá điện tăng, EVN dễ thở hơn
Sau hơn 4 năm đứng yên, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh 2 lần trong năm 2023 vào ngày 4/5 và 9/11, với các mức tăng tương ứng là 3% và 4,5%.
Nhờ lần điều chỉnh giá điện hồi tháng 5, doanh thu cả năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Còn với lần điều chỉnh giá vừa diễn ra vào ngày 9/11, EVN sẽ thu thêm khoảng 3.200 tỷ đồng trong thời gian còn lại của năm 2023.
Như vậy, doanh thu tăng thêm của EVN năm 2023 sau 2 lần điều chỉnh giá điện vào khoảng hơn 11.000 tỷ đồng. Tuy đây là con số không nhỏ, nhưng thực ra chỉ giúp EVN giảm một phần khó khăn.
Trước đó, theo kết quả kiểm tra giá thành sản xuất và kinh doanh điện được cơ quan chức năng công bố, EVN đã lỗ 26.235 tỷ đồng trong năm 2022 cho hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện.
Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra liên ngành chi phí sản xuất, kinh doanh điện cũng thừa nhận, vẫn còn 4 khoản khác chưa hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện là chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện của các năm từ 2019 đến hết năm 2022.
Tổng số tiền này lên tới 14.725 tỷ đồng (năm 2019 là 3.015,8 tỷ đồng; năm 2020 là 4.566,94 tỷ đồng; năm 2021 là 3.702,257 tỷ đồng và năm 2022 là 3.440,83 tỷ đồng).
Vì vậy, doanh thu tăng thêm hơn 11.000 tỷ đồng nhờ tăng giá điện của năm 2023 cũng chưa đủ bù lại khó khăn đã diễn ra riêng trong năm 2022 với hoạt động kinh doanh điện của EVN, khi lỗ và treo chi phí lên tới trên 40.000 tỷ đồng.
Bước vào năm 2023, ngành điện vẫn phải chứng kiến các khó khăn tương tự trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện.
EVN cho hay, giá nhiên liệu của năm 2023 tuy có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.
Cụ thể, giá than nhập gbNewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,3 lần so với năm 2021; giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021.
Các thông số đầu vào mặc dù đã giảm so với năm 2022, nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao so với các năm trước. Cụ thể, giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến năm 2023 tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Còn than pha trộn mua từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cũng có mức tăng rất cao so với năm 2021.
Mức tăng giá than pha trộn của TKV bình quân dự kiến năm 2023 từ 29,6% đến 46% (tùy từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021. Còn mức tăng giá than pha trộn bình quân dự kiến năm 2023 của Tổng công ty Đông Bắc từ 40,6% đến 49,8% (tùy loại than) so với giá than năm 2021.
Do khí Nam Côn Sơn suy giảm sản lượng mạnh, nên các nhà máy nhiệt điện khí (Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch 1&2 và Bà Rịa) tiếp nhận nhiều khí Hải Thạch - Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng có giá cao, đặc biệt khí Thiên Ưng, Sao Vàng - Đại Nguyệt có giá rất cao.
Những yếu tố trên khiến giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao, trong khi các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% (năm 2023) tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.
Theo tính toán của EVN, giá thành sản xuất điện năm 2023 ước khoảng 2.098 đồng/kWh. Như vậy, so với mức giá bán lẻ điện bình quân mới là 2.006,79 đồng/kWh thì bài ca mua điện giá cao - bán lại thấp vẫn chưa chấm dứt.
Bên cạnh giải pháp về giá điện, chính EVN cũng đưa ra các giải pháp cắt giảm 15% chi phí thường xuyên tại các đơn vị, sửa chữa lớn cũng giảm mạnh; tiết kiệm điện chiếu sáng tại các cơ quan, tổng công ty…
Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ giúp giảm chi phí phần nào, chứ không thay đổi bản chất của thực trạng giá thành sản xuất điện đang ở mức cao hơn giá bán ra.
Dự án lại chờ
Trong Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công thương đưa ra có nhắc tới cơ cấu vốn đầu tư.
Theo đó, với quy mô tổng vốn đầu tư ước tính để thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII giai đoạn 2021-2030 là 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư phần nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD và đầu tư phần lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD.
bình luận về việc thu hút vốn xã hội hóa vào ngành điện, nhiều chuyên gia am hiểu ngành, các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đều chung nhận định, cần cả giá điện lẫn hành lang pháp lý.
Bộ này cũng ước tính cơ cấu tham gia của các thành phần kinh tế gồm vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước khoảng 42 tỷ USD (chiếm 31%), vốn xã hội hóa khoảng 92,7 tỷ USD (chiếm 69%) tổng nhu cầu vốn đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải.
bình luận về việc thu hút vốn xã hội hóa vào ngành điện, nhiều chuyên gia am hiểu ngành, các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đều chung nhận định, cần cả giá điện lẫn hành lang pháp lý.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một ngân hàng nước ngoài từng có nhiều khoản vay cho ngành điện nêu thực tế, sự hào hứng đổ vốn vào làm điện mặt trời, điện gió giai đoạn 2018-2020 giờ đây đã giảm đi nhiều sau những rà soát của các cơ quan hữu trách với nhiều kết luận về tính pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện ở nhiều dự án. Với các dự án chuyển tiếp, việc đàm phán dứt điểm để có mức giá cuối cùng áp dụng trong thanh toán dài hạn vẫn chưa xong và hiện vẫn đang phải dùng giá tạm trong khung giá. Với các dự án mới thì chưa biết tính toán hiệu quả kinh tế dựa trên căn cứ nào.
Ngoài ra, các dự án lớn như điện gió ngoài khơi, điện khí LNG vẫn đang bế tắc về nhiều vấn đề pháp lý và chuyện đàm phán bán điện nên dự án có tên trong Quy hoạch điện nhưng chưa thể triển khai được trong thực tế.
“Đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió công suất nhỏ, quy mô vốn đôi ba chục triệu USD thì các quỹ, các nhà đầu tư có thể sẽ dấn thân, lời ăn, lỗ chịu, nhưng với các dự án lớn như điện gió ngoài khơi hay điện khí LNG lên tới cả tỷ USD thì không ai liều cả. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng có các cơ chế chính sách rõ ràng và cạnh tranh so với các thị trường khác thì nhà đầu tư sẽ chuyển hướng quan tâm sang nước khác”, đại diện ngân hàng trên nhận xét.
Ở lĩnh vực truyền tải, Dù Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số luật có hiệu lực từ ngày 1/3/2022 đã cho phép thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, nhưng thực tế là sau hơn một năm rưỡi vẫn chưa có hướng dẫn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu tư nhân tham gia làm đường truyền tải mà có liên quan đến dự án nhà máy điện do mình đầu tư và bán được điện cho EVN hay hộ tiêu thụ khác thì còn nhìn thấy cơ hội thu được tiền qua bán điện, nhưng nếu là đường truyền tải độc lập thì lại chưa biết nguồn thu sẽ đến từ đâu.
Như vậy, dù giá điện đã nhúc nhích tăng để bắt kịp với diễn biến của thị trường, nhưng nếu không có các cơ chế, chính sách cụ thể được đưa ra thì vẫn không thể biến các dự án điện từ trên giấy thành hiện thực.