Trong đợt này, số lượng động vật được thả bao gồm 9 loài với 31 cá thể, chủ yếu thuộc Phụ lục IB, IIB của Nghị định 84/2021/NĐ-CP, được bàn giao từ các đơn vị Công an, Cảnh sát môi trường, hạt kiểm lâm thuộc khu vực phía bắc. Trong đó, rùa hộp trán vàng miền bắc có tổng cộng 13 cá thể. Đây là loài có số lượng lớn nhất trong chuyến tái thả và mất nhiều thời gian để thả nhất. Trong ảnh là sinh cảnh rừng khu vực thả rùa (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển - CCD)
Vào thời điểm lượng mưa gia tăng tại Bắc bộ, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, trời mù giông cả ngày, nếu mưa chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tái thả. Các thành viên đoàn cõng rùa trên lưng, leo núi đất trơn trượt sau cơn mưa hôm trước. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển - CCD)
Để bảo đảm việc thả rùa kết thúc trước khi trời tối và trong môi trường phù hợp, đoàn tái thả đã chia thành 2 nhóm, di chuyển theo 2 hướng khác nhau. Đoàn thả rùa đã phải di chuyển qua nhiều địa hình phức tạp, nhằm bảo đảm khoảng cách nhất định giữa các cá thể, phù hợp với tập tính sống đơn lẻ của rùa hộp trán vàng miền bắc. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển - CCD)
Các cá thể rùa được đặt trong ba-lô có các lỗ thông khí, được lót cỏ nhằm giảm va chạm giữa rùa trong quá trình đoàn di chuyển. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển - CCD)
Rùa được để trong các túi lưới để hạn chế rùa di chuyển, từ đó giữ nguyên tư thế tự nhiên của rùa và cách sắp xếp của các nhân viên ban đầu. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển - CCD)
Trong quá trình tái thả rùa, rùa sẽ được gắn thiết bị định vị. Việc áp dụng công nghệ định vị bằng phương pháp thu phát sóng ngắn sẽ phục vụ hiệu quả hơn công tác điều tra tập tính sinh thái học, nguồn thức ăn, khả năng sinh trưởng và phát triển của rùa hộp trán vàng miền bắc.
Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sử dụng thiết bị thu phát sóng ngắn để kiểm tra khả năng định vị rùa trước khi thả về tự nhiên. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển - CCD)
Bên cạnh thiết bị định vị gắn trên rùa, các cán bộ vẫn lưu vị trí thả, phục vụ công tác điều tra, giám sát sau này được hiệu quả hơn. Việc thả các động vật hoang dã cần phải tránh xa đường dân sinh, các tuyến du lịch, khu dân cư và địa điểm có nhiều dấu hiệu của con người như cây bị phát, đường mòn,… (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển - CCD)
Ngoài rùa hộp trán vàng miền bắc, chuyến tái thả còn có rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah) thuộc Phụ lục IB của Nghị định 84/2021/NĐ-CP và nhiều loài khác trong Phụ lục IIB như khỉ mốc, tắc kè hoa, diều hâu, yểng, kim oanh mỏ đỏ, vẹt má vàng. Trong ảnh là một cá thể diều hâu sau khi được thả. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển - CCD)