Tăng đột biến
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận khoảng 2.300 ca bệnh đau mắt đỏ (bệnh viêm kết mạc), tăng 58% so với cùng kỳ, riêng tháng 8 ghi nhận 405 ca. Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Bình Dương, bệnh đau mắt đỏ đang có nguy cơ bùng phát thành dịch tại địa phương này.
Bác sĩ (BS) Huỳnh Trần Dương Giang - Trưởng Khoa mắt, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết: Những ngày gần đây, bệnh nhân đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng và tăng khoảng 30% so với lượng bệnh đến khám, điều trị. Các bệnh nhân chủ yếu là trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, học sinh cấp 1, cấp 2. Không chỉ trẻ em, học sinh, người lớn bị đau mắt đỏ đến bệnh viện khám cũng tăng cao trong những ngày gần đây.
Cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên trường Tiểu học Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, gần đây có nhiều học sinh xin nghỉ phép vì mắc bệnh đau mắt đỏ.
“Học sinh được nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh hẳn để bảo đảm sức khỏe, không lây bệnh cho bạn. Sau khi học sinh quay trở lại lớp, sẽ được giáo viên bổ sung kiến thức để theo kịp các bạn”- cô Thương nói.
BS Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang lan rộng đến các trường học, công sở, cơ quan, xí nghiệp... bệnh lây lan rất nhanh, nguy cơ bùng phát dịch rất cao, nhất là trong trường học bởi trẻ giao lưu, tiếp xúc với nhiều bạn nhưng không cách ly, điều trị kịp thời những trường hợp bị bệnh.
Tại Bình Phước, bệnh đau mắt đỏ cũng đang diễn biến phức tạp. Trao đổi với PV ngày 12/9, ông Trịnh Xuân Thiều, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết, từ ngày 8/9, trên địa bàn có 11/41 trường mầm non, tiểu học với 260 em bị đau mắt đỏ. Đến ngày 11/9, có 27/41 trường học, với 1.401 học sinh mắc bệnh này. Đến trưa 12/9, toàn thành phố Đồng Xoài đã ghi nhận 38/41 trường học với 554 lớp và 2.450 học sinh bị đau mắt đỏ. Số trường học trên địa bàn thành phố Đồng Xoài có ca bệnh đau mắt đỏ chiếm hơn 90%. Số học sinh tiểu học mắc bệnh chiếm hơn 70%.
Trường Tiểu học Tân Xuân B (phường Tân Xuân) là nơi ghi nhận ca bệnh đầu tiên và nhiều nhất trên địa bàn thành phố Đồng Xoài. Tại lớp 1/2 của trường chỉ còn 16/34 học sinh đi học, 18 em đã phải nghỉ học vì mắc bệnh hoặc có triệu chứng nên được nhà trường khuyến cáo ở nhà theo dõi. Tại lớp 2/5 của trường này cũng chỉ có 19/38 học sinh đến lớp.
Tại TPHCM, theo Sở Y tế, báo cáo nhanh của các bệnh viện về số lượt khám bệnh này từ đầu năm đến nay đã lên tới hơn 72.000 lượt. Đặc biệt, số ca mắc bệnh trong những ngày gần đây có xu hướng tăng, trong đó khoảng 1/3 tổng số ca bệnh là trẻ em ở tuổi đi học.
Chỉ riêng tại bệnh viện Mắt TPHCM mỗi tuần phải tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 1.500 trường hợp bị bệnh đau mắt đỏ. Đáng lưu ý, trong 8 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận hơn 1.000 ca bị biến chứng với các vấn đề nghiêm trọng như: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực...
Đà Nẵng: Hơn 1.300 ca trong 10 ngày
Ngày 12/9, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết từ đầu năm đến nay, có hơn 22.000 trường hợp viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) khám và điều trị tại bệnh viện Mắt Đà Nẵng. Trong đó có gần 11.600 trẻ em, chiếm hơn 50%. Riêng từ ngày 1/9 - 11/9, bệnh viện khám và điều trị 1.335 trường hợp, trong đó có 767 trẻ em, chiếm tỷ lệ 57,5%. Số lượng trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% trẻ em được chẩn đoán mắc viêm kết mạc.
TT-Huế: Sở Y tế ra công văn khẩn
Ngày 14/9, thông tin từ Sở Y tế TT-Huế cho biết, bệnh đau mắt đỏ bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh, với số ca mắc tăng đột biến trong những ngày gần đây.
Tính riêng trong hai ngày 13 và 14/9, có hơn 50 bệnh nhân trên địa bàn tỉnh đến thăm khám bệnh đau mắt đỏ tại bệnh viện Trung ương Huế. Theo Sở Y tế TT-Huế, cao điểm có ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận đến 60 ca bệnh đau mắt đỏ; trong đó có nhiều trẻ lứa tuổi mầm non hoặc cả gia đình cùng bị đau bệnh này. Tại một số cơ sở giáo dục, bệnh lây lan nhanh khiến học sinh không thể đến trường.
Hà Tĩnh: Một huyện ghi nhận 5.600 ca
BS Nguyễn Trường Lâm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cho biết, tính từ đầu tháng 9 đến nay trên địa bàn huyện xuất hiện 5.600 ca bệnh đau mắt đỏ ở 21/21 xã, thị trấn. Trong số đó có 3.000 ca là học sinh và giáo viên ở các bậc học THCS, tiểu học và mầm non.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết, để chủ động phòng tránh dịch bệnh lây lan, các trường đã cho hơn 2.300 học sinh đang mắc bệnh tạm thời nghỉ học.
“Đến sáng nay có hơn 2.300 học sinh được nghỉ học ở nhà để tránh dịch bệnh lây lan. Đối với những trường hợp nghỉ học do mắc bệnh mắt đỏ thời gian tới sẽ có phương án bổ túc kiến thức cho các em”, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê thông tin.
Cũng theo Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, số học sinh mắc bệnh đang được cập nhật theo từng ngày để phía nhà trường nắm bắt và theo dõi các em đang mắc bệnh. Ngoài ra, các cán bộ, giáo viên cũng có các biện pháp để phòng tránh khi tiếp xúc với học sinh trong quá trình giảng dạy.