Nỗ lực của "tiền"
Đây là lần thứ ba lãi suất điều hành được giảm, thể hiện nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trước khó khăn của doanh nghiệp vì không ai có thể kinh doanh có lãi trong nền tảng lãi suất cao hiện nay.
Lãi suất điều hành giảm thêm 0,5%/năm nhưng hệ thống ngân hàng không quá dư thừa vốn. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND chỉ có 167.000 tỷ đồng; tỷ lệ tín dụng so với huy động vốn trên thị trường cư dân ở mức 101,45%, tức là tiền ngân hàng cho vay ra vẫn cao hơn tiền huy động. Huy động vốn của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 27/4/2023 chỉ tăng 1,78%, trong khi tăng trưởng tín dụng là 3,04%.
Không những thế, lạm phát cơ bản trong nước tăng 4,9% so với cùng kỳ và người dân vẫn kỳ vọng lãi suất thực dương, nên để thu hút tiền gửi, tổ chức tín dụng sẽ khó giảm mạnh lãi suất huy động.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định không can thiệp vào trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, vốn được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tác động mạnh hơn đến lãi suất cho trên vay toàn thị trường. Cùng với đó, một số ngân hàng nhỏ, yếu kém về thanh khoản, vẫn giữ lãi suất huy động vốn cao, khiến cho các ngân hàng khác khó giảm mạnh lãi suất huy động, dẫn đến khó giảm lãi suất cho vay.
Đó là chưa kể đến những yếu tố tác động khác như nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, rủi ro với các doanh nghiệp tăng cao, khiến các tổ chức tín dụng khắt khe hơn với hoạt động cho vay và lãi suất cho vay sẽ neo cao để bù đắp rủi ro.
Trong tháng 3/2023 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất điều hành và làn sóng giảm lãi suất huy động đã diễn ra tại hàng loạt ngân hàng. Mặc dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang đứng ở mức cao.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3%/năm, giảm 0,65% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tính tới cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%/năm, cao hơn 0,56% so với cuối 2022.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện lãi suất cho vay kỳ hạn 6 tháng từ 10 -11%/năm. Với lãi suất này chẳng doanh nghiệp nào dám vay, dù rất cần vốn để hồi phục kinh doanh. So với mặt bằng lãi suất trên thế giới, thì lãi suất vay vốn ngân hàng của Việt Nam rất cao, khiến khả năng cạnh tranh giảm và kinh doanh không có lợi nhuận.
Cần bơm mạnh tiền ra
Các doanh nghiệp phản ánh, họ đã “trở tay không kịp” từ cuối Quý 2 năm ngoái, khi Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng lãi suất điều hành, làm mặt bằng lãi suất trên thị trường lên cao chót vót. Kết quả là các doanh nghiệp gặp khó khăn về tiếp cận vốn, lãi suất cao, sản xuất kinh doanh suy giảm. Cho đến giờ này các ngân hàng thương mại vẫn đang phải “gánh” lãi suất tiết kiệm rất cao cho các khoản huy động từ Quý 4 năm ngoái, khiến cho lãi suất cho vay khó giảm.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 9/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng đã chỉ rõ, khó khăn của doanh nghiệp có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên là khó khăn dòng tiền. Ông nói, điều hành tín dụng lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá.
Muốn giảm lãi suất cho vay trong hoàn cảnh hiện nay mà chỉ hạ lãi suất điều hành là chưa đủ. Cần chú ý đến tăng cung tiền và nới room tín dụng nhiều hơn.
Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng cung tiền quá thấp. Ảnh minh họa : Hoàng Hà.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phải bơm mạnh tiền ra nền kinh tế vì từ đầu năm đến nay, tăng trưởng cung tiền quá thấp, vòng quay của tiền chỉ còn 0,64 vòng/năm. Hoàn cảnh này cần đảo ngược dù, tất nhiên, cũng phải xem xét rủi ro lạm phát.
Room tín dụng cần được nới và giao ngay toàn bộ chỉ tiêu cả năm để các ngân hàng và khách hàng chủ động lập kế hoạch. Vì khi giữ nguyên hạn mức rồi chia nhỏ giọt và giao thành các đợt nhỏ room tín dụng, khiến cho doanh nghiệp có thể vỡ kế hoạch.
Từ đầu năm 2023 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành vài lần nhưng không nới room tín dụng nên khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân rất khó khăn, lãi suất cho vay giảm không đáng kể. Các doanh nghiệp thường rất cần vốn ở giai đoạn cuối năm và khi khó tiếp cận tín dụng, lại phải chịu lãi vay cao, chuyện đứt gãy kinh doanh trong chu kỳ tới hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao công cụ “dự trữ bắt buộc” và nhiều công cụ an toàn vốn khác mà thế giới đang áp dụng lại không được sử dụng nhiều trong điều hành vĩ mô. Các ngân hàng cho vay nhiều thì phải có tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hơn để quản trị rủi ro thay vì cái room rất máy móc, áp đặt và phi thị trường.
Áp dụng các biện pháp an toàn vốn như Basel 2 và nhiều biện pháp thị trường khác sẽ giúp các ngân hàng tự điều chỉnh vay và cho vay, quản trị được rủi ro hơn là áp dụng room tín dụng. Room chỉ là hình thức xin - cho, còn tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là “phanh hãm” hiệu quả. Đấy là hướng điều hành vĩ mô vừa mang tính thị trường vừa đảm bảo sự minh bạch và tạo sự chủ động về chính sách.