Giá thịt heo liên tục giảm, trong khi chi phí chăn nuôi tăng cao khiến nhiều đại gia nuôi heo lâm vào cảnh khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) đang phải tiếp cận xu hướng kinh doanh mới, phù hợp với thực tế để duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn.
Heo ăn chuối, heo ăn chay thất thu
Trong báo cáo gửi cổ đông những tháng gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đã không còn đưa thông tin heo ăn chuối như là mảng tạo lợi nhuận lớn cho tập đoàn, mà thay vào đó là sản phẩm chuối.
Đơn cử, trong tháng 4, bầu Đức cho biết lợi nhuận tiếp tục tăng do xuất khẩu chuối đem lại. Tuy nhiên, giá thịt heo tiếp tục giảm đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung. Điều này cũng thấy rõ khi lợi nhuận sau thuế tháng 4-2023 của HAGL chỉ đạt 32 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022, nhờ vào mảng heo bán tốt, DN này đã kiếm hơn 100 tỉ đồng.
Sức mua giảm, nguyên liệu sản xuất tăng khiến nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi heo gặp khó.
Đây xem như là cú quay xe gấp của người đứng đầu HAGL, khi cũng chỉ mới một năm trước ông nhận định heo ăn chuối sẽ là mảng kinh doanh lớn của tập đoàn. Bầu Đức cũng từng đã đưa ra chiến lược “một cây, một con” - có nghĩa là chuối để xuất khẩu và nuôi heo nhưng lúc này chuối lại trở thành bệ đỡ kinh doanh tốt cho HAGL.
Bầu Đức cũng lý giải năm 2022, giá chuối thấp nên tận dụng chuối nuôi heo nhưng giá chuối hiện tăng hơn 20% so với năm ngoái nên lợi nhuận tốt. Nếu không có kết quả kinh doanh chuối tốt thì công ty đã lỗ trong quý I-2023.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện có khoảng 45%-50% trang trại lớn treo chuồng, 70%-75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn. Nguyên nhân do chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán ra thấp.
Cũng vì giá heo giảm sâu nên HAGL phải dừng lại việc mở rộng đầu tư mới trại heo và tăng quy mô diện tích trồng chuối. “Các vùng nuôi trồng cũ phải tự nuôi được chính nó trước khi nghĩ đến chuyện xa hơn” - bầu Đức nhấn mạnh.
Vào năm 2022, Công ty Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) cũng tung ra sản phẩm heo ăn chay. Theo BAF, heo của công ty ăn 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật do chính công ty này nghiên cứu, sản xuất.
BAF kỳ vọng sản phẩm thịt heo ăn chay sẽ tạo sức bật cho hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, trong quý I-2023, lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ đạt chưa đầy 4 tỉ đồng, giảm hơn 90% so với cùng kỳ.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch BAF, cho biết giá heo hơi liên tục giảm và rơi về mức 50.000 đồng/kg đã tạo ra những thách thức cho kết quả kinh doanh.
“Giá heo giảm vì nguồn cung dồi dào, trong khi đó người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao nên thắt chặt chi tiêu. Kỳ vọng đến quý III-2023, nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng tốc trở lại, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định. Khi đó, việc làm và thu nhập của người lao động cải thiện trở lại thì sức tiêu thụ thịt heo mới tăng trở lại, giúp giá thịt heo phục hồi” - ông Bá nhận định.
Tìm hướng đi mới
Nhiều đại gia cung cấp thịt heo tươi sống bình thường cũng đang suy giảm mạnh về lợi nhuận vì giá thịt heo giảm.
Dabaco, tên tuổi lớn trong ngành heo ở phía Bắc, lần đầu tiên đối diện với những khoản lỗ sau rất nhiều năm. Theo đó, quý IV- 2022, Dabaco lỗ đến 80 tỉ đồng và bước sang quý đầu năm 2023, tiền lỗ leo lên 320 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Dabaco, cho biết dù hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu với chuỗi cung ứng khép kín nhưng công ty cũng không tránh được những tác động tiêu cực từ tình hình dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế. Chi phí chăn nuôi cao, sức mua giảm, giá bán thịt heo thấp đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
“Để phát triển trong giai đoạn tới, Dabaco sẽ chủ động xây dựng và kiểm soát chặt chi phí nguyên liệu đầu vào để hạ giá thành sản xuất” - ông So thông tin.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, cho biết công ty đặt kế hoạch khá lạc quan trong năm 2022 vì đánh giá nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt sau dịch bệnh. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, sức mua của thị trường chưa phục hồi nên kết quả kinh doanh không đạt như kế hoạch đặt ra. Mặc dù năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Vissan lần lượt đạt 3.876 tỉ đồng và 173 tỉ đồng nhưng con số này chỉ bằng 90% và 93% so với cùng kỳ.
Theo ông An, trong năm 2023, để tiếp tục duy trì biên lợi nhuận, công ty sẽ đẩy mạnh phát triển các thị trường mới, rà soát các kênh truyền thống để tối ưu, tập trung nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kinh doanh, phân phối, phát triển mạng lưới thông qua các sàn thương mại điện tử nhằm tăng cường hình ảnh và sản lượng tiêu thụ...
Bầu Đức cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì heo ăn chuối với quy mô đàn khoảng 300.000 con, tương tự năm ngoái. Tới thời điểm thị trường thuận lợi sẽ tăng quy mô nuôi lên đến 600.000 con. Trong ngành chăn nuôi heo vẫn có thời điểm lãi gộp lên đến 40%-50%.
Theo ông Đức, quy luật chăn nuôi heo là biến động cung cầu rất nhanh. Nếu càng khó khăn, lượng cung càng giảm nên giữ được khả năng tái đàn thì có thể kỳ vọng lợi nhuận rất cao.
Tương tự, BAF cũng giữ quy mô đàn là 300.000 con heo thịt và sẽ tiếp tục mở rộng thêm các cụm trang trại nuôi heo công nghệ cao. Theo ông Trương Sỹ Bá, chăn nuôi công nghệ cao là xu hướng hiện nay nhưng trong lĩnh vực này các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể mạnh bằng các doanh nghiệp FDI. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, công ty sẽ tìm sự khác biệt cho sản phẩm và xác định hướng đi phù hợp với thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng.
Giá heo hơi bắt đầu tăng nhẹ
Công ty Chứng khoán VNDirect cho biếtsau đà giảm giá trong quý I-2023, giá heo hơi trong nước bắt đầu tăng nhẹ. Giá tăng do sản lượng heo bán tháo ra thị trường do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi đã giảm dần. Cạnh đó, lo ngại về vấn đề dư thừa nguồn cung đã lắng xuống khi các hộ nông dân ngừng hoạt động tái đàn, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chưa có kế hoạch mở rộng quy mô đàn heo.
Trong kịch bản cơ sở, công ty này cho rằng giá heo bình quân sẽ là 59.000 đồng/kg trong năm nay. Giá thành sản xuất trung bình của hộ chăn nuôi vào khoảng 55.000-60.000 đồng/kg, do đó hộ chăn nuôi sẽ chưa thể tái đàn mạnh trong ngắn hạn.