Theo Reuters, việc quản lý tiền điện tử đã và đang trở thành yêu cầu ngày càng cấp bách với các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia, nhất là sau sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới.
Các sự kiện xảy ra gần đây cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc áp đặt các quy tắc nhằm bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn, đồng thời ngăn chặn việc lạm dụng ngành công nghiệp tiền điện tử cho mục đích rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập FTX - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới trước khi sụp đổ vào tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Ed Jones/Getty Images.
Cần có khung quản lý chung
Thời báo Ireland DAC cho biết các tổ chức quản lý quốc tế đang rút ra bài học từ sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX vào tháng 11 năm ngoái.
Vấn đề với giới chức hiện tại là chưa có một khung quản lý chung cho thị trường giao dịch, khi mỗi quốc gia với tính pháp lý khác nhau lại tuân thủ theo một bộ quy tắc riêng tự đặt ra.
Về vấn đề này, Tổ chức Quốc tế của các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) cho biết sẽ đề xuất sớm nhất một giải pháp mang tính toàn cầu đầu tiên trong việc quản lý và giám sát thị trường tiền điện tử và kỹ thuật số.
Jean Paul Servais - Chủ tịch cơ quan giám sát IOSCO - khẳng định tính cấp thiết của việc đưa ra khuyến nghị hợp tác chung, mang tính bước ngoặt để giải quyết dứt điểm các rủi ro trong việc bảo vệ nhà đầu tư cũng như thị trường tiền điện tử.
Các tiêu chuẩn được IOSCO đề xuất trong bộ giải pháp dựa trên việc xử lý các xung đột lợi ích, thao túng thị trường, hợp tác xuyên biên giới, lưu ký tài sản tiền điện tử, rủi ro giao dịch và quyền lợi cho khách hàng.
IOSCO đã bàn luận về 18 biện pháp chung giúp bảo vệ sự an toàn cho thị trường trước xung đột lợi ích đang diễn ra.
Tổ chức quốc tế này cũng đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn áp dụng cho bộ quy tắc muộn nhất là vào cuối năm nay. Đồng thời kỳ vọng 130 thành viên - cũng là 130 ủy ban chứng khoán trên toàn thế giới - sẽ áp dụng bộ quy tắc mới này.
IOSCO cho rằng bộ quy tắc mới sẽ giúp loại bỏ những quy định đang còn bất cập tại các quốc gia khác nhau, xử lý lỗ hổng trong quản lý và ngăn chặn những kẽ hở mà nhiều công ty đang lợi dụng.
EU đi trước
Theo Reuters, ngày 16/5 vừa qua, một hội nghị diễn ra ở Brussels (Bỉ) với sự tham dự của các Bộ trưởng Tài chính EU cũng đã đạt được sự đồng thuận cuối cùng về bộ quy tắc trong Đạo Luật thị trường tiền điện tử (MiCA). Đạo luật này được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua hồi tháng 4.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính EU đã thảo luận chi tiết các biện pháp ngăn chặn trốn thuế và sử dụng tiền điện tử nhằm mục đích rửa tiền.
Theo đó, từ tháng 1/2026, các công ty buộc phải có giấy phép nếu muốn phát hành, giao dịch và bảo vệ tài sản điện tử, tài sản được mã hóa và stablecoin (loại tiền điện tử được thiết kế để duy trì một giá trị cố định) ở 27 quốc gia thành viên EU.
Các nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp rõ tên người gửi và người thụ hưởng trong các giao dịch tài sản điện tử, bất kể số tiền được chuyển là bao nhiêu.
Ngoài ra, các quan chức EU cũng đạt thỏa thuận về việc sửa đổi các quy định hợp tác thuế giữa các nước thành viên, bảo đảm bao quát các giao dịch bằng tài sản điện tử, đồng thời trao đổi thông tin về các phán quyết thuế đối với những cá nhân giàu có nhất trong lĩnh vực này.
Với việc chính thức phê duyệt đạo luật MiCA, EU đang đi trước một bước so với Mỹ và Anh, những quốc gia vẫn chưa đưa ra quy tắc chính thức cho không gian tiền điện tử.
Anh đang lên phương án tiếp cận theo từng giai đoạn, bắt đầu với stablecoin và mở rộng dần ra các loại tiền điện tử khác, nhưng chưa có thời gian cụ thể.
Trong khi đó, Mỹ tập trung vào sử dụng các quy tắc chứng khoán hiện có để thực thi trong lĩnh vực này và đang cân nhắc xem có nên đưa ra những quy tắc mới riêng biệt hay không.