Gia tăng tạm hoãn hợp đồng
Bình Dương có tới 29 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Có thời điểm các KCN thu hút đến hơn 1,5 triệu lao động, chủ yếu đến từ các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các KCN ở đây có xu hướng giảm dần.
Theo cơ quan chức năng, tính đến hết tháng 2-2023, Bình Dương có hơn 36.300 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (cả năm 2022 có khoảng 28.000 lao động nghỉ việc không lương). Một trong những nguyên nhân chính là đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) dần cạn, nhưng hợp đồng mới rất ít.
Anh Hà Văn Lĩnh (42 tuổi, quê tỉnh Yên Bái) đã có gần 10 năm làm công nhân tại KCN Sóng Thần (TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay anh đã nghỉ việc không hưởng lương do công ty ít đơn hàng, chuyển sang nghề dịch vụ vệ sinh, sửa chữa máy lạnh.
Về phía doanh nghiệp, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (chuyên sản xuất các mặt hàng da giày), bày tỏ: “Với diễn biến khó dự báo của tình hình kinh tế thế giới, hầu hết các ngành hàng đều bị ảnh hưởng, riêng ngành da giày bị co hẹp thị trường tiêu thụ”. Lãnh đạo một công ty bất động sản lớn có hơn 1.000 lao động ở Bình Dương cũng chia sẻ: “Nếu thị trường không được cải thiện trong một vài tháng tới, công ty cũng bắt buộc cắt giảm lao động, thu hẹp hoạt động để đảm bảo an toàn tài chính”.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 894 DN giải thể văn phòng đại diện, tạm ngừng kinh doanh (cùng kỳ năm 2022 chỉ có 691 DN). Kim ngạch xuất khẩu một số ngành, lĩnh vực của Đồng Nai sụt giảm, nhất là sản phẩm gỗ (quý 1-2023 chỉ đạt hơn 126,4 triệu USD, giảm gần 32% so với cùng kỳ năm trước) do các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc đều giảm nhập khẩu.
Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật VinaStar (TP Biên Hòa), chia sẻ, DN có gần 300 lao động với 2 xưởng sản xuất đang “khát” đơn hàng. Hiện đơn hàng giảm đến hơn 60% so với trước, khiến cho DN rất khó khăn trong việc duy trì sản xuất, giữ chân công nhân. Một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng lâm vào khó khăn vì thiếu đơn hàng, cắt giảm hàng ngàn lao động như Công ty TNHH Pousung Việt Nam và Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam (huyện Trảng Bom), Công ty TNHH Taekwang MTC Vina (TP Biên Hòa).
Gỡ khó
Theo báo cáo của Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương, ngoài giảm đơn hàng, các DN trên địa bàn đang đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận sụt giảm. Nếu như trước đây, để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, DN có thể nhận đơn hàng trước từ 3-6 tháng, thậm chí cả năm, nhưng hiện chỉ có những đơn hàng nhận trước 2-3 tháng, nên muốn giữ chân lao động phải bố trí làm việc luân phiên, giảm giờ làm.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, cho biết, địa phương cần sớm hỗ trợ các DN trong ngành phát triển mảng công nghiệp phụ trợ (sản xuất, phân phối nguyên phụ liệu, thiết bị cho sản xuất dày dép, túi xách) và kéo dài thời gian di dời các cơ sở sản xuất ngoài KCN.
Trước tình trạng số lượng lao động bị chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng gia tăng, tỉnh Đồng Nai đã có chính sách hỗ trợ: Nếu bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn hợp đồng từ 30 ngày liên tục trở lên được hỗ trợ một lần với mức 1,5 triệu đồng/người; người được nhận hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện như đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Bảo hiểm xã hội Đồng Nai ở tháng liền kề trước thời điểm bị chấm dứt hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động và có thời điểm chấm dứt hoặc tạm hoãn hợp đồng từ ngày 1-7-2022 đến ngày 31-3-2023.
Phía các DN cũng đang cố gắng tìm cách trụ vững trong thời điểm khó khăn này bằng cách giữ thị trường sản xuất kinh doanh ngắn hạn ổn định, tiết giảm chi phí hợp lý, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường.