Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ đều là nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, phải tiết kiệm từng đồng từng hào, giật gấu vá vai mãi mới lo được cho 3 chị em tôi ăn học thành người. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng học hành để lên thành phố kiếm cơ hội đổi đời.
Nhưng với sức học bình thường nên sau khi ra trường, chật vật mãi tôi mới kiếm được một công việc với mức lương khởi điểm rất thấp, chỉ đủ đóng tiền nhà hàng tháng, ăn uống cũng phải dè xẻn. Nghĩ bụng cứ thế này mãi thì bao giờ mới đổi đời được nên tôi đặt mục tiêu phải lấy chồng giàu, nhà mặt phố bố làm to.
Rồi may mắn cũng mỉm cười khi cho tôi gặp Đăng. Anh hơn tôi 4 tuổi, ngoại hình ưa nhìn, hiền lành, nhà ở thành phố, bố mẹ là công nhân viên chức đã về hưu và gia đình rất có điều kiện. Đúng kiểu mẫu đàn ông tôi thích nên tôi tự nhủ phải nắm chặt mối này trong tay.
Tôi bề ngoài xinh xắn, giọng nói nhỏ nhẹ nên anh nhanh chóng rơi vào lưới tình của tôi. Sau một năm yêu nhau, anh dẫn tôi về nhà ra mắt. Bố mẹ anh là người thấu tình đạt lý, không quan trọng giàu nghèo nên không hề chê bai hoàn cảnh của gia đình tôi. Ngược lại, bố mẹ anh còn rất quý tôi vì tài ăn nói khéo léo, chân tay nhanh nhẹn lại nấu ăn ngon.
Nửa năm sau lần ra mắt ấy, chúng tôi tổ chức đám cưới. Tuy bố mẹ Đăng không nói gì, nhưng vì không muốn mất mặt trong đám cưới nên tôi thuyết phục bố mẹ cố gắng lo cho tôi 2 cây vàng để trao trong ngày cưới. Như vậy tôi và gia đình đều được nở mày nở mặt, cũng không quá lép vế so với nhà trai. Bố mẹ đồng ý, đám cưới cũng diễn ra suôn sẻ tại một nhà hàng sang trọng trong lời chúc phúc của người thân, bạn bè hai bên.
Tiệc cưới tàn, tôi vui mừng bước chân về nhà chồng, mường tưởng ra cuộc sống sung túc về sau. Vậy là từ nay trở đi tôi không cần phải chui rúc trong căn nhà trọ chật hẹp nữa, không cần phải ăn bữa nay lo bữa mai như những ngày tháng trước đây nữa. Nhưng tôi thật không ngờ, ngay trong đêm tân hôn mẹ chồng lại cho tôi cái tát đau điếng. Và đến bây giờ, khi 10 năm hôn nhân đã trôi qua, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc ấy và cảm thấy biết ơn mẹ chồng.
Tối hôm đó, khi đã dọn dẹp xong xuôi và chuẩn bị lên phòng ngủ, mẹ chồng lại gọi tôi xuống phòng khách nói chuyện. Vừa xuống nhà, mẹ chồng không nói không rằng liền tát tôi cháy má khiến tôi sững sờ, không hiểu mình đã làm ra chuyện gì tày đình mà mẹ lại làm như vậy.
Đăng hoảng hốt không kém, vội chạy lại đỡ tôi rồi chất vấn mẹ. Mẹ chồng bình tĩnh hỏi tôi:
- Con có biết tại sao hôm nay bố con lại về trước khi hôn lễ chưa kết thúc không? Từ chiều đến giờ con đã gọi điện về hỏi thăm bố mẹ con chưa?
Tôi ú ớ không biết phải trả lời ra sao, vì đám cưới kết thúc từ đầu giờ chiều nhưng vì bận dọn dẹp nên đến tối tôi vẫn chưa gọi về cho bố mẹ thật, cũng quên luôn chuyện bố bỏ về trước. Lúc này, mẹ chồng nghiêm mặt nói tiếp:
Đêm tân hôn, mẹ chồng tát tôi cháy má. (Ảnh minh họa)
- Lúc tiệc cưới diễn ra, mọi người phát hiện bố con ôm bụng ngồi trong nhà vệ sinh. Thấy mặt ông trắng bệch, sức khỏe không ổn nên mọi người đưa ông vào bệnh viện. Sợ con lo lắng, ảnh hưởng đến ngay vui nên ông can mọi người không nói cho con biết.
Tiễn khách khứa xong xuôi mẹ mới biết chuyện này, vội gọi điện cho mẹ con hỏi thăm thì mới biết bố con về nhà rồi. bệnh tình của ông được phát hiện cách đây hơn tháng, nhưng vì muốn dồn tiền mua vàng trao cho con trong ngày cưới để con được nở mày nở mặt với bạn bè nên ông không dám điều trị. Mẹ cứ nghĩ con là đứa hiểu chuyện, nhưng không ngờ con lại vô tâm như vậy, chỉ biết đòi hỏi cho bản thân. Bố mẹ ruột còn như thế thì sau này với bố mẹ chồng thì thế nào nữa?
Mẹ chồng cũng bắt tôi ngay hôm sau phải đưa trả lại vàng cưới cho bố mẹ đẻ để bố tôi trị bệnh. Mẹ còn bảo nếu thiếu thì mẹ sẽ hỗ trợ thêm.
- Nếu chọn thông gia giàu, mẹ đã không đồng ý cho Đăng lấy con. Mẹ chấp nhận con là con dâu của mẹ đơn giản là vì hai đứa yêu nhau, mẹ cũng chỉ mong các con sống hạnh phúc thôi. Nhưng các con phải nhớ lấy chữ hiếu làm đầu, phải coi bố mẹ chồng, bố mẹ vợ như bố mẹ ruột của mình.
Người già rồi, chẳng mong gì hơn, chỉ muốn được con cái quan tâm thôi. Nên mẹ nhắc, sau này dù ở chung hay ra riêng, hai đứa vẫn phải thường xuyên sắp xếp thời gian về thăm bố mẹ, gọi điện về cho bố mẹ đỡ nhớ, đỡ mong.
Tôi bật khóc khi nghe những lời dặn dò của mẹ chồng, tự thấy cái tát của bà thật đáng. Cái tát đó đã làm tôi sực tỉnh. Nói thật, lúc đó tôi mới nhận ra mình là đứa con vô tâm thế nào. Từ trước đến nay tôi chỉ biết đòi hỏi bố mẹ mà chẳng bao giờ hỏi bố mẹ cần gì, muốn gì. Nhưng cũng may tôi vẫn còn cơ hội sửa sai.