Để dân không bị “hành” xác nhận hộ khẩu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai bỏ sổ hộ khẩu giấy đã và đang được tháo gỡ triệt để, tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Để dân không bị “hành” xác nhận hộ khẩu
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng

Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, các cơ quan đang nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc trong việc bỏ sổ hộ khẩu, bỏ giấy xác nhận cư trú.

61 địa phương đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia

Từ 1/1/2023 sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú, chính thức được bãi bỏ trong tất cả các giao dịch thủ tục hành chính theo Luật Cư trú. Sau hơn 3 tháng triển khai, các thủ tục hành chính đã được cắt bỏ, cải thiện ra sao, thưa ông?

Về cơ bản, việc triển khai thực hiện các phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bước đầu có hiệu quả. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy đưa đến sự thay đổi trong hàng loạt thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Trước đây, các thủ tục và dịch vụ công như xác định việc sử dụng đất ổn định, hồ sơ khoán rừng, hợp đồng mua điện, bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ học sinh... đều cần sổ hộ khẩu.

Giờ đây, người dân chỉ cần trình CCCD khi làm thủ tục.

Bởi các thông tin được tự động điền vào biểu mẫu điện tử khi hệ thống thông tin chuyên ngành được kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan có thẩm quyền cũng không mất nhiều thời gian để xác minh giấy tờ, tài liệu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hiện nay, hàng ngày có hàng trăm nghìn yêu cầu xác thực thông tin đến Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đến nay, có 61 địa phương đã kết nối đến Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư (còn Gia Lai, Phú Yên chưa kết nối).

Một số bộ ngành chưa công bố, dân gặp khó

Sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khai thác thông tin của mình trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Tạ Hải

Nhưng thực tế, tới đầu tháng 3/2023, ở ngay tại Hà Nội, người dân làm một số thủ tục như chuyển nhượng đất đai, cho tặng tài sản... khi đến làm thủ tục, cán bộ chính quyền vẫn yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giấy kèm bản photo công chứng. Theo ông vì sao có tình trạng này?

Trước thời điểm tháng 3/2023 chúng tôi ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai bỏ sổ hộ khẩu giấy. Một số Bộ, ngành chưa thực hiện hướng dẫn ngành dọc và công bố thủ tục hành chính để bộ phận một cửa các cấp thực hiện, nên vẫn yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Một số thủ tục hành chính (tư pháp, đất đai…) vẫn yêu cầu người dân phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh về cư trú khi tiếp nhận giải quyết. Chẳng hạn như đối với thủ tục đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân cần phải có xác nhận thông tin về thời gian cư trú tại địa bàn; thời gian đăng ký thường trú, nơi đăng ký thường trú trước khi chuyển đến.

Về lĩnh vực nhà đất, đã tiếp nhận, tra cứu được thông tin của công dân qua hệ thống. Tuy nhiên, trên hồ sơ, thủ tục được niêm yết trên cổng dịch vụ công vẫn yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ thể hiện thông tin về cư trú, do đó người dân vẫn phải đi làm xác nhận thông tin về cư trú.

Từ ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án ứng dụng dữ liệu về dân cư; Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 1/3/2023 và Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo trước 20/3, hoàn thiện quy trình điện tử bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy trước ngày 20/3 nên những vấn đề trên sẽ được giải quyết triệt để.

Như vậy, rõ ràng các thủ tục hành chính chưa thông thoáng như kỳ vọng. Theo ông, cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Cục Cảnh sát Quản lý về trật tự xã hội đã có văn bản trao đổi và đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung.

Trong đó, chỉ đạo và quán triệt 100% cán bộ tiếp dân buộc phải thực hiện các phương thức khai thác thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, tuyệt đối không được sử dụng và yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Đối với địa phương chưa kết nối, chia sẻ với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư được phép sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú trong trường hợp không thể khai thác thông tin cư trú của công dân theo các phương thức được quy định tại Nghị định 104.

Không yêu cầu xuất trình giấy tờ khác ngoài CCCD

Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy đưa đến sự thay đổi trong hàng loạt thủ tục hành chính và dịch vụ công. Ảnh: Tạ Hải

Hiện, dư luận rất quan tâm tới việc xin nhập học cho con đang vướng mắc khi bỏ hộ khẩu, bỏ xác nhận tạm trú. Ví dụ ngành giáo dục quy định học sinh các phường A được phân tuyến học ở trường B. Vậy khi đến làm thủ tục nhập học cho con, phụ huynh cần làm gì để chứng minh với nhà trường là mình ở phường A?

Theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công được thực hiện bằng một trong các phương pháp.

Thứ nhất, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp Bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ hai, tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân hiển thị trong ứng dụng VNeID; Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QR Code hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD gắn chíp; Các phương thức khai khác theo quy định của Pháp Luật chuyên ngành.

Trường hợp không thể khai thác được thông tin về cư trú theo phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú như thẻ CCCD, CMND, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân để xác minh.

Đối với việc phụ huynh xin học cho con như ví dụ vừa nêu, cán bộ nhà trường có thể dễ dàng xác minh vì chỉ cần dùng điện thoại soi chiếu mã QR code trên CCCD là ra thông số địa chỉ của chủ CCCD.

Kể cả các lĩnh vực khác như y tế, bảo hiểm đều có thể dễ dàng tra cứu các thông tin cơ bản nêu trên.

Xin ông cho biết, theo luật mới thì với CCCD gắn chip được cấp, người dân có quyền từ chối yêu cầu phải cung cấp các giấy tờ khác để chứng minh các thông tin đã có trên thẻ không?

Sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, trong quá trình làm thủ tục hành chính và dịch vụ công, người dân có các quyền: Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khai thác thông tin của mình trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các thủ tục hành chính; Thực hiện các thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Được sử dụng thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân (tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương với thẻ CCCD gắn chip) hiển thị trong ứng dụng VNeID trên thiết bị điện tử để chứng minh nhân thân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Được sử dụng thẻ CCCD gắn chíp là một loại giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân khi làm các thủ tục hành chính.

Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ CCCD gắn chip.

Tuy nhiên, như đã tôi đã trả lời câu hỏi trước, nếu trong trường hợp không thể tra cứu được thông tin theo các cách đã nêu thì công dân vẫn cần sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế.

Cảm ơn ông!

 

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật