Ngành nông nghiệp “chạy nước rút” 3 tháng cuối năm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong 9 tháng qua, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan…
Ngành nông nghiệp “chạy nước rút” 3 tháng cuối năm
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về tình hình sản xuất nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo những tháng cuối năm, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh rằng với kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã vượt trên 40 tỷ USD, đây là động lực quan trọng để ngành nông nghiệp “bứt phá” trong những tháng còn lại của năm 2022

Thứ trưởng nhận định như thế nào về tình hình sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản 9 tháng vừa qua?

Ngành nông nghiệp sau 9 tháng đã phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức như: xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tại các quốc gia phương Tây, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Tuy nhiên, vượt qua được những khó khăn thách thức đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản 9 tháng ước đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%.

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%; toàn ngànhxuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm trước.

Đến nay, 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng tăng mạnh như cà phê đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6%; cao su trên 2,3 tỷ USD, tăng 7,8%; gạo trên 2,6 tỷ USD, tăng 9,3%; sắn và sản phẩm sắn trên 1 tỷ USD, tăng 21,0%; cá tra trên 1,9 tỷ USD, tăng 83,3%; tôm gần 3,5 tỷ USD, tăng 24,8%; gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD, tăng 11,4%.

7 nhóm sản phẩm trong ngành nông nghiệp đạt kim ngạch
trên 1 tỷ USD trong 9 tháng

Với những kết quả này, tôi tin tưởng, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Chính phủ giao, như: tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,8 - 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 50- 55 tỷ USD…

Vấn đề nóng nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là tìm cách để gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Được biết, cuối tháng 10/2022, Phái đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để làm việc về vấn đề thực thi IUU. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

EC đã đưa ra 4 khuyến nghị rất rõ ràng: (i) chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; (ii) quản lý đội tàu chặt chẽ; (iii) truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đồng bộ theo chuỗi; (iv) thực thi Pháp Luật, xử lý triệt để. Chúng ta cần dựa vào đây để nêu bật những nỗ lực của Việt Nam.

"Hiện nhiều địa phương quan tâm tới địa điểm đoàn EC sẽ thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, mục tiêu của Ủy ban châu Âu không phải đánh giá từng cảng cá, mà họ muốn nhìn thấy bức tranh tổng thể về quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản, phát triển hạ tầng và kiểm soát đội tàu cá của nước ta".

Để thực hiện điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cùng một số đơn vị liên quan chuẩn bị cụ thể, chi tiết mọi vấn đề liên quan tới kỹ thuật trong tháng cao điểm chống IUU. Với tinh thần "hướng dẫn đến tận cùng", "đọc văn bản là hiểu cần làm gì" và “sai sót của địa phương là lỗi của chúng ta”, chúng tôi đã yêu cầu mỗi tỉnh, thành phố ven biển cần được gửi một văn bản hướng dẫn riêng. Người dân và địa phương cần được nâng cao nhận thức và hiểu được bản chất của việc truy xuất nguồn gốc thủy sản phải bắt nguồn ngay từ trên tàu, trong từng cuốn nhật ký khai thác. Làm được như vậy, chúng ta mới có thể gỡ được “thẻ vàng” IUU.

Xin Thứ trưởng phân tích thời cơ, thách thức đối với xuất khẩu nông sản và sản xuất nông nghiệp trong 3 tháng cuối năm?

Sản xuất và xuất khẩu nông sản đang đứng trước nhiều thời cơ. Đầu tiên là tỷ giá ngoại tệ. Do giá USD liên tục tăng, hiện vừa vượt ngưỡng 24.000 đồng/USD, những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được "trợ lực" bởi hàng hóa của Việt Nam sẽ trở nên rẻ hơn trên trường quốc tế.

Quá trình này được dự báo sẽ vắt sang năm 2023, bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất huy động. Điều này đồng nghĩa với giá USD còn đi lên. Ở chiều ngược lại, tiền đồng Việt Nam đang bị sức ép mất giá do thâm hụt cán cân vãng lai, góp phần giúp hàng hóa xuất khẩu tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.

Một vấn đề nữa là nhu cầu lương thực, thực phẩm tại các quốc gia phương Tây luôn tăng cao vào 3 tháng cuối năm. Đây là dịp châu Âu và Hoa Kỳ có nhiều kỳ nghỉ như Giáng sinh, năm mới... sẽ giúp xuất khẩu nông sản của nước ta thuận lợi.

Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải lường trước một số thách thức. Trong đó, yếu tố đặc biệt lưu ý là tình trạng lạm phát hiện diễn ra tại nhiều quốc gia, cũng như xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống. Do tình hình địa chính trị bất ổn, người tiêu dùng có xu hướng tiết chế cơ cấu bữa ăn, khiến thị phần có nguy cơ thu hẹp và xuất hiện hàng tồn kho.

Đối với ngành chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu những tháng cuối năm rất khó giảm trong thời gian tới. Giá thịt lợn trong tháng 9 tăng lên 65.000 đến 70.000 đồng/kg, nhưng sau đó giảm nhẹ. Điều này cho thấy, việc tái đàn không đồng đều như thời gian trước. Đây là những điều cần lưu ý trong tái đàn những tháng cuối năm.

Bộ Nông nghiệp vẫn kiên trì mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 50 đến 55 tỷ USD trong năm nay. Vậy, Thứ trưởng cho biết có những giải pháp nào để thúc đẩy xuất khẩu của ngành?

Từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, xuất khẩu còn nhiều khó khăn do đơn hàng giảm nhiều, dấu hiệu tồn kho còn, sức mua giảm. Tuy nhiên, với mục tiêu đạt trên 50  đến 55 tỷ USD thì chúng ta sẽ hết sức phấn đấu, cố gắng thông qua các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Các doanh nghiệp nhập khẩu nông, lâm, thủy sản cần lường trước khó khăn do chi phí đẩy và tỷ giá hối đoái tăng. Dòng tiền và cán cân thương mại cần được tính toán, điều chỉnh theo chu kỳ ngắn hạn.

"Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi cam kết tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo sức hút đầu tư cho doanh nghiệp  nông nghiệp vào địa phương nông thôn".

Trong bối cảnh “lạm phát” xảy ra ở nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới, sẽ có những mặt hàng suy giảm xuất khẩu. Với sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp cần tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm thông qua tiếp tục khai thác dư địa và chuyển đổi loại hình sản phẩm để phù hợp nhu cầu thị trường.

Quy tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến" này đã được áp dụng trong thực tiễn một loạt các ngành hàng. Cụ thể trong ngành gỗ, khi thị trường giảm nhu cầu gỗ, đồ nội thất, Việt Nam đã chuyển qua xuất khẩu viên nén gỗ để thu về bù vào phần giảm.

Thủy sản đang tiếp tục xúc tiến vào thị trường Anh, nơi đang cần xây dựng lại hệ thống chuỗi cung ứng sau khi rời EU. Đây chính là cơ hội lớn, nhất là khi Việt Nam là đối tác quan trọng với Anh trong ASEAN. Như vậy, bên cạnh những ngành hàng giảm thì cũng có những ngành hàng tăng.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng một số chương trình xúc tiến đầu tư tại tỉnh Đăk Nông, Đồng Nai, nhằm xây vùng nguyên liệu có đầy đủ thông tin, gắn kết chủ động với thị trường tiêu thụ bằng chế biến sâu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật