IMF: Xung đột tại Ukraine - nhân tố lớn nhất thúc đẩy lạm phát và kìm hãm nền kinh tế

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc xung đột tại Ukraine đang tạo ra nhiều nguy cơ. Cú sốc đối với thị trường quốc tế, đối với năng lượng, thực phẩm, nguyên liệu thô đã làm suy giảm tăng trưởng kinh tế khiến lạm phát gia tăng, đe dọa an ninh lương thực và sự ổn định tài chính.
IMF: Xung đột tại Ukraine - nhân tố lớn nhất thúc đẩy lạm phát và kìm hãm nền kinh tế
Bà Nadia Calvino tại cuộc họp ở Brussels ,Bỉ, ngày 2/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với cùng lúc nhiều cuộc khủng hoảng. Các nước nghèo, các nước kém và đang phát triển là những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đây là một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo tóm tắt tổng kết các cuộc đàm phán và thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra mấy ngày qua ở thủ đô Washington (Mỹ) .

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế - Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha - Nadia Calvino nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu đang trong thời điểm mong manh dễ vỡ hơn bao giờ hết khi cùng lúc đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực… đặc biệt là tác động của xung đột ở Ukraine.

Theo Chủ tịch Ủy ban điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế, cuộc xung đột Ukraine là nhân tố lớn nhất thúc đẩy lạm phát và kìm hãm nền kinh tế toàn cầu.

Theo bà Nadia Calvino: “Cuộc xung đột tại Ukraine đang tạo ra nhiều nguy cơ. Cú sốc đối với thị trường quốc tế, đối với năng lượng, thực phẩm, nguyên liệu thô đã làm suy giảm tăng trưởng kinh tế khiến lạm phát gia tăng, đe dọa an ninh lương thực và sự ổn định tài chính. Đây là những thách thức lớn đã được thảo luận trong cuộc họp diễn ra những ngày qua".

Trong bối cảnh đó, những nước có mức nợ cao, những nước nghèo là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do đó cần có sự hỗ trợ cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển dễ chịu tổn thương. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định phải có những quyết sách phù hợp. Để giải quyết những thách thức chung, cần đến các hành động tập thể.

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino nhấn mạnh: "Hành động đa phương khẩn cấp là cần thiết lúc này để giải quyết những thách thức chung. Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực phối hợp với các tổ chức quốc tế khác để giải quyết khủng hoảng lương thực, tập trung hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng, bảo vệ dân số bị tổn thương. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các quốc gia dễ tổn thương giải quyết các nhu cầu tài chính và bị tổn thương bởi nợ công”.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế đã hỗ trợ tài chính 260 tỷ USD cho 93 quốc gia. Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế cũng đã hỗ trợ 18 chương trình mới và bổ sung gần 90 tỷ USD. Gần đây, tổ chức này cũng đã công bố cơ chế lương thực mới, theo đó cung cấp các khoản vay khẩn cấp để giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với tình trạng thiếu lương thực và chi phí gia tăng do xung đột giữa Nga-Ukraine

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật