Vợ chồng công nhân quay cuồng với việc học của con

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không chỉ chật vật trong chi tiêu mà việc sắp xếp thời gian để đưa, đón con đi học cũng khiến nhiều gia đình công nhân quay cuồng xoay xở.
Vợ chồng công nhân quay cuồng với việc học của con
Cuộc sống công nhân vốn đã thiếu thốn, vợ chồng anh Thành càng chật vật hơn khi con trai bước vào lớp 1 (Ảnh: Thanh Tùng).

Con đi học, chi phí tăng nhiều lần

Vừa tan ca, anh Tống Văn Thành (33 tuổi, quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vội lao đến trường để đón con vì cháu tan học sớm hơn giờ tan làm, thường phải chờ dài ở trường.

Anh Thành hiện là công nhân cho một công ty giày da ở thành phố Thanh Hóa. Sau khi cưới, anh cùng vợ vào làm công nhân ở khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa. Để tiện sinh hoạt, vợ chồng anh thuê một phòng trọ gần công ty.

Đến nay, gia đình anh đã có thêm 2 thành viên nhỏ, một bé 3 tuổi, một bé 6 tuổi. Vì muốn con được ở gần bố mẹ, anh chị quyết định để 2 con cùng ở trọ tại thành phố.

Tuy nhiên, khi 2 đứa trẻ lần lượt ra đời, lớn dần, vì phòng trọ quá nhỏ hẹp (chỉ khoảng 15m2), mới đây, anh chị buộc phải gửi con gái thứ hai về quê nhờ ông bà nội trông nom. Còn cậu con trai lớn vào lớp 1, anh chị cho học tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Năm học mới vừa bắt đầu nhưng anh chị phải xoay xở đủ cách để bố trí lịch sinh hoạt hằng ngày của gia đình.

Không gian căn phòng trọ nhỏ khiến sinh hoạt, việc học tập của con trẻ rất vất vả (Ảnh: Thanh Tùng).

"Công việc ở công ty có hôm tăng ca, đi làm về muộn, trong khi đó hằng ngày thằng bé lớp một cần đưa đón đi học đúng giờ. Để sắp xếp thời gian đón con, tôi và vợ chia nhau theo buổi, mỗi người một buổi luân phiên. Khi quyết định cho con đi học ở thành phố, chúng tôi đã xác định những khó khăn sẽ trải qua nhưng thực sự, năm học mới bắt đầu được ít hôm mà hai vợ chồng đã thấy lao đao", nam công nhân gượng cười.

Kể từ ngày con trai vào lớp 1, thêm nhiều khoản chi phí nên chị Nguyễn Thị Tình - vợ anh Thành phải thắt chặt chi tiêu của cả nhà mới đủ trang trải cuộc sống.

"Lương công nhân ít ỏi. Hai vợ chồng, nếu tính cả tăng ca, mỗi tháng cũng chỉ được 13-14 triệu đồng. Trong khi đó, hằng tháng có rất nhiều khoản phải chi tiêu như tiền trọ, ăn uống, tiền học của con, rồi hiếu hỉ, lễ tết... Vừa qua, con vào lớp 1, chưa có tiền đóng học nên chúng tôi phải đi vay mượn bạn bè để lo cho con trước, chờ có lương thì trả sau", chị Tình kể.

Chật vật xoay xở đưa đón con

Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Lê Thị Hương (32 tuổi, quê ở huyện Thiệu Hóa) cũng có con đang học lớp 3 tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Trong những khu nhà trọ chật hẹp, cuộc sống của các gia đình công nhân cũng chật vật, eo hẹp (Ảnh: Thanh Tùng).

Để tiện đưa đón con đến trường, vợ chồng chị Hương thuê nhà trọ gần trường học của con với giá 700.000 đồng/tháng. Hằng ngày, chị Hương phải dậy từ 6h sáng, cho con ăn sáng, đưa con đến lớp học rồi mới tới công ty làm việc.

Chị Hương cho biết, sau khi tăng ca, vợ chồng chị về nhà cũng khoảng 19h, không thể đón con. Công việc đó đành phải nhờ cô giáo hỗ trợ. "Nhà trọ cách công ty 7km, có hôm trời mưa, lặn lội về đến nơi đã hơn 19h. Vợ chồng tôi phải nhờ cô giáo cho con về nhà cùng cô, sau buổi làm thì đến nhà cô giáo để đón cháu, gửi thêm thù lao cho cô", nữ công nhân nói.

Theo chị Hương, mỗi tháng lương của hai vợ chồng được khoảng 13 triệu đồng. Trước đây, khi con chưa đi học thì trừ chi phí sinh hoạt, anh chị để ra được 5-6 triệu đồng tiết kiệm.

Từ ngày con đi học thì tổng số tiền lương của hai vợ chồng cũng chỉ vừa đủ nộp tiền học cho con và chi phí thuê nhà, điện, nước, sinh hoạt. Có thời điểm phải tiết kiệm lắm mới đủ trang trải sinh hoạt hằng tháng.

Trường mầm non phường Quảng Hưng, gần khu công nghiệp Lễ Môn hiện có nhiều con của công nhân đang học (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, thời điểm đầu năm học mới, nhiều gia đình công nhân có con nhỏ đang phải thuê trọ có phần vất vả hơn những công nhân khác.

"Chúng tôi cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư của người lao động, đồng thời chỉ đạo công đoàn cơ sở quan tâm hơn nữa đối với các trường hợp gặp khó khăn; lập danh sách các gia đình công nhân để từ đó có những động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp người lao động vượt qua khó khăn và yên tâm lao động sản xuất", ông Ngô Thế Anh chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật