Rươi mất mùa

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rươi năm nay mất mùa nên giá tăng đột biến. Nguồn rươi ngày càng có nguy cơ suy kiệt do sự biến đổi môi trường tự nhiên, nhất là ô nhiêm môi trường nước.
Rươi mất mùa
Mùa rươi năm nay, sản lượng tụt mạnh so với mọi năm. Ảnh: Đinh Mười.

Tại Hải Phòng, hiện đang mùa rươi. Năm nay, các chủ đầm đánh giá không được mùa rươi, sản lượng giảm sâu, chỉ được 1/2 đến 1/3 so với những năm trước đây, tuy nhiên, giá lại tăng cao.

Ghi nhận tại xã Chiến Thắng, huyện An Lão, giá rươi được thương lái mua tại đầm hiện tại là 500.000 đ/kg, có những chủ đầm mỗi ngày thu đến hàng trăm triệu đồng tiền bán rươi.

Hộ ông Lương Hoàn Nhà, trú tại thôn Tân Thắng được xem là có diện tích đầm rươi lớn nhất xã Chiến Thắng. Ngày 20/11, lần đầu tiên rươi nổi nhiều trong đợt thu hoạch thứ 2 của mùa rươi năm 2021.

Cứ 5 - 7 phút, ông Nhà lại kéo lưới lên một lần rồi đổ ra chậu khoảng 10 kg rươi, việc này diễn ra đều đặn như "vắt chanh". Với giá được thương lái mua luôn tại đầm là 500.000 đ/kg, mỗi đợt kéo lưới ông Nhà đã thu về trên dưới 10 triệu đồng.

Ông Nhà phấn khởi cho biết, một năm chỉ thu được 3 đợt rươi chính vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11, mỗi đợt chỉ thu được khoảng 7 ngày, còn rươi chiêm thì mỗi đợt con nước lên chỉ thu được với số lượng không đáng kể.

Với diện tích 12 ha đầm rươi và giá như hiện nay, dự kiến năm nay gia đình ông sẽ thu về trên dưới 3 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.

Mỗi chậu rươi khoảng 20 kg có giá trị trên dưới 10 triệu đồng. Ảnh: Đinh Mười.

“Năm nay, sản lượng rươi giảm đi nhiều, tuy nhiên giá lại rất cao. Hiện chúng tôi đang bán rươi luôn tại đầm với giá xoay quanh 500.000 nghìn đồng/kg, cao hơn so với mọi năm từ 100.000 - 200.000 đ/kg”, ông Nhà phấn chấn.

Tại các vùng rươi khác ở các huyện như Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo, từ tháng 9 âm lịch, nhiều gia đình đã tháo nước thu hoạch rươi đợt 2.

Rươi cũng được thương lái thu mua ngay tại đầm với giá thấp nhất 400.000 đ/kg và cao nhất lên đến 600.000 đ/kg.

Tại các đầm rươi, tình trạng "cháy hàng" luôn diễn ra, từ sáng đến tối, cảnh mua, bán diễn ra tấp nập, nếu thương lái đến muộn hoặc "yếu thế" thì sẽ phải ra về tay không.

Mối lo suy kiệt nguồn rươi

Là người gắn bó với rươi gần 20 năm, ông Lương Hoàn Nhà chia sẻ, việc nuôi rươi không nhiều rủi ro như các lĩnh vực khác, chi phí đầu tư không lớn như làm các trang trại chăn nuôi, chỉ cần đắp bờ lên, tạo môi trường sạch, đất đai màu mỡ tơi xốp là rươi sẽ ở, so với trồng lúa và chăn nuôi thì nuôi rươi sẽ cho hiệu quả hơn từ 6 đến 7 lần.

Sự thay đổi của môi trường tự nhiên, nhất là ô nhiễm nguồn nước khiến sản lượng rươi ngày càng tụt giảm, bấp bênh. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên hiện nay, do tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng tăng, môi trường nước thay đổi, không còn sạch như trước và khí hậu biến đổi thất thường nên dù đã dùng mọi cách tốt nhất để canh tác nhưng sản lượng rươi đã giảm đi trông thấy so với trước đây.

Tiếp tục tìm hiểu cho thấy, sản lượng rươi giảm không chỉ xảy ra ở huyện An Lão mà tại các vùng rươi khác ở Hải Phòng như Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo… cũng chung cảnh ngộ.

Bà Bùi Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 100 ha đầm rươi, cho nguồn thu rất khá, nhiều hộ đã giàu lên nhờ rươi.

Hiện nay, sản lượng rươi không còn nhiều như trước đây nên giá trên thị trường khá cao. Trong đợt thu hoạch vừa qua, người dân đã bán được rươi với giá trên dưới 500.000 đ/kg ngay tại đầm.

Rươi là nguồn thu từ tự nhiên giúp hàng vạn hộ dân ở Hải Phòng làm giàu, nhưng ngày càng có nguy cơ suy kiệt. Ảnh: Đinh Mười.

“Vừa qua trên địa bàn, có hộ chỉ thu được hơn 2 tấn trên diện tích đầm rươi rộng 20 ha, vẫn còn một đợt chính vụ để thu nữa nhưng với năng suất như vậy là giảm hẳn so với trước đây, có thể đó là một trong những lí do khiến giá rươi tăng cao”, bà Hằng khẳng định.

Theo tìm hiểu, Hải Phòng hiện nay có hơn 1.200 ha đầm có thể nuôi rươi, nghề thu hoạch “lộc trời” từ nhiều năm nay trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng vạn hộ dân.

Trước kia, rươi thu từ đầm hoang hoá thì một năm người dân chỉ có 2 tháng 9 và 10, vì thế có câu “tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng 5” để vừa nói về thời điểm mùa rươi ngắn ngủi, cũng là thời điểm con nước thuỷ triều lên to tràn vào đầm thì rươi nổi lên.

Thời gian gần đây, những người có đầm bãi đã biết dựa vào con nước thuỷ triều để điều tiết cho rươi nổi lên rồi ngăn đầm thành nhiều mảnh để đưa nước vào vùng cần cho rươi lên, nhằm hạn chế thời điểm rươi lên quá nhiều, khiến giá bán giảm.

Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu cao về tiêu thụ rươi, giúp giá rươi tăng cao. Ảnh: Đinh Mười.

Do vậy, mùa rươi bây giờ có thể kéo dài thêm đến tháng 12 âm lịch, tuy nhiên, rươi được thu hoạch nhiều nhất và ăn ngon nhất vẫn vào tháng 9 và 10 âm lịch.

Chính vì giá trị kinh tế cao mà nhiều năm nay, rươi đã mang lại cho nhiều gia đình nguồn thu lớn mỗi năm, có hộ thu được cả chục tấn rươi, trị giá vài tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật