Hải Phòng kết nối tiêu thụ thủy sản trong khi tháo dỡ giàn bè ở Cát Bà

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 23.8, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Hải Phòng kết nối tiêu thụ thủy sản trong khi tháo dỡ giàn bè ở Cát Bà
Ban Quản lý Khu Kinh tế - UBND huyện Cát Hải - đại diện các doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ tại Hội nghị. Ảnh Cổng TTĐT Hải Phòng

Thực hiện định hướng đưa Cát Bà trở thành trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022, ngày 12.8.2021, HĐND thành phố Hải Phòng thống nhất thông qua Đề án quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.

UBND huyện Cát Hải phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Theo đó thực hiện tháo dỡ 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể nhằm tạo cảnh quan cho các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, thu hút khách du lịch và từng bước xây dựng Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.

Để thực hiện tốt các nội dung Đề án; đồng thời tháo gỡ các khó khăn cho các hộ nuôi trồng, vướng mắc trong quá trình thực hiện, UBND huyện Cát Hải đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà máy, tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực chế biến thủy sản trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong, ngoài thành phố thực hiện thu mua, các sản phẩm thủy sản từ các giàn bè bị tháo dỡ. Qua đó, giảm bớt các khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện các chính sách của nhà nước.

Tại Hội nghị, Ban Quản lý Khu Kinh tế - UBND huyện Cát Hải - đại diện các doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện tháo dỡ nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Theo đó, UBND huyện Cát Hải là đầu mối liên hệ, kết nối, chịu trách nhiệm quản lý, giám sát thực hiện hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp và các cơ sở nuôi trồng thủy sản (về chất lượng, khối lượng, giá cả, giao nhận...)

Trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thực tế thị trường các sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ thông báo kế hoạch thu mua sản phẩm cho UBND huyện Cát Hải. Biên bản ghi nhớ được ký kết trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi, các bên sẽ quyết định nội dung, giá cả, khối lượng, tiến độ và hình thức mua bán sản phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cảm ơn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với chính quyền và nhân dân huyện Cát Hải trong việc tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp và các các doanh nghiệp đã ký kết hôm nay tiếp tục lan tỏa công việc ý nghĩa này đến các doanh nghiệp khác để làm sao tiêu thụ sản phẩm được nhiều nhất hỗ trợ cho ngư dân và cũng là hỗ trợ thành phố trong triển khai các công việc để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật